Với niềm tin “đất không phụ công người”, ông Lưu Hữu Tâm đã mạnh dạn đầu tư khai phá một vùng đồi núi hoang vu xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng.
Mô hình rừng- ao- chuồng đã đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: N.N |
Từ QL.14E, men theo con đường rừng quanh co, hiểm trở hơn 10 cây số, chúng tôi tìm tới trang trại gia đình ông Lưu Hữu Tâm trú tại thôn 11, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn. Ông là người được bà con nơi đây thán phục bởi ý chí và nghị lực phi thường, dám nghĩ dám làm trong việc phát triển kinh tế nơi miền đất khó.
Lập nghiệp từ tay trắng
Tận mắt ngắm nhìn trang trại rộng 6ha cùng rừng keo bạt ngàn hơn 15ha, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Theo ông Tâm, trước đây, khu vực này là một vùng đồi núi hoang vu, không ai dám nghĩ tới việc có thể phát triển kinh tế bởi quá khuất nẻo heo hút. Để có được trang trại trù phú như ngày hôm nay, ông Tâm có cả một hành trình dài gần 20 năm “nếm trải” núi rừng, cùng với đó là sự đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức bỏ ra. Theo lời ông Tâm, trước năm 2002, ông là một cán bộ thôn nhưng đồng lương ít ỏi phải bươn chải mới đủ sống. Ông lăn lộn với ruộng vườn, không nề hà bất cứ công việc nào nhưng cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Trong lúc bế tắc, ông nghĩ tới mô hình phát triển kinh tế rừng, xây dựng trang trại. Đầu năm 2003, ông Tâm quyết định lên vùng đồi núi hẻo lánh cách khu dân cư hơn 10km để khai hoang lập nghiệp.
Ông Tâm bộc bạch: “Thời đó, tôi bắt tay vào làm trong sự hoài nghi, bàn tán của rất nhiều người. Ai cũng cho rằng, rừng núi hoang vu như vậy, không thú dữ thì dịch bệnh cũng quật ngã cho coi!”. Những ngày đầu, biết bao khó khăn, vất vả, nhất là nguồn vốn đầu tư. Để làm trang trại, ông Tâm đã phải chắt chiu từng đồng rồi vay mượn thêm anh em họ hàng và vay ngân hàng 50 triệu đồng để thực hiện hoài bão làm giàu trên chính quê hương. Ngày ấy, vùng đất Phước Hiệp còn lắm hoang vu, đường sá cách trở, lại không có điện đài, nước sinh hoạt. Nếu muốn vào đến ngọn đồi mà ông khai hoang, phải mất gần nữa buổi trèo đèo, lội suối. “Có đêm, vừa mới đặt chân lên, thú dữ gầm rú sợ đến kinh hoàng” - ông Tâm nhớ lại. Khó khăn chồng chất nhưng ước mơ làm giàu từ mảnh đất quê không vơi cạn trong ông. Với phương châm “lấy công làm lời, sống tiết kiệm”, mỗi ngày, ông thức dậy từ 3 giờ sáng, “cơm đùm, cơm gói” lội bộ lên núi, dùng sức người khai hoang mở rộng diện tích với quyết tâm cải tạo bằng được quả đồi để xây dựng trang trại. Sau 3 năm cần mẫn khai hoang, trang trại của ông hình thành với đàn bò 30 chục con cùng một số gà, vịt, ao cá…
Quả ngọt đầu mùa
Ban đầu, ông phủ xanh đất trống đồi trọc bằng keo lá tràm. Khởi nghiệp gian nan với số vốn ít ỏi nên ông chủ động nuôi thêm gà, vịt… để cải thiện đời sống. Khi trang trại được mở rộng, ông Tâm tiếp tục vay vốn đào ao thả cá, mua thêm bò giống về chăn thả. Lúc trang trại dần ổn định, nào ngờ tai họa lại ập đến, dịch bệnh đã làm chết 10 con bò giống. Gom góp vốn liếng, vay mượn thêm, ông Tâm quyết khôi phục lại chăn nuôi. Rút kinh nghiệm, ông tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín. Mỗi khi đàn bò có biểu hiện lạ, ông nhốt lại chứ không thả rông ra ngoài và tiến hành vệ sinh chuồng trại bằng cách chà rửa bằng chanh muối. Với sự cần cù, chịu khó và quyết tâm làm kinh tế để thoát nghèo, từ 2ha đất khai hoang ban đầu, giờ đây ông Tâm đã là chủ của hơn 7ha đất trang trại, 15ha rừng. Hiện trang trại ông có hơn 70 con bò, trong đó có 30 con bò sinh sản mỗi năm sinh được 20 - 25 con bê, cung cấp cho thị trường 2 - 3 tấn thịt/năm. Ngoài ra, các nguồn thu từ chăn nuôi gia cầm, trồng trọt và rừng kinh doanh… đã mang lại cho gia đình ông Tâm nguồn thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng/năm.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tâm cho biết: “Muốn làm giàu bằng chăn nuôi thì phải mạnh dạn đầu tư, đừng ngại khó, ngại khổ. Ở vùng núi rừng này, mình không kiên cường thì khó có thể bám trụ được chứ nói gì đến chuyện làm giàu”. Mặc dù hoạt động chăn nuôi đã dần đi vào ổn định, mang lại thu nhập cao nhưng điều mà ông Tâm luôn trăn trở chính là “đầu ra” trên thị trường. Giá bán cho tiểu thương tại địa phương rất thấp, trong khi đó thức ăn chăn nuôi “đầu vào” ngày càng tăng. Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn bất cập lớn nhất hiện nay là bà con vẫn còn nuôi nhỏ lẻ, vì vậy việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, đầu ra chưa ổn định. Để tháo gỡ tình trạng này, thời gian tới huyện sẽ có những chính sách giúp nông dân phát triển chăn nuôi theo vùng chuyên canh tập trung, thành lập tổ hợp tác xã, hiệp hội chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Trà My Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp nhận xét: “Ông Lưu Hữu Tâm là tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, vượt khó làm giàu trên mảnh đất quê. Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho ông Tâm có thêm nguồn vốn phát triển, đồng thời cũng nhân rộng mô hình để bà con học tập, làm theo để thoát nghèo”. Ở xã Phước Hiệp hiện có 3 hộ khác học tập theo ông Tâm khai hoang gò đồi để lập nghiệp.
NHẬT NAM