Hơn 10 năm chăn nuôi gà nhưng do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên anh Võ Ngọc Hiền (trú thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước, Phú Ninh) chuyển qua trồng rau hữu cơ cung ứng rau sạch cho thị trường.
Anh Võ Ngọc Hiền đang chăm sóc đám dưa leo trong trại rau của mình. |
Năm 2006, nhận thấy nghề nuôi gà có thể ăn nên làm ra ở địa phương nên anh Hiền đã xây chuồng trại, đầu tư thả nuôi. Những năm đầu, nghề này đã giúp gia đình anh có được nguồn thu ổn định, nhưng mấy năm gần đây, hiệu quả kinh tế từ con gà rất bấp bênh. Đầu tháng 8.2017, anh Hiền mạnh dạn thuê 3,7ha đất tại khối phố Tân Phú (thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh), đầu tư 1,7 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới, bể tưới, tường rào kiên cố… cho khu vực trồng rau, quả của mình. Anh Hiền chia sẻ, toàn bộ diện tích đất mà anh thuê của người dân phần lớn là đất cát, một số trước đây đã bỏ hoang nên muốn trồng được rau, quả phải tạo lớp mùn. Để tạo thêm chất dinh dưỡng trong đất, anh tiến hành cày xới, mua phân bò ủ hoai, bánh dầu bón vào đất. Sau khi cải tạo đất anh trồng thử nghiệm hơn 20 loại rau, củ, quả như rau xà lách, mồng tơi, dưa leo, cà tím… và kết quả mang lại khả quan. Hiện nay trang trại trồng rau hữu cơ của anh Hiền có khoảng 2ha trồng rau quả các loại và 1,7ha đất anh dùng trồng khoai lang Nhật Bản, mục đích để khử bớt độc tố trong đất, sau đó trồng rau hữu cơ. Hiện mỗi ngày trại rau của anh cho ra thị trường từ 500 đến 700kg rau quả sạch, thu về khoảng 1 triệu đồng.
Theo lời anh Hiền, để làm chủ được thị trường như hiện nay anh đã xây dựng ba điểm bán rau sạch tại TP.Tam Kỳ: một quầy bán rau sạch ở đường Trương Chí Cương, một điểm tại chợ Tam Kỳ, một điểm tại ngã tư đường Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân. Để đủ lượng rau sạch cung cấp ra thị trường, anh Hiền đang thuê thêm đất ở các xã Tam Dân, Tam Đàn, Tam Đại (huyện Phú Ninh) để trồng rau, củ, quả theo hình thức trồng rau hữu cơ. Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, trang trại trồng rau hữu cơ của anh Võ Ngọc Hiền rất hiệu quả. “Mô hình trồng rau hữu cơ này đã thực hiện được chủ trương của Trung ương, của tỉnh về tích tụ ruộng đất để sản xuất, thuê đất sản xuất của người dân với mức giá cao hơn so với mức thu nhập của họ, sau đó tạo việc làm cho họ để tăng thu nhập. Mô hình này góp phần tác động đến phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Cùng với đó nâng giá trị thu nhập cho người sản xuất, kể cả doanh nghiệp, tạo ra môi trường trong sạch. Trong thời gian tới định hướng của ngành nông nghiệp Phú Ninh sẽ xây dựng huyện Phú Ninh thành một huyện nông nghiệp sạch. Hy vọng rằng, đây sẽ là mô hình thiết thực cho nhiều nông dân khác trên địa bàn huyện học tập và nhân rộng” - ông Anh nói.
THANH THẮNG