(QNO) - Một trang trại kết hợp nông nghiệp và du lịch sinh thái đang được hình thành tại xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành). Đây là tâm huyết sau nhiều năm nỗ lực của anh Mai Tuấn với khát vọng làm giàu trên quê hương và liên kết giúp bà con địa phương phát triển kinh tế.
Anh Tuấn kể, từ nhỏ đã ước mơ về một mô hình kinh tế tổng hợp kết hợp nông nghiệp và du lịch. Sau khi ra trường, anh làm nhiều công việc và có thời gian ra nước ngoài làm việc, học hỏi kinh nghiệm để tích góp vốn liếng. Hơn 10 năm bôn ba xứ người, năm 2018, anh về quê cùng kế hoạch xây dựng trang trại tổng hợp theo hướng hữu cơ.
Dù kế hoạch được vạch sẵn nhưng thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn. Anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các cơ chế, chính sách liên quan về phát triển kinh tế vườn, trang trại, tìm hiểu cây trồng, con vật nuôi phù hợp.
Năm 2019, trên diện tích gần 3ha đất vườn của gia đình, anh cải tạo thành trang trại tổng hợp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Khu vườn trước đây trồng các loại cây tạp, chăn nuôi nhỏ lẻ thì nay được quy hoạch bài bản với các loại cây có giá trị kinh tế cao như thanh long, chuối, bưởi, mít thái, bơ, sầu riêng, đu đủ... và nuôi gà thảo mộc, nhím, cá.
“Tôi mất một thời gian để nuôi, trồng thử nghiệm các loại cây, con khác nhau. Đầu tư vào nông nghiệp cần thời gian dài, tiền đổ vào đấy nhiều nhưng ngày có kết quả thì rất lâu nên nhiều người cho rằng tôi đang ném tiền vô bổ. Dù ai nói gì, tôi vẫn quyết đi theo con đường mình chọn” - anh Tuấn chia sẻ.
Hiện trang trại anh đang trồng trên 2.000 gốc chuối, 200 gốc thanh long, hàng chục cây bưởi da xanh, mít thái, sầu riêng, bơ theo phương châm lấy ngắn nuôi dài.
Chuối bao phủ phần lớn diện tích của trang trại, được anh Tuấn thường xuyên chăm sóc, phát dọn để quả đạt chất lượng và năng suất cao. Bên cạnh bán, anh còn chế biến sâu thành món chuối sấy nhiều chất dinh dưỡng và gia tăng giá thành sản phẩm. Cùng với đó, anh tận dụng những phụ phẩm từ cây chuối làm thức ăn cho gà, nhím.
Ngoài chuối, vườn thanh long 10 năm tuổi của gia đình cũng được anh đầu tư mở rộng, chăm sóc bài bản. Thanh long cho quả thường xuyên, được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ nên người dân rất yêu thích, không đủ bán ra thị trường.
Từ cuối năm 2022, anh trồng thêm sầu riêng, mít thái, bưởi da xanh và các loại cây ăn quả khác, dần biến nơi đây thành một điểm du lịch cộng đồng trong tương lai gần.
Không chỉ trồng cây ăn quả, mô hình nuôi nhím cũng đang cho hiệu quả kinh tế cao. Anh cho biết, nhím giống có giá trị từ 3,2-3,7 triệu đồng/cặp, nhím thương phẩm khoảng 400-500 nghìn đồng/kg, mỗi con có trọng lượng 5-7kg. Nhím nuôi khoảng 1 năm thì cho sinh sản, mỗi năm sinh sản 1-2 lứa.
“Nhím không khó nuôi như mọi người nghĩ, nhìn gai góc là thế nhưng chúng rất thân thiện, thức ăn chủ yếu là sắn, mía, chuối, các phụ phẩm sẵn có tại vườn. Nhím có giá trị kinh tế cao, tôi đang nhân rộng mô hình này” - anh Tuấn cho biết.
Cạnh đó, đàn gà gần 1.000 con cung cấp trứng, gà thịt hàng ngày cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại thị trấn Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Gà được nuôi bằng lúa, bắp, các loại cây lá trong vườn. Anh xay thêm bả thuốc bắc trộn vào thức ăn giúp gà tăng sức đề kháng và thịt thơm ngon hơn. Không chỉ bán gà thịt, anh còn chế biến món khô gà với mùi vị hấp dẫn. Các sản phẩm từ gà anh dự định đăng ký tham gia chương trình OCOP trong năm tới.
Năm 2023, mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái hố Giang Thơm của anh Mai Tuấn được công nhận là ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh Quảng Nam.
[VIDEO] - Anh Mai Tuấn chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình:
Anh Tuấn chia sẻ, để phát triển trang trại, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, ngày hội khởi nghiệp của tỉnh và huyện... Nhờ đó được tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, được giao lưu học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để phát triển mô hình hiện có.
Dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá, nhưng đến nay sản phẩm bước đầu tiếp cận thị trường, có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch tại thị trấn Núi Thành, TP.Tam Kỳ và Đà Nẵng.
“Trang trại hình thành được gần 4 năm nhưng lợi nhuận thu được đều xoay vòng đầu tư vào các hạng mục khác để dần hình thành nên một điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Tôi đang đầu tư thêm hồ bơi và không gian trưng bày sản phẩm tại trang trại" - anh Tuấn nói.
Với những gì gầy dựng trong 4 năm qua, anh Tuấn đang dần hiện thực khát vọng làm giàu trên chính quê hương mình. Tương lai không xa, đây sẽ là một điểm đến, một điểm dừng chân của du khách trong hành trình đến Tam Mỹ Tây, đến với hố Giang Thơm. Mong rằng, mô hình sớm mang lại hiệu quả như kỳ vọng của chủ nhân nhiều tâm huyết, để bà con tin tưởng và liên kết sản xuất, liên kết phát triển du lịch cộng đồng, đem lại sinh kế cho bà con địa phương như dự định của anh.