Tranh cãi quanh chính sách tín dụng sư phạm

KỲ DUYÊN 12/06/2018 09:49

(QNO) - Thay vì được miễn học phí suốt 4 năm đại học như lâu nay, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung một số điều đưa ra quy định áp dụng tín dụng đối với sinh viên theo học sư phạm. Người học phải đóng học phí, nếu ra trường có việc làm đúng ngành thì sẽ được hoàn trả lại - và ngược lại.

Nguồn: quochoi.vn
Quang cảnh hội trường Quốc hội: Ảnh: quochoi.vn

Quy định này đã gây nhiều ý kiến khác nhau đối với đại biểu Quốc hội tại chương trình thảo luật về dự án luật này. Theo đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam), nếu chính sách này được thực thi thì sẽ tạo ra nguy cơ nợ xấu và không công bằng khi người xin được việc vừa có thu nhập lại vừa không phải hoàn lại học phí. Ngược lại, người thất nghiệp thì sẽ lấy tiền đâu để trả?

Không xin được việc thì lấy đâu tiền để trả nợ?

Đại biểu Phan Thái Bình đã đặt câu hỏi như vậy khi phản biện về chính sách tín dụng sư phạm được nêu tại Điều 89 dự án Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung một số điều. Đại biểu Bình dẫn nguồn của Bộ GD-ĐT và cho biết, hiện toàn quốc có 65 trường đại học đào tạo về sư phạm. Quy mô đào tạo năm 2017 là 105.462 sinh viên và số sinh viên tốt nghiệp năm 2016 đến này thất nghiệp là 19%. Trường cao đẳng là 49 trường, quy mô đào tạo năm 2017 là 43.972 sinh viên, số sinh viên tốt nghiệp năm 2016 đến nay chưa có việc làm sau 12 tháng là 18%. Chưa kể 41 trường trung cấp sư phạm với hơn 13.551 sinh viên đào tạo quy mô năm 2017.

Từ những con số trên, đại biểu Phan Thái Bình nói ông không đồng tình chính sách tín dụng sư phạm, tức là nếu xin được việc đúng ngành học sư phạm thì sẽ được hoàn trả học phí trong 4 năm. Ông Bình cho rằng bản chất của câu chuyện chất lượng đầu vào sư phạm kém không phải nằm ở miễn học phí hay không.

Đại biểu Phan Thái Bình – đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: Kỳ Duyên
Đại biểu Phan Thái Bình – đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: Kỳ Duyên

“Tôi thấy vấn đề lớn và rất mâu thuẫn là số sinh viên sư phạm ra trường hiện nay chưa có việc làm chiếm tỷ lệ rất lớn. Bây giờ chúng ta miễn học phí sinh ra mâu thuẫn mất công bằng, vay tín dụng vì nếu chúng ta đặt vấn đề vay tín dụng với không có việc làm đồng nghĩa với không có thu nhập và không thể trả khoản vay tín dụng. Không trả khoản vay tín dụng thì nguy cơ phát sinh nợ xấu rất cao như vậy ai xử lý trả khoản tiền này cho các ngân hàng?” - đại biểu Phan Thái Bình đặt câu hỏi.

Ông Bình đề xuất cần xem xét lại chính sách vay tín dụng, thay vào đó là chính sách học bổng, thắt chặt chất lượng đầu ra của sinh viên, tạo việc làm cho sinh viên sư phạm. Cụ thể sửa Điểm b Khoản 1 Điều 77 theo hướng: “Sinh viên có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm đối với sinh viên trung học cơ sở", tôi đề nghị đối với giáo viên này nên chăng chỉ sử dụng giáo viên tốt nghiệp trường Đại học sư phạm không sử dụng các ngành khác để đảm bảo chất lượng GD-ĐT”.

Chất lượng đầu vào sư phạm: vấn đề không phải là tiền!

Trong khi các đại biểu Quốc hội nêu rằng với tình hình khó khăn, gánh nặng của ngân sách nhà nước hiện nay thì chính sách tín dụng sư phạm sẽ giúp trút bỏ gánh nặng - một số ý kiến khác lại có ý kiến khác. Đó là chuyện phải đóng học phí hay không không phải nút thắt để tháo gỡ câu chuyện chất lượng đầu vào sư phạm đang báo động mấy năm trở lại đây.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nói lương thầy cô giáo như thế nào và chính sách tuyển dụng mới là gốc của vấn đề và bài toán thu hút người học giỏi, người vào làm công tác trong ngành sư phạm mới khả thi, lúc đó vấn đề chất lượng đào tạo của ngành sư phạm mới giải quyết được. Đại biểu Phương kiến nghị luật cần bổ sung Điều 89 về học bổng và trợ cấp xã hội. Ngoài các loại hình học bổng đang quy định thì nên quy định thêm nhà nước xây dựng chương trình học bổng quốc gia cho  người học giỏi để đào tạo nhân tài mà khi thực hiện có thể ưu tiên về số lượng cho những người học ngành sư phạm mà không cần phải xây dựng tín dụng sư phạm.

Tán đồng quan điểm này, đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) cũng cho rằng vấn đề học phí chưa phải là vấn đề căn bản, cốt lõi khiến cho ngành sư phạm trong thời gian qua không thu hút được học sinh giỏi. “Vấn đề căn bản là ở việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, là ở chất lượng đào tạo và đặc biệt là chính sách tuyển dụng gắn với chế độ thỏa đáng cho giáo viên, đó mới thực sự là thỏi nam châm cực mạnh để thu hút các em học sinh giỏi đến với nghề dạy học. Bởi vậy, tôi mong rằng bên cạnh những thay đổi về chính sách học phí như dự thảo luật đã quy định cần tiếp tục nghiên cứu những vấn đề liên quan đến đào tạo sư phạm, chính sách tuyển dụng và đãi ngộ với nhà giáo mới có thể tạo động lực để sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà đạt được những thành công như kỳ vọng của Đảng, của cử tri và của nhân dân cả nước” - bà Bình nói.

Nhà nhà đào tạo Thủ tướng, trường trường đào tạo bộ trưởng

Phần phát biểu ý kiến đầy gai góc của đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) đã gây xôn xao hội trường Quốc hội chiều 11.6 khi đề cập đến những thực trạng âm ỉ, nhức nhối nhất của ngành GD-ĐT. Bà Hà cũng đề cập việc “người đứng đầu không dám từ chức, không dám chịu trách nhiệm”.

 “Nhiều vụ việc đạo đức trong xã hội xuống cấp, nhưng nguyên nhân do đâu thì chưa ai nhìn nhận vào sự thật. Ai sinh ra cũng muốn mình là người tốt, là người giỏi. Sự thật là hiện nay nhà nhà đào tạo Thủ tướng, trường trường đào tạo bộ trưởng. Và kết quả là học sinh chưa vào lớp 1 đã đọc bảng cửu chương và nói tiếng Anh như gió để đậu đầu vào lớp 1. Cho tới lên lớp 2 thì giỏi toàn diện Văn, Toán, Ngoại ngữ” - đại biểu Ksor Phước Hà nói.

Theo nữ đại biểu này thì những thiên lệch, phương pháp sai về đào tạo đã tạo ra một bức tranh xã hội nhiều mâu thuẫn, nhiều vụ việc về đạo đức xã hội nảy sinh. Nguy hiểm hơn, cách giáo dục này cũng đang biến thế hệ con cháu chúng ta thành một lớp robot, sống thờ ơ với xã hội và không cảm xúc, không dám tự chịu trách nhiệm về việc mình làm.

Đại biểu Hà cho rằng có những học sinh được đào tạo “ưu tú” tới nỗi vào cấp 3 thì thuộc lịch sử người như chính nơi mình được sinh ra và lớn lên. Nhưng các em lại chẳng mảy may suy nghĩ vì sao cha ông mình đã phải đổ máu để giành được độc lập. “Để cho tới hôm nay thì lại đi cầm cờ “người” tham gia biểu tình, gây rối trật tự an ninh, thậm chí là về dọn dẹp chăn màn, đập phá bàn thờ của ông bà tổ tiên” - đại biểu Hà nói, và đề nghị: “Tôi đề nghị giáo viên và bác sĩ là hai ngành phải tập trung tuyển chọn, phải lấy điểm đầu vào cao như nhau chứ không phải theo kiểu đại trà như lâu nay đang áp dụng”.

KỲ DUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tranh cãi quanh chính sách tín dụng sư phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO