Tranh cãi về thực phẩm biến đổi gen

QUỐC HƯNG 19/01/2015 10:44

Cho dù Liên minh châu Âu (EU) thông qua quyết định về những vấn đề thực phẩm biến đổi gen, nhưng tranh cãi dường như chưa có hồi kết.

Thực phẩm biến đổi gen (gọi tắt GMF) hay thực phẩm công nghệ sinh học là các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng chuyển gen, được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước từ nhiều năm qua. Thế nhưng, những vấn đề về GMF đến nay tiếp tục được tranh luận, cả về những mặt tích cực lẫn tác hại của nó. Sau nhiều năm tranh cãi, Nghị viện EU vừa thông qua quy định cho phép các nước thành viên được tự quyết định về lĩnh vực phát triển GMF, có thể cho phép hoặc cấm lưu hành thực phẩm biến đổi gen vì lý do môi trường, kể cả khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn EU về vệ sinh và an toàn.

Một gian hàng tại Hội nghị nông nghiệp quốc tế đang diễn ra tại Đức. (nguồn: bulengrin)
Một gian hàng tại Hội nghị nông nghiệp quốc tế đang diễn ra tại Đức. (nguồn: bulengrin)

Thực tế tại các nước EU và ngay cả những quốc gia khác, trong khi một số chuyên gia cho rằng công nghệ biến đổi gen trong nông nghiệp mang lại nhiều ưu điểm thì nhiều chuyên gia lại có quan điểm ngược lại. Sự ra đời của GMF được xem là xu hướng rất thiết thực khi dân số thế giới trên toàn cầu tiếp tục tăng, diễn biến khí hậu ngày càng khắc nghiệt bởi GMF là giải pháp hữu hiệu để tăng sản lượng và chất lượng của thực phẩm, các loại cây trồng còn có khả năng chống đỡ tốt thời tiết trong điều kiện khắc nghiệt, giá thành GMF thấp hơn sản phẩm truyền thống…

Tuy nhiên, một bộ phận giới khoa học lo ngại GMF có thể gây ra một số bất lợi đến sức khỏe con người như tăng nguy cơ dị ứng, làm lờn kháng sinh, gây độc cho cơ thể người và tác hại đến môi trường. Vào năm 2013, vài kết quả nghiên cứu được công bố từng gây chấn động dư luận và biểu tình đã diễn ra khắp nơi trên toàn cầu để chống lại GMF. Đó là một nghiên cứu của một trường đại học Mỹ đã chỉ ra rằng, “đậu nành biến đổi gen cho năng suất thấp hơn 10% so với giống đậu nành truyền thống”, còn các nhà khoa học Pháp công bố nghiên cứu kéo dài 2 năm cho thấy “đàn chuột được nuôi bằng bắp biến đổi gien hoặc tiếp xúc với loại thuốc diệt cỏ bán rất chạy của Tập đoàn Công nghệ sinh học Monsanto bị rất nhiều khối u và tổn thương nội tạng, hay GMF gây ung thư cho chuột”. Ngoài ra, nhiều nông dân lo ngại sản phẩm của họ khó cạnh tranh được với GMF được nhập khẩu.

Do đó, bên lề Hội nghị nông nghiệp quốc tế lần thứ 80 đang diễn ra tại Berlin của Đức với chủ đề “Tuần lễ xanh”- một trong những triển lãm lớn nhất thế giới trong ngành nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và rau quả với hàng nghìn công ty trên khắp thế giới tham gia, khoảng 50 nghìn người Đức đã xuống đường biểu tình. Mục tiêu của họ là kêu gọi chính phủ Đức và các nước phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phản đối chính phủ Đức việc ký thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, các điều kiện chăn nuôi gia súc và gia cầm tồi tệ, cũng như phản đối sử dụng công nghệ biến đổi gen trong nông nghiệp và yêu cầu định giá công bằng đối với thực phẩm.

Xem ra, những tranh cãi về GMF vẫn còn đó, nhất tại tại EU. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những mặt rất tích cực của GMF, chính phủ các nước phải tuân thủ kiểm định an toàn, quy chế quản lý và dán nhãn thực phẩm, có những quy định bắt buộc dành cho GMF.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tranh cãi về thực phẩm biến đổi gen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO