Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng tại xã Trà Đông (Bắc Trà My): Hai bản án, đương sự vẫn chưa "tâm phục"!

TRẦN HỮU 30/06/2017 08:37

Cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh có nhiều tình tiết thiếu khách quan, gây thiệt thòi quyền lợi kinh tế gia đình, ông Thọ tiếp tục cầu cứu các ngành chức năng.

Ông Thọ cho rằng bản án phúc thẩm của tòa là không “tâm phục khẩu phục”. Ảnh: T.H
Ông Thọ cho rằng bản án phúc thẩm của tòa là không “tâm phục khẩu phục”. Ảnh: T.H

Phán quyết của tòa    

Ông Phạm Văn Thọ trú tại xã Tam Đại (Phú Ninh) trình bày: Năm 2011, ông có bán cây rừng trồng trên đất cho ông Võ Hùng với giá 870 triệu đồng (chỉ bán cây trồng chứ không chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Số tiền thực tế ông Võ Hùng giao cho vợ chồng ông Phạm Văn Thọ - bà Võ Thị Đức là 790,5 triệu đồng. Ông Thọ đã giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 299.939m2 đất trồng rừng sản xuất tại thửa đất số 27, tờ  bản đồ số 1 thuộc thôn 7 (nay là thôn Phương Đông, xã Trà Đông, Bắc Trà My) và có viết giấy tay nhận tiền. Ngày 27.12.2012, UBND huyện Bắc Trà My đã điều chỉnh giảm diện tích đất rừng sản xuất của hộ ông Phạm Văn Thọ chỉ còn 134.766m2 do ông Thọ trả lại đất cho 5 nhóm hộ khác. Sau đó, các hộ ông Võ Hùng, Nguyễn Ngọc Tuấn, bà Trần Thị Liên (cùng trú tại phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) và ông Võ Bá Ngọc (xã Tam Đại, huyện Phú Ninh) đồng nguyên đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện giải quyết công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích 134.766m2 đất rừng sản xuất giữa các ông bà nêu trên với ông Thọ - bà Đức.

Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm số 01/2016/DS-ST, ngày 5.1.2016 của TAND huyện Bắc Trà My đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Võ Hùng, ông Võ Bá Ngọc, Nguyễn Ngọc Tuấn và bà Trần Thị Liên về việc “Yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với ông Phạm Văn Thọ - bà Võ Thị Đức và tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên là vô hiệu. Ông Thọ - bà Đức có trách nhiệm hoàn trả lại cho nhóm ông Võ Hùng số tiền 298,8 triệu đồng; đồng thời phải có trách nhiệm thối trả cho ông Huỳnh Ngọc Ba 800 triệu đồng. Ông Võ Hùng đã viết giấy chuyển nhượng và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ba. Số tiền keo 800 triệu đồng là được một đơn vị có thẩm quyền định giá.

Không đồng tình với Bản án sơ thẩm số 01/2016/DS-ST của TAND huyện Bắc Trà My, ông Thọ đã kháng cáo, yêu cầu tài sản trên đất keo do ông Huỳnh Ngọc Ba trồng, tái sinh có giá trị 800 triệu đồng phải chia đôi cho ông Thọ. Tuy vậy, Bản án phúc thẩm số 39/2016/DS-PT ngày 1.7.2016 của TAND tỉnh, chỉ công nhận toàn bộ diện tích 134.766m2 đất trồng rừng sản xuất tại thôn Phương Đông (xã Trà Đông) thuộc quyền quản lý sử dụng của ông Phạm Văn Thọ - bà Võ Thị Đức. Ông Huỳnh Ngọc Ba phải thu hồi tài sản cây keo trồng trên diện tích đất sản xuất tại thôn Phương Đông để trả lại quyền sử dụng đất cho ông Phạm Văn Thọ và bà Võ Thị Đức. Ông Thọ - bà Đức có trách nhiệm hoàn trả lại cho nhóm ông Võ Hùng, do ông Hùng làm đại diện nhận số tiền 340,5 triệu đồng. (Ông Thọ nhận 790,5 triệu đồng trừ đi 450 triệu đồng, còn lại 340,5 triệu đồng).

Cần làm sáng tỏ một số tình tiết

Trao đổi với chúng tôi, ông Thọ cho rằng bản án phúc thẩm của tòa chỉ dựa vào tờ giấy viết tay của ông để nhận định, suy đoán là thiếu căn cứ. Theo ông Thọ, việc tòa án dựa vào nội dung tờ giấy viết tay có đoạn “Chú Thọ bán rừng tính riêng tiền bán cây trên đất là 450 triệu đồng/25ha” (còn lại gần 5ha diện tích chưa hình thành rừng); và tòa căn cứ vào câu ông Thọ trả nợ “Chị Xuân (vợ ông Võ Hùng - PV) 4ha cây keo trồng 60 triệu đồng” tương đương 15 triệu đồng/ha. Từ đó tòa xác định mỗi héc ta là 15 triệu đồng, tổng cộng 30ha là 450 triệu đồng. Cuối cùng, suy đoán rằng số tiền còn lại là ông Thọ bán đất rừng mới đủ. “Nhưng sự thật không phải vậy. Bà Xuân trồng trên đất rừng của tôi nên mỗi bên đương nhiên sẽ được hưởng lợi 50% theo thương lượng; 4ha rừng bà Xuân trồng, tôi có trách nhiệm thối lại 60 triệu đồng. Nghĩa là mỗi héc ta keo có giá trị 30 triệu đồng (4x30 triệu đồng = 120 triệu đồng), mỗi bên hưởng lợi một nửa chứ không như nhận định của tòa” - ông Thọ lý luận.

Mấu chốt nằm ở chỗ, tuy giao dịch bán rừng vào năm 2011 nhưng đến năm 2013 nhóm hộ ông Võ Hùng mới thu hoạch keo. Dĩ nhiên muốn khai thác keo phải có đầy đủ thủ tục hồ sơ giấy tờ hợp pháp, được chính quyền địa phương đồng ý. Ông Thọ quả quyết, để ông Hùng dễ dàng làm thủ tục đăng ký và khai thác vận chuyển keo, giữa ông và ông Hùng có tồn tại loại giấy tờ hợp đồng mua bán cây keo với sự đồng ý và chứng thực của Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đông - ông Nguyễn Quang Vĩnh. Hợp đồng này hoàn toàn không đá động gì đến chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều lần ông đề nghị sao lục chứng cứ này nhưng phía xã đều bảo không lưu lại. “Tại sao tòa không thu thập chứng cứ giấy tờ trên để làm căn cứ theo yêu cầu của tôi và luật sư mà chỉ dựa vào loại giấy viết tay tính tiền cây trên đất để nhận định sai vụ việc? Ông Ba trồng rừng trái phép trên đất rừng của tôi đã bị UBND xã Trà Đông đình chỉ vào cuối năm 2013 nhưng tòa phúc thẩm lại giải quyết cho ông thu hồi toàn bộ diện tích cây keo với giá trị 800 triệu đồng mà không chia cho tôi 50% giá trị” - ông Thọ ấm ức.

Luật sư Lưu Thị Lan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Phạm Văn Thọ, cho rằng việc tòa dựa vào bản viết tay của ông Thọ mà nhận định ông bán luôn tài sản đất là thiếu cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, luật sư đề nghị phía ông Võ Hùng có trách nhiệm trả đúng số tiền 870 triệu đồng cho ông Phạm Văn Thọ không được cơ quan tòa án xem xét. Ông Thọ đã có đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 01/2016/DS-ST, ngày 5.1.2016 của TAND huyện Bắc Trà My và Bản án phúc thẩm số 39/2016/DS-PT ngày 1.7.2016 của TAND tỉnh. Ngày 14.6.2017, TAND Tối cao tại Đà Nẵng do thẩm phán Hồ Ngọc Bích ký đã Thông báo số 100/TB-TA có nội dung không đủ căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với 2 bản án nêu trên.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng tại xã Trà Đông (Bắc Trà My): Hai bản án, đương sự vẫn chưa "tâm phục"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO