Tránh chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

ĐĂNG QUANG 11/10/2021 06:09

1. Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10)  sắp tới chừng sẽ trầm lắng với không khí làm ăn của doanh nghiệp còn bí bách. Với con số 90 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, bình quân mỗi tháng có khoảng 1 vạn doanh nghiệp rời bỏ thị trường, rõ ràng con đường phục hồi sản xuất là không dễ. 

Chưa nói với cuộc hồi hương lịch sử của lao động, với hàng trăm nghìn người trong tuần vừa qua, các vùng kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm phía Nam sẽ thiếu hụt trầm trọng nhân lực.

Bức tranh màu xám đang phủ lên nền kinh tế. Vậy giới doanh thương trông đợi gì? Chính phủ và các địa phương cần tháo ngay các điểm nghẽn. Không thể để tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong việc thực thi các quyết sách, trước hết là vấn đề “cát cứ” cục bộ khiến chuỗi cung ứng gãy đổ.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã gay gắt yêu cầu các bộ ngành và địa phương phải đảm bảo việc lưu thông, giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt, không để mỗi địa phương làm một kiểu.

Doanh nghiệp còn mong đợi gì nữa? Đó là sự đồng bộ trong thực hiện chính sách. Nhiều gói hỗ trợ được đưa ra, nhiều lời hứa tạo điều kiện để chuyển mô hình vận hành “ba tại chỗ” trong ngắn hạn sang “thích ứng an toàn linh hoạt”, nhưng nay vẫn chưa có quy chuẩn rõ ràng để thực thi.

Liệu một doanh nghiệp nào mở lại hoạt động có F0 thì có bị dừng không? Chưa phân phối đủ vắc xin nhưng nói công nhân phải tiêm đủ hai mũi mới vào nhà máy được, thì giải quyết sao? Các chính sách hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất vay, khoanh nợ giãn nợ thuế thực tế được áp dụng thế nào khi chỉ còn chưa đầy một quý nữa là kết toán năm 2021?

Thực sự nỗi lo của phần lớn doanh nghiệp còn ngổn ngang, dù rằng đây đó, tinh thần giới doanh thương vẫn cố vượt khó. Như động thái mới của Thaco khi cho xuất xưởng dòng xe mới Kia Carnival, với giá bán từ 1,199 tỷ đồng đến 2,399 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lớn như Thaco trụ vững là mừng, trước hết cho nền kinh tế Quảng Nam. Song, đó chỉ là điển hình ít ỏi, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phá sản khi nội lực yếu, và không được hưởng gì nhiều chính sách hỗ trợ.

2. Từ sợ hãi, đến sợ trách nhiệm ở các cấp quản lý chính quyền còn dẫn đến khó khăn cho nhiều giới, không chỉ doanh nhân mà còn nhiều thành phần khác của xã hội. Nói như TS.Nguyễn Sĩ Dũng, các lãnh đạo địa phương sợ trách nhiệm nên “khóa cứng” vùng của mình, làm đông máu sự vận hành của kinh tế.

Và, chúng tôi cũng thật ngạc nhiên, bình thường các hội đồng vùng kinh tế trọng điểm hay đăng đàn diễn thuyết nhiều chuyện về phát triển, nhưng khi rủi ro chung, chẳng mấy ai lên tiếng một cách có uy lực về liên kết vùng, như giải quyết các vấn đề lưu thông hàng hóa và nguồn nhân lực cho hiệu quả cả (?).

Trách nhiệm để bùng phát dịch không phải là ở chỗ có F0 xuất hiện hay không, bởi với điều kiện mới khi cuộc “tháo chạy” của người ở vùng dịch bị phong tỏa kéo dài nhiều đợt, tình trạng gần như “nước lụt lút cả làng”.

Vấn đề là kiểm soát bằng cách nắm được thông tin, ai bệnh thì đưa đi chữa trị chứ không thể cách ly tập trung, test tràn lan và xét nghiệm liên hồi, gây thiệt hại thời gian, tiền bạc của dân chúng. Không thể để trống đánh xuôi kèn thổi ngược gây ra sự chật vật của người lao động kéo dài đến nổi phải mất khoảng phần ba tiền công ngày đi làm, và liên tục qua nhiều chốt chặn.

3. Cần quyết liệt chống tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong bối cảnh một nền kinh tế - xã hội như cái bình thông nhau. Trong điều kiện thị trường tự điều tiết, xã hội tự quản lý, nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách nhưng phải đồng bộ và hiệu quả cho toàn cục. Cát cứ, cục bộ ngành, địa phương, là làm cho khả năng phục hồi sau đại dịch càng khó khăn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tránh chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO