Tranh mộc bản làng Sình tại Festival Huế

BÍCH LIÊN 21/04/2014 10:56

(QNO) - Điểm xuyết vào giá trị, đặc trưng văn hóa truyền thống Huế tại Festival 2014 có sự hiện diện của tranh mộc bản làng Sình, một làng nghề tồn tại gần 500 năm giữa lòng xứ Huế.

“Giữ lửa” làng tranh

Nằm cách nội thành Huế chừng 20 cây số, làng Sình (thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) đã trở thành địa chỉ du lịch, tâm linh quen thuộc của du khách trong vài năm trở lại đây. Từ những thế kỷ 14- 15, theo chân chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, ông Kỳ Hữu Hòa đã mang nghề tranh mộc bản vào xứ Thuận Hóa truyền dạy, khai sinh nghề tranh mộc bản và được tôn vinh là ông tổ làng Sình. Cả nước có 4 làng tranh mộc bản nổi tiếng thì đến 3 làng được khai sinh ở miền Bắc, suốt dải miền Trung và miền Nam chỉ có duy nhất làng tranh mộc bản ở xứ Huế. Đặc trưng của tranh làng Sình là loại tranh dân gian phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và thờ cúng.

Du khách tỏ ra thích thú với tranh làng Sình.
Du khách tỏ ra thích thú với tranh làng Sình.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước thuộc đời thứ 9 của dòng họ Kỳ cho biết nếu dòng tranh dân gian tín ngưỡng, trưng bày mô phỏng những trò chơi đậm nét dân gian như đấu vật, kéo co, bịt mắt đập om, hái dừa… không thể thiếu trong sinh hoạt của người bình dân thì dòng tranh bát âm đã từng được đưa vào cung phục vụ cho việc cúng bái chốn cung đình nhà Nguyễn. Tranh bát âm cúng bà mụ là 8 bức vẽ 8 nhạc công chơi 8 loại nhạc cụ khác nhau gắn với sở cầu con cái lớn khôn, tài năng hơn người…

Độc đáo của tranh mộc bản làng Sình là được in, vẽ trên giấy dó. Màu sắc tô vẽ cho tranh vốn được chế tác từ tự nhiên như rễ cây, lá cây hay từ bột sò điệp được xay mịn. Theo nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, trong những sắc màu của tranh mộc bản thì màu đỏ là khó tạo nhất. Để có màu này, bà con xưa phải lên rừng đào rễ cây vang (một loại cây thân gỗ ở Huế) về bỏ vô nồi đất nấu 4 đêm 5 ngày mới có màu. Còn với màu vàng, họ phải hái lá đung về phơi khô, vò vụn, sau đó bỏ vào nồi trụng với búp hoa cây hòa, nấu sôi 15 phút. Màu xanh lục được tạo từ cây dành dành mọc dưới khe, tận dụng cả thân, lá, rễ, hoa quả loài cây này đem nấu 5 tiếng mới thành màu. Để chống phai màu phải trộn những sắc màu tự nhiên đó với nước da trâu nấu sôi…

Học in tranh mộc bản.
Học in tranh mộc bản.

Hội Vật làng Sình là lễ hội đậm yếu tố dân gian xứ Huế diễn ra đúng vào ngày cúng tổ làng Sình, Mùng 9 tháng Giêng hằng năm. Cứ vào dịp giỗ Tổ, con cháu sinh sống, làm ăn ở xa và du khách thập phương lại nô nức kéo về làng. Sau lễ cúng Tổ là hội vật. Sới vật chính là sân đình Lại Ân (đình làng Sình) nay. Ngày nay, lễ cúng tổ và lễ hội dân gian đấu vật vẫn còn được duy trì ở vùng.

Làng tranh mộc bản làng Sình cũng trải bao bận lao đao, có thời kỳ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước kể lại: “Sau giải phóng, làng nghề bị cấm vì chính sách chống mê tín, dị đoan và chống lãng phí. Dân làng bỏ nghề, hàng trăm mộc bản có niên đại mấy trăm năm bị phá hủy, thất lạc. Lo sợ nghề của tổ tiên bị thất truyền, tôi đã âm thầm chôn giấu cả trăm mộc bản dưới lòng đất. Để có tranh phục vụ nhu cầu tâm linh cho bà con, cả nhà phải thắp đèn dưới hầm để làm tranh…”. Thế rồi, khi cơ chế, chính sách mới ra đời, nghề tranh làng Sình được khôi phục. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước chính là người “giữ lửa” cho làng nghề. Đến nay làng Sình có khoảng 50 - 60 hộ làm tranh mộc bản trang trí, thờ cúng với số lượng mẫu lên đến 70 mẫu. Người làng Sình, từ già đến trẻ đều gọi nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là “ông Công” với nghĩa người có công phục hồi làng nghề. Tranh làng Sình đã có mặt trên thị trường, từ Huế, Quảng Trị vào tận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định với số lượng tiêu thụ hàng trăm nghìn tấm tranh mỗi năm.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.B.L
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.B.L

Quảng bá thương hiệu

Không chỉ là địa chỉ văn hóa tâm linh, làng Sình còn trở thành địa chỉ du lịch, đón hàng trăm lượt khách mỗi năm. Tranh làng Sình đã góp mặt tại nhiều cuộc thi, hội chợ sản phẩm du lịch làng nghề. Đặc biệt, tại Festival Huế 2014, nhiều sản phẩm tranh dân gian mộc bản từng đoạt giải tại các cuộc thi, hội chợ của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã đem lại sự thích thú cho du khách. “Từ khi có festival, ý tưởng làm tranh du lịch đã hình thành trong tôi. Nói là làm, ngày đêm tôi miệt mài với nhiều bức vẽ, vẽ xong rồi bỏ… cuối cùng thì cũng thành hình” - nghệ nhân Kỳ Hữu Phước vui vẻ nói.

Những sản phẩm du lịch và quà tặng mang đậm tính truyền thống như lịch bát âm, tranh 12 con giáp tạo nên nét độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều sản phẩm tinh hoa của già Công đã được đón nhận và đoạt giải tại nhiều cuộc thi, hội thi sản phẩm làng nghề. Có thể kể đến tác phẩm “Trò chơi dân gian” đạt giải Ba tại một lễ hội Huế năm 2009; bộ Lịch Bát âm năm 2013 đạt giải Ba tại Cuộc thi nhóm làng nghề sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2013. Tại Festival Huế lần này, bộ Lịch bát âm 2014 được tỉnh Thừa Thiên Huế trao giải ý tưởng sáng tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần nâng tầm thương hiệu làng nghề.

Tuổi cao song nghệ nhân còn ấp ủ nhiều bản thảo tranh vẽ về đời sống lao động nông thôn với cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau; cảnh cấy lúa; cảnh gặt lúa ngày mùa, mục đồng cưỡi trâu thổi sáo đêm trăng… Những cảnh lao động, sinh hoạt bình dân được thổi hồn vào tranh mộc bản dưới bàn tay tài hoa của ông. Sắp tới đây, cụm làng nghề với 3 cơ sở trưng bày tranh mộc bản xứ Huế phục vụ du lịch sẽ hình thành. Du khách đến làng nghề sẽ được trải nghiệm văn hóa, được xem hơn 70 sản phẩm tranh mộc bản, được hướng dẫn cách tạo tranh từ mộc bản lên giấy dó… “Một con én không làm nên mùa xuân, vậy nên tôi mong bà con giữ nghề tổ tiên. Ước mơ của tôi là thấy làng nghề trở lại thời hưng thịnh, bà con có thể trụ được với nghề” - già Công trải lòng.

Lo sợ không ai nối nghiệp khắc mộc bản, già Công đã truyền nghề cho hai thanh niên trong làng. Sau thời gian khổ luyện, hai học trò của ông đã có thể nối nghiệp, khiến nỗi lo ấy vơi đi phần nào. Nghệ nhân tâm sự, ông vừa làm chủ được công nghệ làm giấy dó. Việc tự chế tác nguyên liệu vẽ tranh sẽ giúp nghệ nhân và bà con làng nghề chủ động được nguyên liệu, khi đó giá tranh sẽ “mềm” hơn bởi trước đó, toàn bộ giấy làm tranh phải nhập từ Bắc.

Rời làng Sình, những thanh âm của ngôi làng thơ mộng, nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa dân gian xứ Huế cứ vang vọng. Trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền thì sự hồi sinh của tranh làng Sình không chỉ là tín hiệu vui cho các làng nghề Thừa Thiên Huế mà cũng sẽ là động lực cho các làng nghề Quảng Nam tìm hướng tái sinh.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tranh mộc bản làng Sình tại Festival Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO