LTS: Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh vào ngày 1.9.2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Quảng Nam là một trong những trung tâm kinh tế phát triển của cả nước, nền kinh tế có độ mở cao. Do vậy cần phải xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội vừa cấp bách trong ngắn hạn, vừa có tầm nhìn dài hạn để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến tâm huyết của một số đồng chí lãnh đạo tỉnh và địa phương về những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian đến.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: “Khuyến khích, động viên và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá”
Nghị quyết của Tỉnh ủy và các cấp ủy cần được đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sát thực tiễn, tính khả thi cao và tất cả phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện tốt các quy định nêu gương của Trung ương và của tỉnh; cán bộ giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu, trong sáng. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của báo chí và Nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Khuyến khích, động viên và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tâm huyết với sự nghiệp phát triển quê hương; đồng thời chủ động xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ yên tâm cống hiến, vì lợi ích chung của tỉnh.
Thời gian tới, phải tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu. Thực hiện nghiêm quy trình, nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị và tiến hành sắp xếp, tổ chức lại cho phù hợp; tập trung cơ cấu, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ trong tỉnh theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, theo phương châm “ít mà tinh”; rà soát, sàng lọc, kịp thời thay thế cán bộ hạn chế năng lực, uy tín thấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; giảm hội họp, tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến, phòng họp không giấy; kết nối đồng bộ hệ thống mạng thông tin các cơ quan đảng với chính quyền, đoàn thể nhằm tăng cường mối liên hệ, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và thực hiện quy chế dân chủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Chủ động thích ứng với xu thế thời đại”
Trong những năm tới, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tinh gọn và hiện đại hóa bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị cần rõ hơn, chuyển biến tích cực hơn để chủ động thích ứng với xu thế thời đại, phục vụ nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Khai thác, sử dụng có hiệu quả hơn, bền vững hơn các nguồn lực của Quảng Nam về văn hóa, cảnh quan và con người với tầm nhìn trong dài hạn và hành động trong ngắn hạn, không bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ.
Quyết tâm cao nhất là phát triển vùng đông. Khẩn trương hoàn thành hệ thống giao thông chiến lược đường bộ, đường thủy, đường hàng không làm đòn bẩy khai phóng các tiềm năng cho các dự án đô thị, công nghiệp, du lịch và dịch vụ đẳng cấp quốc tế; trong khi nông nghiệp chuyển mạnh sang thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu, giá trị gia tăng cao. Song song với quá trình phát triển các dự án đầu tư là sắp xếp dân cư vùng đông một cách hợp lý, bao gồm cả xây mới, chỉnh trang và bảo tồn nguyên vẹn, đảm bảo định hướng cho quá trình đô thị hóa văn minh, hiện đại nhưng cũng giữ gìn được bản sắc Quảng Nam ở những vùng ven sông, ven biển.
Nỗ lực không ngừng nghỉ cho phát triển vùng tây. Trước hết các ngành chuyên môn và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải bám sát cơ sở, kiên trì thay đổi nhận thức và hướng dẫn Nhân dân từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, tự cấp tự túc; tạo nhiều mô hình thành công trên thực tiễn để nhân rộng phù hợp. Hỗ trợ tối đa cho một số doanh nghiệp lớn trong các ngành lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi, trồng trọt thực hiện liên kết với Nhân dân phát triển vùng nguyên liệu, gắn với chế biến để tạo điểm tựa vững mạnh cho tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ở khu vực miền núi. Sớm hình thành một số khu du lịch thiên nhiên lớn do các doanh nghiệp mạnh làm hạt nhân để tổ chức mạng lưới các điểm du lịch cộng đồng, khai thác bền vững các giá trị cảnh quan, văn hóa, phong tục tập quán và sản vật của miền núi.
Quảng Nam phải tranh thủ mọi thời cơ, tận dụng mọi lợi thế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân: “Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với hoạt động văn hóa cơ sở”
Những di sản văn hóa Quảng Nam không chỉ là những là tài sản vô giá của người dân tỉnh nhà mà còn là tài sản chung của quốc gia, dân tộc. Việc bảo vệ và phát huy những di sản này là trách nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh. Để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và văn hóa Quảng Nam tiếp tục trường tồn với quê hương đất nước, cần làm tốt và có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với hoạt động văn hóa cơ sở, từ trong gia đình và trong cộng đồng xã hội nhằm khôi phục, giữ gìn cái hay, cái đẹp có tính cách riêng biệt, độc đáo của Quảng Nam, làm cho mọi người có ý thức giữ gìn, trân trọng, nâng niu và tự hào về văn hóa quê hương, đất nước mình.
Chú trọng xây dựng ba nội dung văn hóa cơ bản là “không gian sinh tồn văn hóa, môi trường văn hóa và con người văn hóa” ở ba vùng: đồng bằng - ven biển, trung du bán sơn địa và miền núi, đáp ứng nhu cầu giao lưu, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Từ đó tạo ra sự tác động tích cực, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thể chất cho Nhân dân; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: “Tập trung xây dựng chính quyền số”
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng và tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Do vậy, Đảng, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, nhằm thực hiện chuyển đổi số toàn diện, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự nỗ lực, chủ động của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả bước đầu, đặc biệt là chuyển biến trong nhận thức về chính quyền điện tử và quá trình triển khai hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý công việc, giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính công khai, minh bạch đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Đề án Phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025. Đây là nghị quyết quan trọng, thể hiện quyết tâm của Quảng Nam trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về các giải pháp, chương trình hành động để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển chính phủ số. Nghị quyết là sự tiếp nối quá trình liên tục xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam trong hơn 10 năm qua, tiếp tục khai thác hiệu quả, kế thừa và phát triển những thành tựu đã đạt được của các chương trình đầu tư ứng dụng CNTT; đồng thời, xác định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội, động lực để Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Hồng Quang: “Hướng đến đô thị loại I”
Ngày 5.2.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 240/QĐ-TTg công nhận Tam Kỳ là đô thị loại II. Đến nay, thành phố đã hoàn chỉnh 56/59 chỉ tiêu đô thị loại II, đạt được 46/59 tiêu chí đô thị loại I.
Việc phấn đấu đạt loại đô thị cao hơn là xu thế khách quan. Và với mục tiêu hướng đến cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, thời gian tới TP.Tam Kỳ sẽ tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm:
(1) Nhất quán quan điểm phát triển đô thị phải phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể là một thủ phủ xanh của tỉnh, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với môi trường sinh thái, lấy con người làm trung tâm. Theo đó, sẽ rà soát kỹ các quy hoạch, kết hợp giữa các quy hoạch dài hạn và ngắn hạn, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khung kết nối, tạo động lực lan tỏa; xây dựng các khu đô thị mới theo hướng hiện đại với thiết kế thông minh, giữ gìn hệ sinh thái rừng trong thành phố, khơi thông dòng chảy các sông qua đô thị để kết hợp với phát triển du lịch dịch vụ.
(2) Tổ chức lựa chọn các nhà đầu tư; lồng ghép nguồn vốn đầu tư các dự án động lực phát triển kinh tế, các trục giao thông chiến lược nhằm mở rộng không gian đô thị và khai thác vùng đông; khớp nối hạ tầng khu vực nội thị, nông thôn, hoàn thiện vỉa hè, thoát nước, vệ sinh môi trường và các tiểu hoa viên. Lập kế hoạch và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan đô thị ở các đồi núi, ven sông, đầm hồ và các không gian công cộng tạo cảnh quan và hình thành các công viên như công viên ven sông Tam Kỳ, hệ sinh thái sông Đầm. Nâng cao nhận thức của cộng đồng nhân dân trong việc xây dựng đô thị sinh thái và an toàn.
(3) Hoàn thành Dự án đô thị thông minh từ nguồn viện trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - Koica; xây dựng Trung tâm điều hành và giám sát đô thị, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đô thị ban đầu, hệ thống camera giám sát, hệ thống cảnh báo ngập lụt và một số dịch vụ ứng dụng. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng cách mạng số vào quản lý đô thị.
Bí thư Thị ủy Điện Bàn Đặng Hữu Lên: “Xây dựng Điện Bàn thành trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, công nghiệp phía bắc của tỉnh”
Trong Chiến lược phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Điện Bàn được xác định có vai trò truyền tải và kết nối các hoạt động kinh tế - văn hóa, xã hội giữa TP.Đà Nẵng - TP.Hội An, giữa khu vực ven biển với các huyện phía tây của Quảng Nam. Theo đó, xây dựng Điện Bàn trở thành trung tâm đô thị, phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, công nghiệp phía bắc tỉnh Quảng Nam là hướng đi mà Đảng bộ, chính quyền thị xã Điện Bàn đã xác định cụ thể trong các nhiệm kỳ gần đây, được kế thừa, phát triển rõ nét hơn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chắc chắn sẽ được đặt ra trong những nhiệm kỳ tiếp theo. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển đô thị của Điện Bàn trong mối quan hệ liên kết phát triển chung của Quảng Nam.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, thời gian tới, Điện Bàn sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ đột phá về đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, gắn với phát triển, nâng cao chất lượng đô thị; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của Điện Bàn đạt 65% trở lên, tạo nền tảng để đạt chuẩn đô thị loại III trước năm 2030.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, Điện Bàn tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ nạo vét sông Cổ Cò gắn với xây dựng một số cầu cảnh quan qua sông; quy hoạch mở các bến thủy nội địa nhằm tăng cường năng lực giao thông đường thủy và phục vụ phát triển du lịch.
Về hạ tầng xã hội, phấn đấu trong nhiệm kỳ này, đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể dục thể thao Bắc Quảng Nam, Vườn tượng Danh nhân Điện Bàn, Công viên Mẹ Thứ,... Quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ sẽ gắn với phát triển các khu dân cư và định hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hình thành những trung tâm thương mại tại các khu đô thị lớn và các siêu thị nhỏ tại các khu dân cư đô thị, các trung tâm xã, phường. Thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch có chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh; khách sạn, nhà hàng; dịch vụ giáo dục, đào tạo; dịch vụ y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ; dịch vụ tài chính, ngân hàng; bảo hiểm, bưu chính, viễn thông... Tập trung phát triển công nghiệp; đầu tư hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của các cụm công nghiệp; khôi phục và phát triển những ngành nghề truyền thống, nghề mới.
Một giải pháp hết sức quan trọng là tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác giải phóng mặt bằng - tái định cư, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ về thủ tục, đúng quy định của pháp luật, đi liền với tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại giải quyết những vướng mắc, khó khăn, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.