Câu thoại “Thanh xuân như một ly trà/ Ăn vài miếng bánh hết bà thanh xuân” của nhân vật Ánh Dương (diễn viên Bảo Hân thủ vai) trong phim “Về nhà đi con” đã bất ngờ trở thành trào lưu nổi trội (hot trend) trên mạng xã hội trong mấy tuần gần đây.
Thử tìm kiếm câu này trên Google, chỉ trong chưa đầy một giây đã cho hơn 46 nghìn kết quả. Trend mới này đã nhanh chóng chiếm lĩnh không gian mạng, làm lu mờ, thoái trào và gần như biến mất trào lưu “độ ta không độ nàng” lan tràn trên mạng xã hội trước đó không lâu.
Cũng giống như trường hợp “độ ta không độ nàng”, câu thoại “thanh xuân như một ly trà” đã được cư dân mạng đua nhau “chế” thành nhiều câu khác nhau. Tuy nhiên, nếu như từ câu thoại “thanh xuân như một ly trà”, cư dân mạng “chế” thành nhiều câu khác nhau theo kiểu “vui, hài hước là chính”; có thể giúp nhiều người “giải mỏi” thì một số bản cover của ca khúc “Độ ta không độ nàng” trôi nổi trên mạng lại bị cho là tiêu cực, rồi gặp phải sự phản ứng quyết liệt của không ít người vì họ cho rằng xúc phạm đến tôn giáo, tín ngưỡng. Đến nỗi, có một nhà tu hành đã thốt lên: Dường như việc share (chia sẻ) “độ ta không độ nàng” là đồng tình, cổ xúy cho cái không hay. “Tiếng mõ vang lên phũ phàng, mắt còn vương màu máu”... Tại sao ta phải nhốt mình vào địa ngục của lòng căm hờn, oán giận? Rồi lại ai oán thốt lên rằng “bồ đề chẳng thể nở hoa”, xót xa mà hỏi Phật “vì sao độ ta không độ nàng”.
Không dễ để lý giải vì sao có những câu chuyện, sự việc, thậm chí chỉ là một đoạn ca từ trong một bài hát, một lời thoại ngắn trong phim, lại nhanh chóng và dễ dàng trở thành trào lưu, thành hot trend - cả trên thế giới ảo (mạng xã hội) lẫn ngoài đời thực. Nhưng từ hai ví dụ ở trên, có thể thấy một khi vấn đề nào đó đã trở thành trào lưu thì nó sẽ tạo nên những hiệu ứng xã hội nhất định, cả tích cực lẫn tiêu cực. Hiệu ứng đám đông có thể không đủ sức để dẫn dắt, điều chỉnh thái độ sống và ứng xử của cả xã hội nhưng ít nhất, nó cũng gây nên những phản ứng, suy nghĩ, hành động trái chiều ở những nhóm, những cộng đồng cư dân, những thành phần khác nhau trong xã hội.
Trong không gian ảo, trong thế giới phẳng, những cái gọi là “trào lưu” lây lan khá nhanh. Có những trào lưu xem ra chẳng hay ho gì, thậm chí nguy hiểm. Như trào lưu chơi game thử thách cá voi xanh và hủy hoại thân thể; trào lưu ăn xin để đi du lịch, trào lưu chụp hình khoe thân, trào lưu quay clip nói nhảm up lên mạng... đã làm xấu xí, méo mó hình ảnh giới trẻ trong mắt cộng đồng. Nhưng cũng mừng là đâu đó, vẫn xuất hiện một số trào lưu tốt, tích cực, như “7 ngày 7 cuốn sách” để lan tỏa văn hóa đọc; “thử thách dọn rác” để bảo vệ môi trường.
Trào lưu, cả tốt lẫn xấu, từ trên mạng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời thực. Vấn đề là làm sao để những cái xấu không trở thành trào lưu và nếu không may đã hình thành rồi thì nhanh chóng thoái trào. Còn với trào lưu tốt, phải có cách gì đó để dưỡng nuôi, để nó là “hot trend” và hơn thế, không chỉ là trào lưu, là phong trào, là khẩu hiệu, là một kiểu “sống ảo” thời thượng... mà ăn sâu vào nếp nghĩ, cách sống của mỗi người.