Từ lâu, trên các trang mạng xã hội có phong trào “nói không với vắc xin” (anti vắc xin) và đáng chú ý là trong những ngày gần đây, “phong trào” ấy lại rộ lên, khiến Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phải lên tiếng, khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của vắc xin, đặc biệt là những thành tựu nổi bật của chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng như những nguy cơ nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn.
Có người dẫn chứng một số trường hợp tử vong do tiêm vắc xin và kết luận “tiêm vắc xin là chết, vậy bạn đã biết nên chọn lựa điều gì tốt nhất cho con của mình rồi đấy”. “Hãy xem vắc xin Quinvaxem (vắc xin “5 trong 1”, phòng trừ bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae type b - TG) nguy hiểm như thế nào rồi quyết định các mẹ nhé”. Những lời kêu gọi “tẩy chay” vắc xin như trên không chỉ khiến nhiều bà mẹ trẻ băn khoăn, lo lắng khi đưa con đi tiêm vắc xin mà các bác sĩ cũng lo lắng không kém. Rất may, ở Quảng Nam chưa xảy ra tình trạng nêu trên. Tuy nhiên, những lợi ích của tiêm chủng cũng như mối nguy hiểm khi trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch luôn cần được các bậc cha mẹ quan tâm.
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có gần 14 nghìn trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đạt 48%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 (6 tháng đầu năm năm 2016 đạt 50%) nhưng tiến độ trung bình hằng tháng lại tăng 8%. Đáng mừng, đến đầu tháng 6.2017, Quảng Nam đã hoàn thành 95% chương trình tiêm bổ sung vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu cho đối tượng nguy cơ cao từ 16 - 17 tuổi tại các xã xảy ra dịch và vùng phụ cận tại huyện Tây Giang, đạt chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm viêm gan B trong 24 giờ đạt tỷ lệ 34,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2016.
Bác sĩ Trần Văn Hoàn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẳng định, lợi ích của tiêm chủng thì thực tế đã chứng minh, các thông tin trên mạng xã hội về nguy hiểm khi tiêm chủng hoàn toàn không chính thống và không đáng tin cậy. Bác sĩ Hoàn cho biết: “Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng mà trẻ em không bị mắc, không bị chết bởi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đáng mừng là thời gian qua, tỷ lệ tiêm chủng ở Quảng Nam vẫn cơ bản đạt tiến độ và không xảy ra trường hợp phản ứng nặng hoặc tử vong sau tiêm. Tại tất cả phòng tiêm chủng ở Quảng Nam đều có hộp chống sốc, nếu có sự cố xảy ra sẽ nhanh chóng xử lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất phản ứng sau tiêm”.
Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Các bậc cha mẹ, vì sức khỏe của con em mình phải đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng. “Việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội” - bác sĩ Hoàn nói.
CHÂU NỮ