Ngày càng có nhiều phụ nữ vùng cao tham gia công tác xã hội, nâng cao vai trò và tiếng nói trong cuộc sống cộng đồng. Điều đó cho thấy, họ thực sự được trao quyền và ở mức độ nào đó, bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đã có bước tiến mới khá rõ nét.
Theo ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin bảo đảm bình đẳng giới, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức khảo sát, truyền thông và tuyên truyền về tác hại, cũng như phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hơn 24 nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS tại 6 huyện miền núi cao.
Đồng thời phối hợp triển khai có hiệu quả các đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”; “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; “Tuyên truyền giáo dục vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”… Qua đó, giúp nhiều chị em có cơ hội tiếp cận, tham gia nhiều lớp đào tào nghề, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng.
Đặc biệt, tại 2 huyện Nam Giang và Tây Giang - nơi giáp biên với nước bạn Lào, cùng với vận động chị em tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; các hội phụ nữ địa phương còn tổ chức thăm hỏi, giao lưu và tặng quà động viên hội phụ nữ các cụm bản của huyện Đắc Chưng, Kà Lừm (Sê Kông, Lào) nhân dịp tết truyền thống Punpimay.
Ngoài ra, từ nguồn lực của đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS, giai đoạn 2018 - 2021”, Ban Dân tộc tỉnh lồng ghép nhiều hoạt động, trong đó chú trọng các nội dung liên quan đến chương trình hành động bình đẳng giới đem lại hiệu quả thiết thực.
“Đến nay, ngoài phối hợp tổ chức 34 hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền hoạt động bình đẳng giới, chính sách dân tộc, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS tại 33 thôn miền núi, Ban Dân tộc tỉnh đã biên soạn, in ấn và cấp phát hơn 5.000 tờ rơi hỏi đáp Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Lắp đặt hàng chục pa nô tuyên truyền; thành lập 8 ban chỉ đạo xây dựng mô hình tuyên truyền chính sách dân tộc và hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật gắn với phát triển sản xuất tại 20 thôn trên địa bàn các xã vùng DTTS.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp vận động, hỗ trợ phụ nữ vùng cao trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình cuộc sống ấm no, hạnh phúc” - ông Giản nói.
Sau những nỗ lực của các cấp chính quyền, mặc dù còn nhiều khó khăn đặc thù, nhưng câu chuyện bình đẳng giới ở vùng cao bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Những năm gần đây, vai trò phụ nữ được đề cao trong cộng đồng DTTS. Bằng tiếng nói và hành động, họ đã giúp dân làng vượt qua nghèo đói, hủ tục, trở thành nữ trưởng thôn, bí thư chi bộ gương mẫu, nhiệt huyết.
Tiêu biểu như Trương Thị Luôn - Bí thư Chi bộ thôn 1 (xã Trà Cang, Nam Trà My); Alăng Thị Nhường - Chủ tịch Hội LH-PN xã Chà Vàl (Nam Giang); Hồ Thị Nỉ - Trưởng thôn 2 (xã Phước Lộc, Phước Sơn); Bh’ling Thị Akêu - Trưởng thôn Tà Vàng (A Tiêng, Tây Giang)… với những việc làm thiết thực, hết lòng vì cuộc sống cộng đồng vùng cao.