Tiếp tục quá trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Quảng Nam đang nỗ lực để đưa bộ môn này phổ biến trong đời sống cộng đồng...
Sẽ có nhiều hơn những hoạt động về bài chòi tổ chức trong cộng đồng vào thời gian tới. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc
Không phải đến bây giờ các địa phương mới tính tới chuyện đưa bài chòi trở thành sản phẩm văn hóa du lịch thu hút du khách. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Hội An cho biết, từ câu chuyện sức hút của gian chơi bài chòi trên phố, tháng 9.1998, Hội An đã thử đưa trò chơi bài chòi vào lễ hội “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20” (gọi tắt là “Đêm phố cổ”). “Đêm phố cổ tính đến nay đã tròn 20 năm, và chính từ “Đêm phố cổ”, nhờ vào điều kiện không gian kiến trúc, không gian ánh sáng đặc trưng phố cổ, nhờ vào lượng người dân và du khách đến với lễ hội ngày càng đông đảo nên trò chơi bài chòi đã thực sự sống dậy ở nội thị (tổ chức hàng đêm) và đã thành định kỳ tổ chức ở các thôn, khối phố mỗi dịp tết hay lễ hội. Đến nay, có thể nói nghệ thuật bài chòi, trò chơi bài chòi đã thật sự là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần, là sản phẩm du lịch ngày càng sôi nổi của Hội An” - ông Võ Phùng nói.
Tại Hội An bây giờ, nghệ thuật hô, hát bài chòi là bộ môn không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra thường xuyên ở thành phố, các xã phường, trường học, doanh nghiệp. Bài chòi còn được đưa vào giảng dạy trong các trường THCS. Ông Phùng chia sẻ thêm, nghệ thuật hát và trò chơi bài chòi phục vụ các tour tham quan và biểu diễn tại Nhà hát Nghệ thuật cổ truyền. Nhắc đến giá trị văn hóa phi vật thể tại Hội An, người ta nghĩ ngay đến bài chòi. Và bây giờ, tiếp nối sự thành công tại phố Hội, nhiều địa phương của Quảng Nam đang tìm cách để phát triển các hoạt động của câu lạc bộ bài chòi, xây dựng thành những sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc.
Ông Nguyễn Ngọc Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Tam Kỳ cho biết, hiện nay Tam Kỳ đầu tư để phát triển câu lạc bộ bài chòi tại xã Tam Thanh cũng như thúc đẩy để bài chòi tại Tam Thanh trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng biển phía nam. Theo kế hoạch, từ năm 2019 Câu lạc bộ Bài chòi Tam Thanh sẽ được đưa vào chương trình hoạt động thường xuyên của du lịch biển Tam Thanh. Thành phố sẽ tăng cường quảng bá để đưa hoạt động này phục vụ trong các tour du lịch khi khách đến Tam Kỳ.
Trao truyền di sản
Mới đây, để tiếp tục duy trì bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi, Bộ VH-TT&DL triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam. Từ chương trình hành động này, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết để tiếp tục tôn vinh các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này. Trong đó, nỗ lực đưa bài chòi hoạt động tại các điểm đến trong lịch trình của tour tuyến tham quan cũng như trở thành sản phẩm văn hóa, biên soạn tài liệu, tờ gấp giới thiệu vắn tắt về di sản văn hóa nghệ thuật bài chòi để phổ biến, giới thiệu, quảng bá; đưa chương trình biểu diễn bài chòi vào các tour, tuyến du lịch tại địa phương, góp phần phát triển du lịch cộng đồng là một trong các nội dung của kế hoạch của UBND tỉnh.
Đưa bài chòi vào nhà trường sẽ là một trong những hoạt động quan trọng để trao truyền di sản này trong tương lai. Ảnh: L.T.K |
Cũng theo kế hoạch của tỉnh, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi giai đoạn 2019 - 2025 sẽ phải thực hiện rất nhiều phần việc, bao gồm thu hút cộng đồng tham gia quá trình bảo tồn cũng như thực hiện các giải pháp về kiểm kê, lưu trữ, tư liệu hóa... Trong đó, một đề án về “Đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học” sẽ được xây dựng, triển khai nhanh chóng các thủ tục để thành lập hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực di sản phi vật thể cho các nghệ nhân có đóng góp trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi truyền thống tại địa phương. Đặc biệt, di sản nghệ thuật bài chòi sẽ được số hóa cơ sở dữ liệu sưu tầm trong dân gian và từ các câu lạc bộ bài chòi.
UBND tỉnh yêu cầu tại các sự kiện, chương trình cấp huyện, tỉnh đều phải tổ chức trình diễn nghệ thuật bài chòi như một cách quảng bá và đưa bài chòi đến gần hơn với người dân. Các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghệ thuật cho các nghệ nhân, câu lạc bộ, đội, nhóm, giáo viên thanh nhạc, những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản nghệ thuật bài chòi sẽ được quan tâm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới...
XUÂN HIỀN