Cuối tuần này, “Mạng lưới dệt miền Trung và Tây Nguyên” với mong muốn kết nối các nhóm dệt thổ cẩm tại khu vực này sẽ ra đời. Đây là một tín hiệu vui trong công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cũng đồng thời gieo thêm niềm tin yêu về một sự trao truyền văn hóa giữa những thế hệ, những lớp người khác nhau...
Từ câu chuyện của thổ cẩm
Nghề dệt thổ cẩm là một trong những di sản văn hóa phi vật thể được trao truyền từ lâu đời. Nghề dệt của người Cơ Tu và nghề dệt Zèng của người Tà Ôi đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần lượt vào các năm 2014 và 2016. Theo đại diện của Tổ chức FIDR (Tổ chức Cứu trợ - Phát triển quốc tế), FIDR chủ động tạo một sân chơi để bảo tồn truyền thống độc đáo, cũng như tối đa hóa tác động của các giá trị này. Mạng lưới dệt này nhằm kết nối các nhóm dệt thổ cẩm tại miền Trung và Tây Nguyên, tạo ra cơ hội và môi trường bảo tồn, phát triển.
Năm 2012, lần đầu tiên những vuông thổ cẩm của người Cơ Tu được “xuất ngoại” và nhận không ít trầm trồ thán phục từ bạn bè quốc tế. Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ, khi đi sâu vào tìm hiểu thời trang truyền thống, tìm hiểu chất liệu, kiểu họa tiết của các dân tộc thiểu số, mới hiểu được rằng bản sắc văn hóa ẩn chứa trong những sản phẩm này là vô giá. Bằng cảm quan hiện đại, những sản phẩm mỹ nghệ thủ công truyền thống mang một ý thức về văn hóa dân tộc khá sâu sắc. Trên sàn diễn thời trang quốc tế, chất liệu và hoa văn của những vuông thổ cẩm tạo nên những giá trị đặc biệt.
Nhưng để có những câu chuyện như vậy, chính những nghệ nhân làng nghề đã phải nỗ lực không ngừng, để không gói ghém khung cửi treo giàn bếp. Chị Nguyễn Thị Kim Lan – nghệ nhân của làng nghề dệt truyền thống ZaRa nói, những tác động của các nhóm người yêu văn hóa truyền thống từ mọi quốc gia, cũng như bằng sự hỗ trợ của họ, những thợ dệt biết mình cần phải giữ “kho báu” của chính tộc người mình. Hoa văn trên vải của người Cơ Tu đạt trình độ cao về nghệ thuật trang trí, nghệ thuật tạo hình. Nó là sự tổng hòa những giá trị văn hóa của người Cơ Tu đặt lên vuông vải cho trang phục của đồng bào mình.
Chị Pơling Muối (làng Công Dồn, xã Zuôih, Nam Giang) đang tham gia thực hành và trình diễn nghề dệt cho khách tham quan tại Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An nói, từ việc xa quay sợi, bật bông, tách hạt, đến việc ngồi canh cửi, ikat (nhuộm bao sợi)… đều cần sự tỉ mẩn, khéo léo. Làng dệt Công Dồn khác với ZaRa, nếu ZaRa mạnh về dệt hoa văn hạt cườm thì Công Dồn lại có dệt hoa văn gợn sóng với các kỹ thuật nhuộm màu tự nhiên…
Và đường đi của thổ cẩm nói riêng sẽ còn rất nhiều những mảng màu đang bắt đầu sáng lên, từ những người như bà Minh Hạnh, hay ngay trong câu chuyện quan tâm về trang phục truyền thống từ đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”...
Biểu tượng
Thổ cẩm là một trong rất nhiều các giá trị văn hóa truyền thống mà các làng nghề lâu đời đang sở hữu. Mỗi làng nghề là một sự kết tinh của nền văn hóa tộc người, xứ sở, với biểu tượng là sản phẩm. Hàm lượng văn hóa và bản sắc trong mỗi sản phẩm của làng nghề, nếu biết tận dụng để sáng tạo trong các sản phẩm ứng dụng, thì đó cũng chính là một cách bảo tồn, trao truyền văn hóa đến với nhiều thế hệ, nhiều lớp người.
“Trong sáng tạo của nhà thiết kế thì truyền thống là gia tài. Bạn mà không biết cách sử dụng, giữ gìn nó thì chắc chắn gia tài sẽ mất đi mỗi ngày và bạn sẽ không bao giờ giàu có được cả ở nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Không có cái đó, ai nhận diện ra được bạn trong “thế giới phẳng” này? Đó là một điều rất rõ ràng. Trước đây một số bạn rất ngại khi chạm đến nghề truyền thống nhưng hiện nay nó giống như công cụ để các bạn có thể làm những bộ sưu tập tốt hơn. Và người tiêu dùng trong nước hiện nay cũng có xu hướng tìm đến với những chất liệu truyền thống, được làm hoàn toàn thủ công. Những bộ sưu tập thời trang cao cấp nhất trên thế giới (haute couture) đều được làm bằng tay rất công phu, tốn kém” – nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.
PGS-TS. Đặng Văn Bài trong cuộc gặp gỡ về bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể tại Quảng Nam, cho rằng, rất nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân lớn tuổi. “Những ý nghĩa văn hóa truyền thống của mỗi sản phẩm không được các thế hệ sau tiếp thu và phát huy một cách đúng mực dẫn đến mất bản sắc nghề. Thậm chí còn có xu hướng thương mại hóa, chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận làm cho giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống bị suy giảm, thương hiệu của làng nghề bị phai mờ” – ông nói.
Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của làng nghề thủ công truyền thống cần được kết nối lại và được bảo tồn, phát huy ngay tại môi trường sinh thái nhân văn - nơi chúng được sinh ra. Các đường hướng phát triển, trong đó có cú hích về xây dựng các tour tuyến du lịch, đã được vạch ra. Tuy nhiên, không dễ dầu gì để đi đường dài nếu không phải trải qua những thách thức cam go. Hẳn, rất cần những sự đồng lòng, thậm chí cả những tiếng kêu từ người làm nghề, để số đông biết đến thực trạng và cùng tìm kiếm cơ hội cho chính những biểu tượng văn hóa vô cùng quý giá này.