Xưa, nhà văn Vũ Bằng và bà mẹ của cô bé tuổi mười lăm trong thơ Nguyễn Nhược Pháp từng đi chùa Hương. Chàng trai Hà Lan ở rể Hội An, tác giả “The scorching sun of Egypt”, đã 2 lần sang Ai Cập. Và biết bao du khách đang háo hức lên đường… Họ thấy gì trên từng bước chân du ngoạn?
Sau chuyến trẩy hội chùa Hương, vừa về nhà được 2 tiếng đồng hồ, nhà văn Vũ Bằng “vội vàng lấy giấy ghi ngay những ý nghĩ về cuộc hành trình”. Ông bảo, đó đã là chuyến thứ bảy hay thứ mười đến chùa Hương rồi, nhưng chuyến nào cũng thấy dường như cái đẹp, cái thiêng cứ mỗi ngày một thêm ra.
Và dòng suy tưởng cứ kéo dài, thi thoảng nhà văn trích vài ý thơ “Hương Sơn phong cảnh ca” của Chu Mạnh Trinh. Rằng biết đâu có bàn tay huyền bí của Trời, Phật, biết đâu các vị thần linh nơi am Phật tích hay động Tuyệt kinh đã ngồi đó từ bao lâu nay, từ trong kiếp trước để nhìn, để xét lòng khách hành hương.
Trong mối liên tưởng ấy, năm nào cũng thế, nhà văn Vũ Bằng tỏ ý lấy làm thán phục những cụ già, những thiếu phụ, thiếu nữ bởi họ thường trẩy hội chùa Hương rất sớm. Vẻ từ bi trong mắt, câu “Nam mô…” trên môi, họ cứ ra công lặn lội leo trèo trên những dải núi gập ghềnh, trắc trở.
“Hỡi những ai đã thấy mất cái tốt đẹp nhất của lòng, một mùa xuân, hãy chống cái gậy trúc trèo lên những ngọn núi chùa Hương nghe tiếng chày kinh và bước mãi lên chỗ cao nhất núi, thể nào bạn cũng thấy rằng bạn say vì đạo…”, nhà văn Vũ Bằng nhắn nhủ trong bài đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy số 353, ngày 23.3.1941.
Đúng 40 năm sau, nhà văn Đoàn Thế Nhơn viết “Khi quần chúng du lịch” cũng hé lộ nhu cầu khám phá dọc đường đi. Như với núi Ba Thê ở An Giang, theo nhà văn, du lịch ở đấy có nhiều cái thú. Bởi càng đi, du khách càng đến sát cạnh nền văn hóa Phù Nam đầy bí ẩn: Óc Eo.
Trên con đường từ tỉnh lỵ Long Xuyên đến Ba Thê, du khách có thể gặp cánh đồng còn phơi nhiều vỏ sò, nêu ra một nghi vấn lộ thiên mà giới khảo cứu chưa tìm ra câu giải đáp (tất nhiên là tính đến thời điểm nhà văn viết bài này - năm 1971). “Đi chơi một chuyến như thế, có dịp để tha hồ tưởng tượng về những tang thương đã diễn ra trên miền đất này, xưa kia, hàng nghìn năm trước”, ông viết.
Chữ “tang thương” ông vừa dùng, đích thị mang nghĩa của sự đổi dời, của “thương hải biến vi tang điền” (biển xanh hóa nương dâu).
* *
*
Hơn 10 năm trước, tôi có dịp đến Hạ Long (Quảng Ninh) tập huấn. Chiều xuống, một đồng nghiệp rủ rê ra quán nhậu “làm tí đổi gió”. Cũng nhờ biết từ chối khéo, đêm đó chúng tôi mới kịp lang thang qua chợ đêm và các cung đường ven biển, để có thêm chút cảm nhận về vùng đất mới trong một chuyến đi ngắn sau chặng đường rất dài.
Tự nhiên nhớ đến Jonathan Amir Kruisselbrink, tác giả cuốn “The scorching sun of Egypt” dày ngót 1.000 trang. Tôi gặp Jonathan Amir Kruisselbrink, tên thân mật là John, ở TP.Hội An hồi năm 2014.
Khi ấy anh 37 tuổi, đã xuất bản “The scorching sun of Egypt: Sunrise” (phần 1) và “The scorching sun of Egypt: Zenith” (phần 2), riêng “The scorching sun of Egypt: Sunset” (phần cuối) mới viết được một nửa. Hai phần trước, John viết và hiệu chỉnh ngót 4 năm.
Nhưng cách mà John lấn sân sang nghề viết lách, lại là sách nghiên cứu về văn hóa cổ đại Ai Cập, khiến tôi kinh ngạc cho đến tận bây giờ. Từ năm 18 tuổi, chàng trai Hà Lan này đã tìm cách dành dụm tiền, một mình du lịch sang Ai Cập.
Đi một lần chưa đủ, anh lại lui cui làm việc kiếm đủ tiền để đi lần thứ hai. Năm 2004, khi sang Hội An du lịch, John gặp cô gái Việt và “ở rể” xứ Quảng. Lúc tôi tìm đến khu xóm tĩnh lặng tại phường Cẩm Châu (TP.Hội An), vợ chồng họ đã sinh bé trai 14 tháng tuổi và “nhà văn tự túc” Jonathan Amir Kruisselbrink kịp khoe với khách 2 cuốn sách (phần 1, phần 2) đã xuất bản tại Mỹ trong các năm 2012, 2013.
* *
*
Tôi quên hỏi John đã từng tham gia bình chọn gì đó cho phố cổ Hội An chưa. Lâu lâu phố cổ Hội An lọt “top” nào đó trên thế giới, như thành phố quyến rũ nhất, đô thị tuyệt vời nhất, thành phố hiếu khách nhất, điểm đến mơ ước, điểm đến ẩm thực hàng đầu… và hẳn phải do những “phượt thủ” kiểu như John bỏ phiếu. Sẽ không có chỗ cho những ai chỉ đến một cách hời hợt, rồi về.
Thật trùng hợp khi giáo sư Cao Huy Thuần cũng từng viết về chùa Hương, cũng trích thơ, nhưng lần này ông thủ thỉ chuyện trò với bà mẹ trong bài thơ “Chùa Hương” quen thuộc của Nguyễn Nhược Pháp. Bà mẹ ấy chỉ cần dậy sớm, “hôm nay đi chùa Hương”, thế rồi suốt ngày bà đi.
Giáo sư cho rằng chùa Hương đã ở sẵn trong lòng bà rồi, và ông thấy mình khác với bà nhiều quá. “Bà đi với thiêng liêng ở trong lòng, hồn nhiên, không suy tính, thiêng liêng với bà là một; còn tôi, cái đầu cứ loay hoay bận bịu nghĩ về thiêng liêng, thiêng liêng với tôi là hai, làm sao gặp nhau được?”, giáo sư viết trong tùy bút “Thấy Phật” (NXB Tri thức, 2019, trang 96).
Bà mẹ trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, qua góc nhìn của giáo sư Cao Huy Thuần, chịu gian nan vất vả suốt 2 ngày đường chỉ để cắm một cây hương, rồi trở về ngay. Tôi không biết bà mẹ ấy rồi có ngồi vào bàn để hí hoáy viết như cách nhà văn Vũ Bằng từng làm hay không. Nhưng tôi tin là không, vì thiêng liêng với bà đã là một. Không cần nói ra, không cần gọi tên... Bà với Vũ Bằng chỉ giống nhau ở điểm: trẩy-hội-thật, đi-chơi-thật.
* *
*
Hẳn là mỗi người có mỗi cách “thưởng ngoạn” khác nhau, tùy quãng thời gian, tùy nơi đến, tùy điều kiện thực tế, tùy nhu cầu cá nhân. Dĩ nhiên, đi để khám phá, chiêm nghiệm hay chỉ đơn giản là… lướt qua cho đầy danh mục check-in, sẽ thu nhận kết quả khác nhau.
Giêng hai ở xứ Quảng và nhiều nơi khác vào hội. Cũng sắp đến mùa du lịch quốc gia do Quảng Nam đăng cai, mùa của du lịch xanh, du lịch thân thiện, du lịch khám phá, du lịch tận hưởng. Sung sướng thay cho những ai vừa trở về đã háo hức như Vũ Bằng ngày xưa vội vàng lấy giấy ghi ngay những ý nghĩ về cuộc hành trình, hay như những “phượt thủ” ngày nay lên internet bình chọn một phiếu yêu thích cho nơi chốn mình vừa trú ngụ…