Trẩy hội thơ

LÊ QUÂN 12/02/2014 08:30

Như một nét độc đáo của nền văn hóa Việt, Ngày thơ Việt Nam (lần thứ 12) năm nay là điểm nhấn riêng trong hàng hoạt các lễ hội mùa xuân. Với nhiều người dân Quảng Nam, tham gia hội thơ và nghe diễn ngâm thơ vào dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng) đã là điều được mong chờ mỗi năm.

Nhà thơ Mai Thanh Vinh diễn ngâm trong Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Núi Thành, đây là một giọng ngâm quen thuộc trong các đêm thơ Tết Nguyên tiêu. Ảnh: L.QUÂN
Nhà thơ Mai Thanh Vinh diễn ngâm trong Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Núi Thành, đây là một giọng ngâm quen thuộc trong các đêm thơ Tết Nguyên tiêu. Ảnh: L.QUÂN

Trải rộng “tình” thơ

Ngày thơ năm nay được Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh dự kiến tổ chức tại huyện Hiệp Đức vào đêm 14 tháng giêng (ngày 13.2.2014), như một cách để tri ân với khán giả miền núi. Ngày thơ Việt Nam 2014 tập trung vào chủ đề “Mùa xuân đất nước từ Điện Biên tới Trường Sa” nhằm ca ngợi truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí đấu tranh và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Từ chủ đề đó, các Hội VHNT trên cả nước linh hoạt tổ chức Ngày thơ phù hợp với địa phương mình. Dựa trên chủ đề lớn “Mùa xuân đất nước từ Điện Biên tới Trường Sa”, năm nay Hội VHNT tỉnh chọn chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc” để gửi đến công chúng những vần thơ đậm sắc Quảng. Nói về lý do chọn Hiệp Đức làm nơi trẩy hội thơ năm nay, ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh chia sẻ: “Mỗi năm Hội VHNT tỉnh chọn một địa phương tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Năm nay, hội phối hợp với UBND huyện Hiệp Đức tổ chức đêm thơ, với mong muốn để thơ trải rộng khắp địa bàn cả tỉnh, từ đồng bằng đến vùng núi. Hơn nữa, huyện Hiệp Đức cũng là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra sôi nổi. Câu lạc bộ (CLB) thơ Sông Tranh tại đây có nhiều thành viên ưu tú, là nơi thăng hoa cho những vần thơ đẹp”.

Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, người đầu tiên đề xuất và đã có những nỗ lực hết mình để mong sớm có ngày hội thơ Việt Nam là một nhà thơ gốc Quảng Nam. Ông là Trinh Đường (1919 - 2001), quê Đại Lộc - người được bạn yêu thơ phong cho danh hiệu “Hiệp sĩ tử vì thơ”, “Người trọn đời vì thơ”. Ngoài 10 tập thơ đã xuất bản, ông còn để lại nhiều công trình phê bình, lý luận, biên soạn lớn về thơ ca. Sau Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III (năm 1989), ông đã gửi đến tất cả các hội viên có làm thơ thư mời tham gia tập tuyển thơ tự chọn và tâm sự về nghề nghiệp để đưa vào tập sách “Ngày hội thơ” do ông chủ biên. Sau 5 năm vất vả, năm 1994, tập “Ngày hội thơ” ra mắt bạn đọc với sự tham gia đóng góp bài vở, tâm sự nghề nghiệp với tác phẩm tâm đắc nhất của hàng trăm nhà thơ. Từ đây, ông đã đưa ra ý tưởng và đề xuất tổ chức Ngày hội thơ. Mặc dù phải vài năm sau nữa, Ngày thơ Việt Nam mới ra đời, nhưng từ tâm huyết và tấm lòng của nhà thơ xứ Quảng “suốt đời dâng hiến cho thi ca” này, người yêu thơ khắp cả nước mới có được một ngày hội của riêng mình.

Hòa nhịp đời sống

Với sức sống riêng, bền bỉ, mãnh liệt, những vần thơ đậm xúc cảm về quê hương xứ Quảng, ngợi ca tình yêu đôi lứa… của mỗi nhà thơ Quảng Nam lâu nay đều nhận được ít nhiều sự đồng cảm từ phía độc giả. Từ những vần thơ tâm tình về chính trải nghiệm của tác giả, đến những câu từ đậm chất nhân sinh về cuộc đời, hay cả những giọng điệu trữ tình chính luận… tất cả đều được công chúng đón nhận. Dù đôi lần khá nhiều người nghi hoặc về sự tồn tại của thơ ca trong thời đại ngày nay, nhưng dù thế nào đi nữa, thơ ca vẫn luôn có đời sống riêng, vẫn len lỏi tinh tế vào lòng mỗi người. Thơ ca đi cùng năm tháng để nhận lãnh phận sự phản ánh những bước chuyển của cuộc sống mới một cách ý vị. Vì lẽ đó, những năm gần đây, ở các địa phương, những CLB thơ xuất hiện, làm nơi san sẻ tâm tình và chia sớt những vần thơ đẹp. CLB thơ Hoài phố (Hội An), CLB thơ Biển Rạng (Núi Thành), CLB thơ Sông Tranh (Hiệp Đức), CLB thơ Hương Cau (Thăng Bình)… đều trở thành những nơi chốn lui tới cho những tâm hồn yêu thơ.

Diện mạo của những đêm thơ Nguyên tiêu đã dần dà tươi mới, đầy màu sắc và xúc cảm hơn. Dịp Tết Nguyên tiêu năm nay, từ thành phố, đồng bằng cho tới vùng núi, người yêu thơ đều có thể “trẩy hội thơ”. Đêm nay 13 tháng giêng (12.2), công chúng yêu thơ ở Đại Lộc, Núi Thành có cho riêng mình những chiếu thơ nồng hậu do Trung tâm VHTT huyện phối hợp với các CLB tổ chức. Trong đêm 14 tháng giêng (13.2), tại công viên Kazik, Trung tâm VHTT TP.Hội An phối hợp với Nhà xuất bản Văn học - Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu với chủ đề “Hội An, Tôi và Em”. Sau đêm thơ 14 tháng giêng do Hội VHNT tỉnh tổ chức tại huyện Hiệp Đức, đêm rằm tháng giêng, Hội VHNT TP.Tam Kỳ sẽ có một “hội thơ” dành cho người mộ điệu. Những đêm thơ Nguyên tiêu không chỉ là nơi hội tụ của giới yêu thơ mà còn là nơi thăng hoa cho những vần thơ đẹp. Từ ngâm thơ đến trình diễn những ca khúc phổ từ thơ chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu tinh thần của khá đông khán thính giả. Những vần điệu suy tư và nhẹ nhõm, da diết… sẽ đọng lại trong lòng người khi đến với Ngày thơ Việt Nam…

Như một tiếng vọng đầy tính nhân văn, thơ sẽ khiến lòng người yên ả, thảnh thơi để chuẩn bị cho một năm lao động hăng say…

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trẩy hội thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO