Những lớp năng khiếu và hoạt động ngoại khóa được tổ chức nhiều hơn để trẻ em ở mọi lứa tuổi được tiếp cận với nghệ thuật. Như một cách để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ và kích thích khả năng sáng tạo vốn dĩ là vô hạn với lứa tuổi này...
Bước vào “khu vườn bí mật”
Một cậu bé chừng 5 tuổi vụng về cắt ghép rồi cố để đưa những mấu nối ghép thành một chú mèo trong hình dung non nớt của mình. Rồi cả lớp vỡ òa khi chú mèo ấy không dưng có thêm một đôi cánh. Trong một buổi sáng của workshop tạo hình giấy 3D do Senda Academy tổ chức cuối tuần qua tại TP.Tam Kỳ, từ phụ huynh lẫn người hướng dẫn đều nhiều phen ngạc nhiên vì những sáng tạo độc đáo của trẻ nhỏ.
“Chúng tôi chỉ hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản trong việc tạo hình giấy 3D, từ những hình dạng đơn giản đến những tác phẩm phức tạp. Và các em sẽ thỏa sức với khả năng sáng tạo vô hạn” - Phương, một người trong nhóm hướng dẫn nói. Cùng với các bước để tạo ra những mô hình giấy 3D, những đứa trẻ sẽ trò chuyện cùng nhau về ý tưởng sản phẩm của mình.
Workshop sáng tạo dành cho trẻ em ngày càng được tổ chức nhiều hơn. Nó có thể được tạo thành bởi những người dạy kỹ năng, dạy nghệ thuật. Nhưng cũng có nhiều cuộc giao lưu được tạo nên bởi một nhóm người trẻ muốn khơi mở thiên hướng nghệ thuật cho trẻ con.
Trong không gian mở, người lớn nghe thấy những câu chuyện con em mình quan tâm. Như một khu vườn bí mật trong thế giới trẻ nhỏ, tôi cứ hình dung việc cha mẹ cùng con chơi với nghệ thuật sẽ từng bước vén lên màn sương để cùng trẻ đi trong thế giới này.
Mỗi đứa trẻ có năng lực sáng tạo riêng và hứng thú riêng với từng bộ môn nghệ thuật. Và thật sự: “Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào duy trì được con người nghệ sĩ ấy khi chúng lớn lên” (Pablo Picasso).
Khi quan sát những lớp dạy năng khiếu, những hoạt động ngoại khóa và những workshop sáng tạo, luôn nhìn thấy nụ cười tươi hạnh phúc của những đứa trẻ. Từ cậu nhóc vừa lên 4 cho đến cậu bé đang chớm tuổi dậy thì, chúng đều như đang tận hưởng một trò vui.
Khích lệ trẻ sáng tạo
“Trẻ em không có khái niệm định sẵn về nghệ thuật là gì, vì vậy đối với trẻ, nghệ thuật thường được xem như một loại hình vui chơi” - như nhận định của một nhà nghiên cứu.
Cũng nghiên cứu từ các chuyên gia tâm lý, họ cho rằng, ở những bậc học thấp, học thể dục, nghệ thuật và luân lý có lẽ quan trọng hơn việc học kiến thức khoa học. Một cuộc sống tinh tế khi lớn lên, thì cần phải có năng lực cảm nhận văn hóa và nghệ thuật. Một người khi trưởng thành, thì nhu cầu làm điều đúng, tức là đạo đức, luân lý cần phải được gieo mầm từ bé thơ.
Nghệ sĩ người Anh Patrick Brill với tác phẩm sắp đặt “Art Makes Children Powerful” (tạm dịch: Nghệ thuật khiến trẻ trở nên mạnh mẽ) khá nổi tiếng khi ủng hộ việc biến các lớp nghệ thuật thành một phần không thể thiếu trong giáo dục tiểu học.
Ông còn đề xuất thêm về sự tham gia của trẻ em ở các môi trường nghệ thuật khác nhau vì cho rằng chính những lần dự phần của trẻ trong mỗi hoạt động, sự kiện nghệ thuật sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực trong suốt thời thơ ấu.
“Những đứa trẻ đang phát triển hoạt động nghệ thuật và có thể cảm nhận được nghệ thuật - nghệ thuật thị giác, âm nhạc, khiêu vũ, kịch hát hay thơ ca, thì chúng không chỉ được trao quyền thể hiện bản thân, mà chúng còn rất mạnh về ngôn ngữ, nhanh nhẹn, có kỹ năng ra quyết định, và hầu như chúng luôn vượt trội trong các môn học ở trường. Và sáng tạo là một lợi thế cho những công việc sau này khi trẻ lớn lên, không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo, mà còn tiến xa hơn thế” - Patrick Brill viết.
Đánh thức tư chất nghệ sĩ trong một đứa trẻ không hề dễ dàng, nhưng lại cũng không quá khó khăn. Một cô giáo dạy hội họa cho rằng, cách tiếp cận là cho trẻ em xem nghệ thuật được làm từ những vật liệu tái chế hoặc đồ dùng mà chúng vốn quen thuộc.
Từ xem, nghe, nhìn đến trực tiếp tương tác là những bước đi cần thiết. Lúc này, cha mẹ nên khích lệ và trợ giúp để trẻ con theo đuổi điều mình thích. Khi bắt đầu bằng lòng hăm hở, những sáng tạo vì thế trở nên khoáng đạt và thế giới của trẻ con cũng bắt đầu nhiều màu sắc hơn trong mắt nhìn người lớn.
Chuyến đi nào của trẻ con đều phải cần sự đồng hành của người lớn. Nỗi lo sợ, niềm trông mong, những kỳ tích... đều gần như sẽ xuất hiện trên con đường trưởng thành của trẻ nhỏ. Đưa trẻ đến bảo tàng, đi xem một chương trình nghệ thuật, cùng tham gia những hoạt động sáng tạo... cũng là những chuyến đi cần sự bền bỉ của người lớn để trẻ được chơi với nghệ thuật.