Từ thực trạng cha mẹ ly hôn, gia cảnh khó khăn khiến nhiều trẻ em ở thôn Lệ Sơn (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cần sự chung tay sẻ chia của cộng đồng.
Hôm chúng tôi đến cũng là dịp các thành viên gồm học sinh, sinh viên CLB “Cỏ Bốn lá” không quản ngại đường xa đến thăm một số trẻ em khó khăn của thôn Lệ Sơn. Trong đó, cả chục trường hợp là phận mồ côi, bất hạnh, thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình.
Em Phạm Thị Thùy Trâm (lớp 5, Trường Tiểu học số 1 Duy Nghĩa) và em gái sống cùng cha và bà nội ở thôn Lệ Sơn. “Lâu lắm mẹ mới về thăm em một lần. Ước gì gia đình em được đoàn tụ như xưa” - Trâm tâm sự.
Theo thông tin từ cán bộ thôn và người dân lân cận, vợ chồng anh Phạm Quang Ninh chung sống với nhau có 4 con gái, thường xuyên mâu thuẫn, gia đình khuyên can, địa phương hòa giải không thành. Người vợ bồng đứa con gái nhỏ nhất bỏ nhà đi. Trâm là con gái thứ hai mới vừa học xong lớp 5, chị gái Trâm đang học cấp 2 nhưng cũng đã bỏ học theo mẹ…
Hay như trường hợp vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Lệ Sơn) vừa ly hôn khi đã có ba mặt con. Chị Thủy ôm con nhỏ hơn một tuổi ra đi, để hai con gái mới 4 - 5 tuổi cho chồng và bà nội chăm sóc.
Trường hợp của em Phan Thị Mỹ Dung (học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi) cũng hết sức đáng thương. Ba mẹ ly hôn, mẹ đi nơi khác sinh sống, để lại mấy anh em Dung ở với cha. Không may cha em là ông Cao Văn Hải bị bệnh hiểm nghèo, gia cảnh càng thêm khốn khó.
Theo ông Nguyễn Trường Vũ - Trưởng ban Công tác mặt trận (CTMT) thôn Lệ Sơn, cả thôn nếu tính số trường hợp vợ chồng bất hòa dẫn đến ly hôn có con nhỏ thì có cả chục trường hợp trong vòng 2 năm.
Ban dân chính, Ban CTMT thôn Lệ Sơn cũng ra sức kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm trao quà cho trẻ em khó khăn thuộc nhóm đối tượng trên nhưng nguồn lực vẫn còn hạn chế, cần lắm sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng, xã hội.
Ban dân chính, Ban CTMT thôn Lệ Sơn nỗ lực liên hệ với 2 trường học ở xã Duy Nghĩa có đông trẻ em Lệ Sơn theo học, đó là Trường Tiểu học số 1 và số 2 Duy Nghĩa để nắm bắt những trường hợp khó khăn đột xuất.
“Chúng tôi làm việc với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, nếu có trẻ nào gặp khó khăn cấp thiết thì báo gấp về cho thôn, thôn sẽ trích quỹ đóng hỗ trợ. Trường hợp cháu nào không có xe đạp, thôn cũng đứng ra kêu gọi để có điều kiện đến lớp” - ông Vũ chia sẻ.
Được biết, đời sống của người dân Lệ Sơn một phần nhờ bám trụ nông nghiệp song nghề nông bấp bênh, khô hạn kéo dài; người dân trong độ tuổi lao động qua TP.Hội An, qua Duy Thành, Duy Vinh (Duy Xuyên) làm dịch vụ. Do ảnh hưởng sau đại dịch, đời sống bà con bị ảnh hưởng nhiều, khó khăn, gánh nặng chồng chất với những gia đình đông con.
“Tình trạng số vụ ly hôn trong thôn gia tăng hai năm gần đây. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng việc thay đổi nhận thức của người dân là cả vấn đề. Nguyên nhân của ly hôn gia tăng thì lại có nhiều; trong đó trẻ em là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất” - ông Vũ tâm sự.