Trẻ em miền núi cần được đắm mình trong môi trường di sản văn hóa để được khơi dòng, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trang phục trẻ em tham gia lễ hội. Ảnh: TẤN VỊNH |
Trước tiên, trẻ em chính là người được thừa hưởng những di sản của cha ông để lại. Từ khi còn bé thơ, các bà mẹ biết đến các món ăn, thức uống, loại thảo dược để nuôi trẻ chóng lớn. Mỗi lần tổ chức lễ hội cộng đồng, người lớn không quên làm những món ăn dành cho trẻ em. Các lễ nghi như lễ thổi tai, lễ đặt tên, lễ thôi nôi để cầu mong cho bé chóng lớn, khỏe mạnh thành người đều được tổ chức trang trọng. Những chiếc khăn, tấm địu thổ cẩm, chiếc mũ, bộ váy mới đều được các bà, các mẹ, các chị ngày đêm miệt mài làm ra để làm đẹp, giữ ấm cho trẻ em. Chiếc mũ của các bé gái là những sản phẩm thủ công đẹp nhất để các em chưng diện. Trang phục trang sức độc đáo của trẻ em các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì... làm cho phiên chợ vùng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc trở nên hấp dẫn trong con mắt của du khách.
Những di tích, danh lam thắng cảnh, hệ thống các bảo tàng, nhà trưng bày là nơi thu hút các em thiếu nhi đến tham quan học tập, tìm hiểu về thiên nhiên, đất nước con người sau những giờ lên lớp. Các bảo tàng lớn ở Việt Nam và trên thế giới đều thường xuyên tổ chức giới thiệu các trò chơi dân gian, xem các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật dân tộc, trình diễn các thao tác nghề thủ công... để chúng khám phá những điều thú vị vây quanh. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có dành không gian để các nghệ sĩ dân gian nổi tiếng ở các làng quê vùng châu thổ sông Hồng đến biểu diễn múa rối nước.
Tham gia múa da dá. |
Trẻ em chính là đối tượng để truyền dạy những tri thức dân gian. Ở các bản làng miền núi, “nguồn sữa” di sản dân tộc sớm ngấm vào máu thịt các em. Lúc còn ấu thơ các em thường được ông bà kể cho nghe những câu chuyện cổ tích, nghe già làng kể khan - trường ca quanh bếp lửa ấm. Lớn lên một chút, các em được tham gia tích cực với ông bà, cha mẹ, anh chị tạo ra môi trường diễn xướng, thực hành dân gian. Các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên mở lớp dạy đánh chiêng cho trẻ em, thiếu nhi. Những đội chiêng nhí ở Đắk Lắk, Gia Lai chẳng những tham gia biểu diễn trong lễ hội tại buôn làng mà con tham gia liên hoan khu vực và quốc gia. Di sản văn hóa của đồng bào Cơ Tu rất phong phú. Trẻ em chính là người được chú ý truyền dạy để kế thừa những vốn liếng di sản quý giá của tộc người. Tại các thôn bản Cơ Tu - nhất là các làng văn hóa truyền thống ở huyện Đông Giang, Tây Giang, thiếu nhi đã được nghệ nhân truyền dạy các bài ca, điệu múa để có thể tham gia sinh hoạt lễ hội cộng đồng. Thiếu nhi thôn Bờ Hôồng xã Sông Kôn (Đông Giang), thôn Pơ Ning, xã Lăng (Tây Giang) đều biết múa điệu tâng tung da dá. Các em được người thân trong gia đình sắm cho bộ trang phục truyền thống và dạy cho những động tác múa cơ bản để có thể tự tin hòa nhịp tạo nên sức sống động của điệu dân vũ trong mùa lễ hội. Nếu con trai theo cha, theo anh rầm rập bước chân trong điệu tâng tung da dá thì con gái cùng bà với mẹ uyển chuyển, dịu dàng trong điệu da dá. Ông bà, cha mẹ tạo cảm hứng cho con cháu tham gia giữ gìn di sản. Họ cổ vũ, khuyến khích cho cháu con nối tiếp mình bảo tồn bản sắc. Chính các em làm cho điệu múa này được nối tiếp, khơi thông dòng chảy mạch nguồn văn hóa đến với tương lai. Đây là yếu tố làm cho di sản văn hóa của đồng bào có sự bền vững, không bị đứt đoạn, mai một như một số nơi khác.
Các em thiếu nhi cũng là người sáng tạo, tôn vinh di sản của tiền nhân. Các bài ca, điệu múa truyền thống chẳng những được các em biểu diễn ở thôn bản mà còn mang vào học đường, trường dân tộc nội trú, tham gia các hội diễn nghệ thuật quần chúng, thi Tiếng hát hoa phượng đỏ, thi năng khiếu và các sân chơi lớn hơn. Những cuộc thi diễn tấu nhạc cụ truyền thống, trình diễn thời trang dân tộc là cơ hội để các em tiếp tục sáng tạo và kế thừa những tinh hoa di sản của dân tộc mình.
Trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, chúng ta có nhiều điều kiện để chăm sóc trẻ em. Bên cạnh giáo dục về kiến thức ở trường học, cần tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để các em thiếu nhi được gần gũi hơn với di sản sớm có ý thức quý trọng, nâng niu và góp công bảo tồn những nét tinh hoa của cha ông để lại cho con cháu. Do đó, chúng ta cần tạo môi trường để các em được hưởng thụ, học hỏi, thực hành và sáng tạo di sản văn hóa.
TẤN VỊNH