Trẻ mồ côi

13/12/2012 01:50

Trong suốt nhiều năm qua, cơn sốt tìm vàng đã “đưa” hàng ngàn người về huyện miền núi Phước Sơn, kéo theo hàng loạt hệ lụy xã hội mà dân nghèo địa phương phải gánh chịu. Ở đây gia đình thiếu vắng đàn ông là chuyện quá đỗi bình thường. Trụ cột của gia đình đè lên vai của những phụ nữ góa bụa, nhất là những đứa trẻ mồ côi khi cha mẹ chúng không may mắc phải căn bệnh thế kỷ. Đói nghèo theo đó mà vận vào nhiều gia đình có người nghiện. Vài năm trở lại đây, hiểm họa của bệnh AIDS theo ma túy len lỏi vào đời sống của người dân nơi đây. Nhiều đàn ông nghiện qua đời, không lâu sau, người vợ cũng theo chồng “ra đi”. Buồn hơn, đây là địa phương mỗi năm có hàng trăm đứa trẻ mồ côi cha mẹ, sống lay lắt trong những ngôi nhà heo hút. 

Chỉ tay về phía ngôi nhà sắp bước vào, H., một cô giáo địa phương nói với chúng tôi, đã 3 năm qua, kể từ khi người chồng ra đi vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, một mình chị Hồ Thị Tuyết Láy (thôn 1, xã Phước Đức) phải gồng gánh gia đình, nuôi dưỡng 4 đứa con thơ. Chồng chị là người xứ khác tìm đến Phước Sơn với giấc mơ đổi đời từ cơn sốt vàng. Nhưng rồi, khi giấc mơ chưa thành hiện thực thì người chồng đã có kết thúc buồn khi không bước qua được cám dỗ. Và người gánh chịu hậu quả không ai khác chính là những đứa trẻ mồ côi cha, sống nghèo túng, bữa đói bữa no trong mái nhà tềnh toàng. Chị Láy buồn bã: “Chồng tui mất 3 năm rồi, để lại tui 4 đứa con; hằng ngày tui làm rẫy quần quật như con trâu rừng nhưng không đủ ăn, phải nhờ bà con làng xóm giúp đỡ thêm”. Cô giáo H. trăn trở, đàn ông ở đây chết vì ma túy phần nhiều là do trình độ dân trí quá thấp, con nghiện không nắm được các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Đau lòng nhất là những người vợ vô tội, chết theo chồng vì bị lây nhiễm thụ động. 

Ba anh em Hồ Văn Dưng, Hồ Văn Dớn và Hồ Văn Danh cũng sớm mất cả cha lẫn mẹ vì căn bệnh thế kỷ. Người cô ruột, Hồ Thị Thèn (thị trấn Khâm Đức) dù gia cảnh khó khăn vẫn đem 3 cháu về nuôi. Hai vợ chồng người dân tộc Mơ Nông ấy ngày ngày bám rẫy nuôi 7 đứa trẻ đang tuổi ăn học. Căn nhà tình thương được huyện hỗ trợ xây dựng cũng trở nên chật chội như cuộc sống bức bối của 9 con người trong đó. Bà Thèn kể: “Ba hắn đi làm vàng bị bệnh, phát 1 - 2 tháng gì đó, không cứu được, ổng chết. Sau đó bà vợ cũng theo luôn, cũng đau giống như rứa. Tui đưa mấy đứa nhỏ về đây ở, có gì ăn nấy, khó khăn cỡ nào cũng ráng cho anh em đi học đầy đủ”.

Cho đến thời điểm này, chưa có con số thống kê chính xác về số lượng trẻ mồ côi do cha mẹ mang bệnh AIDS ở huyện Phước Sơn. Nhưng con số 80 người mắc HIV, 43 người chết do căn bệnh này tại huyện cũng cho thấy đã có thêm nhiều những đứa trẻ mồ côi. Đây chỉ là một thống kê dựa trên thực tế số lượng người tự nguyện đến xét nghiệm, điều trị tại cơ sở y tế, trong khi đó vẫn còn hàng ngàn lao động phổ thông tại các bãi vàng có nguy cơ mắc HIV rất cao nhưng không đi xét nghiệm. Điều đáng nói, thời gian gần đây, căn bệnh này không còn giới hạn ở người nghiện ma túy, gái mại dâm từ nơi khác đến mà đã lan ra cộng đồng với nhiều người bị nhiễm bệnh là dân tộc thiểu số tại địa phương.

Ông Võ Văn Ba, Phó Trưởng phòng LĐ-TB & XH huyện Phước Sơn cho biết: “Một số lao động nhiễm HIV khi lập gia đình sẽ có nguy cơ lây truyền HIV sang cho vợ hoặc con; có khi cả cha mẹ nhiễm HIV, đến khi mất đi để lại đứa con mồ côi... Trong thời gian tới, phòng sẽ tham mưu UBND đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức đối với người dân, cũng như là đối với thanh niên ở lứa tuổi kết hôn”.

Những phụ nữ mất chồng, những đứa con mất cha mẹ vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Chừng nào nơi đây còn diễn ra tình trạng trên thì cái đói, cái nghèo vẫn cứ dai dẳng đeo bám người dân ở nơi được gọi là xứ sở của vàng này.

KIM THÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trẻ mồ côi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO