Để cây cầu Nông Sơn sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương của người dân khu vực này, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án cần phải tích cực khơi thông.
Công trình thiết yếu
Còn nhớ ngày 29.4.2005, cầu Nông Sơn trên tuyến ĐT610 (nay là quốc lộ 14H) được khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng. Đây là chiếc cầu của bao tấm lòng mà đồng bào cả nước hướng về làng Nông Sơn sau thảm họa lật đò tại bến Cà Tang, làm 18 học sinh Trường THCS Quế Trung tử vong vào chiều 19.5.2003.
Từ ngày có cầu, người dân xã Quế Trung và các xã phía tây của Nông Sơn cũng như huyện Quế Sơn lân cận lưu thông trên quốc lộ (QL) 14H thuận lợi, an toàn. Nhưng trước tốc độ gia tăng lưu lượng phương tiện, nhất là xe có trọng tải lớn, cây cầu này không thể đáp ứng do tải trọng hạn chế 8 tấn, khổ cầu rộng 6,5m.
Để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an ninh - quốc phòng, nâng cao năng lực lưu thông và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Nông Sơn, tỉnh quyết định đầu tư xây dựng cầu Nông Sơn và đường nối từ cầu Nông Sơn đến đường Đông Trường Sơn, hạng mục cầu Nông Sơn và đường dẫn vào cầu (giai đoạn 1). Cầu mới sát phía hạ lưu cầu cũ chính thức khởi công vào ngày 22.11.2019, địa phận hai thôn Trung Thượng (phía mố M1) và thôn Nông Sơn (phía mố M2) của xã Quế Trung.
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, trên công trường có điểm đầu tại km59+846,67 (nút giao giữa QL14H, tuyến ĐH1.NS và tuyến ĐH2.NS) và điểm cuối khớp nối km60+749 của QL14H, nhà thầu là Công ty TNHH Thanh Tùng tập trung 2 mũi thi công chính với một nằm phía bờ đông và một ở phía bờ tây. Trạm trộn bê tông điều khiển bằng thiết bị điện tử được thiết lập phía bờ tây (thôn Nông Sơn) có công suất 50m3/giờ để phục vụ công trường. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội nên công trường trước đó thực hiện nghiêm túc quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Theo kỹ sư Trần Văn Hùng - Đội trưởng thi công của Công ty TNHH Thanh Tùng, đến nay nhà thầu hoàn thiện một trụ và mố M2, đang tiếp tục làm trụ các trụ T5, T9 và chuẩn bị triển khai trụ T6. Về phần dầm, hai bãi đúc nằm ven hai bên bờ sông hiện đúc được 14/40 phiến dầm. Theo kế hoạch, công trường sẽ được tăng cường thêm một số loại máy cẩu, máy đào, máy đóng cọc để phấn đấu trong tháng 8 tới thực hiện xong phần hạ bộ.
Cần có mặt bằng
Cầu Nông Sơn và đường dẫn vào cầu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 128,41 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng chiếm 108,23 tỷ đồng (theo giá trị hợp đồng xây lắp, chưa tính dự phòng 4,34 tỷ đồng); GPMB 2 tỷ đồng (địa phương thực hiện); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 6,67 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 337,3m, khổ rộng 9m (8m phần xe chạy và lan can mỗi bên 0,5m). Đường dẫn vào cầu dài 562,7m có mặt cắt ngang rộng 9m, trong đó phần xe chạy rộng 7m, lề đường mỗi bên rộng 1m (phần xe chạy) + 2x1,0m (lề đường).
Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho hay, đường vận chuyển thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu qua phía mố M2 rất khó khăn do cầu cũ bị xuống cấp chỉ được lưu thông qua cầu với trọng tải 8 tấn, cho nên chủ yếu đi qua phà nhỏ. Theo đó, nhà thầu đã nỗ lực khắc phục bằng giải pháp thi công phù hợp thực tế. Lũy kế giá trị đã thực hiện đạt hơn 32,5 tỷ đồng (đạt 30%). Tuy nhiên, việc tiến hành thời gian tới chắc chắn gặp trở ngại do vướng mặt bằng tại nhiều vị trí.
Đến thời điểm này, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Nông Sơn (trực thuộc UBND huyện Nông Sơn) mới giải quyết mặt bằng được khoảng 38% diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án. “Lẽ ra chúng tôi đã thi công xong mố M1 nhưng hiện chưa có mặt bằng sạch” - kỹ sư Trần Văn Hùng nói.
Theo tìm hiểu thực tế, đường dẫn vào hai đầu cầu, nhất là phía thôn Trung Thượng chưa thể triển khai trên thực địa vì ách tắc GPMB. Với thôn này, đất ở nông thôn chủ yếu còn vướng pháp lý bồi thường, hỗ trợ và GPMB trước đây cho các dự án đã thực hiện khi chưa tách 2 huyện Quế Sơn và Nông Sơn.
Có hộ khiếu nại đòi bồi thường đất ở nông thôn, mặc dù Hội đồng tư vấn đất đai địa phương xác định đây là đất vườn ao liền kề. Phía thôn Nông Sơn, mặt bằng thi công phần đường, vòng xuyến bị ảnh hưởng chủ yếu là đất trồng cây lâu năm.
Cùng với đó, đất giao thông, đất công của xã còn tồn tại; hộ dân trồng cây keo trên phần đất giao thông và đất của xã chây ì khai thác; đất tín ngưỡng chưa giải quyết. Dự án còn gặp ách tắc trước sự tồn tại chưa di dời gồm cáp quang, trụ điện chiếu sáng, cổng chào thôn Nông Sơn…
Trước thực trạng vừa nêu, chủ đầu tư đã kiến nghị lãnh đạo huyện Nông Sơn chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan tập trung giải quyết hoàn thành các thủ tục pháp lý, tiến hành thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và GPMB của dự án để đảm bảo thủ tục cấp kinh phí chi trả tiền, quyết định thu hồi đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Bàn giao cụ thể mặt bằng đã bồi thường, hỗ trợ nhằm tránh trường hợp tái lấn chiếm, khiếu nại không cần thiết.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Nông Sơn phối hợp với xã Quế Trung tuyên truyền để nhân dân biết rõ chủ trương đầu tư xây dựng dự án; niêm yết khối lượng, đơn giá bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng nắm bắt cụ thể; họp dân giải quyết dứt điểm các khiếu nại.