Trên cung đường huyền thoại

ALĂNG NGƯỚC 01/02/2019 03:10

Từ bản làng vùng cao đơn sơ, những góc nhỏ nơi “thị trấn mồ côi” ngày ấy bỗng trở nên sầm uất bên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Người Cơ Tu, Bh’noong, Tà Riềng,… nay cũng đã là cư dân “phố núi”.

Cung đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận Quảng Nam. Ảnh: Alăng Ngước
Cung đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận Quảng Nam. Ảnh: Alăng Ngước

Những ngày cuối năm, chúng tôi làm chuyến “phượt” theo con đường huyền thoại Hồ Chí Minh, để trải nghiệm cảm giác được đắm mình trong tiết trời se sắt và thỏa thích ngắm nhìn núi đồi bồng bềnh sương trắng. Suốt hành trình khám phá, chúng tôi không đơn độc, bởi nơi nào đó dừng chân luôn có những người bạn mới - du khách nước ngoài. Mark Wyndham - một du khách Úc nói với chúng tôi, rằng sau nhiều năm trở lại, cung đường Hồ Chí Minh đã thực sự đổi khác, khoác lên mình một màu áo mới.

Những nét đẹp truyền thống ở bản làng vùng cao, những cảnh quan kỳ thú nơi núi rừng Trường Sơn,… giờ đã là sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách, dọc dài theo dấu-tích-xưa-cũ nơi con đường huyền thoại mang tên Bác.

“Phố” trên đường huyền thoại

Người miền núi cách đây chừng hơn 20 năm trước, khó có thể mường tượng Khâm Đức (Phước Sơn), Thạnh Mỹ (Nam Giang), P’rao (Đông Giang),… sầm uất như bây giờ. Những thị trấn nhỏ ven đường Hồ Chí Minh, thuở ấy, buồn hiu hắt. Núi rừng hoang vu, cái duy nhất người ta nhìn thấy là những căn nhà xập xệ, tựa lưng vào núi. Hồi đó, đường Trường Sơn gồ ghề đất đá. Mùa mưa luôn mang lại nỗi ám ảnh về lũ, về sự chia cắt... Những “thị trấn mồ côi” cứ cô đơn, lạc lõng.

“Đây, vùng đất này, hồi mới giải phóng, không một bóng người, rứa mà chừ đông như kiến” - ông Hồ Văn Điều, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, chỉ tay về phía dòng người lưu thông trên đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Khâm Đức, như để minh chứng cho lời nói của mình. Những năm kháng chiến, bom đạn cày xới tuyến đường. Khâm Đức nham nhở. Người dân di tản vào sâu trong núi, theo cách mạng kháng chiến dưới sự lãnh đạo của chính quyền Đặc khu Nam Trà. Sau giải phóng, đồng bào trở về lại Khâm Đức, trở về với con đường Hồ Chí Minh, dựng xây cuộc sống mới, như bây giờ. Khâm Đức nay đã không còn là vùng đất xa xôi. Từ khắp nơi, dòng người tìm về. Họ sống cộng cư với đồng bào Bh’noong. Chiếc áo mới đã cũ, người Phước Sơn đang khát vọng hướng đến hình thành nên một thị xã đầu tiên ở miền núi cho Khâm Đức. Chính già Điều cũng mong ước điều đó, nên ra sức vận động đồng bào đoàn kết, chung sức đồng lòng hướng đến mục tiêu chung, lập nên những kỳ tích mới, ở nơi này.

Vẹn nguyên ký ức

Trên con đường huyền thoại, những con phố đã nên hình hài, kết nối theo hành lang phát triển liên vùng, từ du lịch và các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản vùng cao. Có đường Hồ Chí Minh, đồng bào khắp vùng, từ Phước Sơn - Đăk Glei (Kon Tum), Tây Giang - A Lưới (Thừa Thiên Huế),… những chuyến đi xuôi ngược ngày một nhiều hơn, bao câu chuyện của dân làng cũng dài thêm, kết nối trái tim người miền núi sát nhau hơn trong cuộc sống.

Alăng Nhom - người dân tộc Cơ Tu ở làng Trao (thị trấn P’rao, Đông Giang) chia sẻ, mỗi khi ngang qua khu vực có tấm bảng ghi dòng chữ “Đường Hồ Chí Minh” dưới chân núi A Dinh, anh vẫn giữ thói quen dừng chân, rồi ngắm nghía, hồi tưởng câu chuyện của những ngày tham gia mở đường - một phần ký ức cuộc đời mình. Thời điểm đường Hồ Chí Minh thi công qua địa phận Đông Giang, gần 20 năm trước, Alăng Nhom là thanh niên xung phong, trực tiếp quản lý 5 đội công trình, ngày đêm bạt núi. Nhìn tấm Kỷ niệm chương “Thanh niên tiên tiến toàn quốc” do Trung ương Đoàn trao tặng sau những cống hiến sức trẻ cho việc mở đường Hồ Chí Minh, Alăng Nhom bồi hồi xúc động, ký ức ùa về. Alăng Nhom kể, hồi đó anh phụ trách công việc lái xe của đơn vị, ròng rã cùng anh em “ăn núi, ngủ rừng”. Làm nhiệm vụ xẻ núi mở đường, anh Nhom nói khổ nhất là những lần núi lở, đường mới thi công xong đã mất dấu. “Thế là cả đội phải múc, xúc, đào ủi lấy lại đường. Có đoạn sạt lở nặng, phải mất cả tháng trời anh em mới khắc phục xong” - anh Nhom nhớ lại.

Hồi đường Hồ Chí Minh mới mở, những công trường của thanh niên xung phong mọc san sát hai bên đường, không người canh giữ, ròng rã nhiều năm vẫn không mất một hạt muối, giọt dầu ăn. Đến mùa lúa rẫy, đồng bào vùng cao còn mang theo những lon gạo ngon tặng công nhân làm nhiệm vụ mở đường. Ông Ta Rương Avôl (ở làng Atép, xã Bha Lêê, Tây Giang) nói cuộc đời ông có 2 lần cùng thanh niên địa phương tham gia mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Lần đầu là trong thời kỳ chống Mỹ, khi đó ông mới hơn 17 tuổi, tham gia phát dọn, mở tuyến để bộ đội thi công. Còn lần thứ hai, mới đó mà cũng đã ngót 20 năm. Cả hai lần đường Hồ Chí Minh được mở, ông Avôl nói đồng bào đều tình nguyện hiến đất, hiến nhà cửa. Lần sau này, có thời điểm công trình tạm dừng, dân làng Atép cũng làm thêm nhiệm vụ giữ công trường, giữ tài sản cho công nhân và bộ đội. “Dân làng đến mùa lúa mới, hoặc có đám cưới, lễ hội gì cũng đều mời anh em công nhân, lực lượng thanh niên xung phong cùng đến tham gia, ăn mừng. Vì thế, nhiều kỷ niệm đẹp trên con đường này luôn được dân làng kể lại” - ông Avôl nói.
Làng Atép lại chuẩn bị có đám cưới. Ông Avôl nói, nhà gái ở tận xã A Roàng (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế), nhờ con đường Hồ Chí Minh mà người trẻ quen nhau, rồi nên duyên vợ chồng. “Làng Atép có vài cặp như thế”. Ông Avôl thông tin gọn, rồi bước vào đám đông, cùng các già làng bàn chuyện đón tiếp khách theo phong tục truyền thống trong vài ngày tới. Nhịp trống chiêng lại vang giữa rừng…

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên cung đường huyền thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO