Sương và hoa lau trắng nở ven đường óng ánh như dải lụa mềm. Nghĩa tình của kẻ xuôi người ngược, quân và dân miền biên viễn đủ sức chống chọi với cái lạnh se sắt của tiết trời xuân...
Dưới trăng đại ngàn
Tôi đặt chân lên cột mốc số 717, hướng mắt về phía bên kia nước bạn Lào trùng điệp rừng xanh và sương dày đặc. Gió lùa vào lớp áo chống lạnh, bàn tay run rẩy vì rét buốt. Chiều. Thưa thớt người dân từ Sê Kông (Lào) vượt trạm kiểm soát cửa khẩu Nam Giang qua mua sắm, đổi chác hàng hóa. Mùa này lên biên ải, hoa lau nở trắng. Những thửa ruộng bậc thang khiêm nhường thấp thoáng trong sương mù. Bóng những người đàn bà lầm lũi gùi hàng chênh vênh trên sườn đồi.
Trẻ em vùng biên trong nắng sớm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Phòng ngủ dành cho khách ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang không đủ ấm, đơn vị ưu tiên cho chúng tôi tá túc qua đêm một chỗ tươm tất, đủ đầy tiện nghi. Sợ chúng tôi khó ngủ nơi đất lạ, Thượng úy Bình và cán bộ Phát có biệt danh “quả đấm thép” của đơn vị đã bày tiệc rượu dưới Chà Vàl, ngắm trăng đại ngàn. Thượng úy Bình tâm sự, đã theo đời binh nghiệp thì chấp nhận gian khổ, thua thiệt, kể cả hạnh phúc riêng tư. Buồn nhất là ít có thời gian đoàn tụ gia đình, nuôi dạy con. “Em may mắn có được vợ hiền con ngoan, dựng nhà cửa dưới thị trấn Thạnh Mỹ nên cũng hay đi về. Nhiều đồng chí cả tháng trời mới hạ sơn” - Bình tâm tình. Cán bộ trẻ Phát chen vào: “Như em đây, mới lên công tác được một năm, không biết đến bao giờ mới cưới được vợ”. Rượu vào lời ra. Thượng úy Bình, cán bộ Phát như dốc cạn bầu tâm sự. Khuôn mặt họ dường như không thể che giấu được nỗi ưu tư khi tết này ở lại vùng biên làm tròn nghĩa vụ của người lính. Chúng tôi trở về đơn vị khi vầng trăng chếch trên đầu.
“Ngôi nhà” hạnh phúc
Mấy năm nay, tôi vẫn giữ thói quen gió bụi dọc đường, điểm dừng chân cuối cùng là ở các đồn biên phòng mỗi độ xuân về. Những chuyến đi mệt nhoài được sẻ chia từ sự chân tình, mến khách của các sĩ quan, chiến sĩ canh bờ cõi cho Tổ quốc. Nghe tiếng chim lảnh lót, nhìn hoa lá cỏ cây đua sắc, lòng người thêm yêu cuộc sống. Năm nào cũng vậy, trước Tết Nguyên đán một tháng, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã chuẩn bị “bày tiệc” đón giao thừa rôm rả. Kế hoạch giao lưu văn hóa, văn nghệ với nước bạn Lào và đoàn viên thanh niên các xã lân cận được vạch sẵn. Thượng tá Đỗ Huỳnh Minh - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang cho hay, tết này 100% chiến sĩ ở lại làm nhiệm vụ, phần lớn cán bộ, sĩ quan đón tết nơi biên cương. Tết, đồn biên phòng cũng là nơi sinh hoạt, vui chơi của người dân vùng biên.
Người dân xã Đắc Tôi (Nam Giang) ký cam kết thực hiện mô hình “câu lạc bộ không sinh con thứ 3”. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đồng nghiệp tôi bảo, năm ngoái đưa nữ phóng viên lên công tác dịp tết, cán bộ, chiến sĩ biên phòng “cưng như trứng”, lúc chia tay ra về còn được tặng quà lì xì. “Đồn là nhà, biên giới là quê hương - câu nói đã thấm vào máu thịt của người lính biên phòng. Ngày tết, người thân của cán bộ, chiến sĩ lên thăm, do đường sá xa xôi phải ở lại nên đơn vị cũng là “ngôi nhà” hạnh phúc” - Thượng tá Minh bộc bạch.
Đậm tình quân dân
Ở các xã biên giới Nam Giang, đồng bào Tà Riềng, Ve, Cơ Tu tập trung sinh sống. Nhiều năm nay vào buổi tối, tại đơn vị cán bộ tổ chức dạy tiếng Tà Riềng, Lào cho các chiến sĩ trẻ và người dân trong vùng. Cán bộ, bộ đội phải có vốn liếng tiếng địa phương thì mới “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đồng bào để tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Một thời trên rẻo cao này phổ biến tình trạng tảo hôn, đẻ đông con. Thế nhưng, hai năm gần đây xuất hiện nhiều điểm sáng văn hóa, với hàng trăm cặp vợ chồng tham gia các “câu lạc bộ không sinh con thứ 3”. Thượng tá Minh chia sẻ, đơn vị đã lập danh sách từng gia đình ở 5 thôn, vận động họ ký cam kết không vi phạm chính sách dân số. Hầu hết gương mặt vợ chồng ghi trong sổ vàng đều giữ đúng “lời hứa”. Tại thôn Đắc Oóc, xã La Dêê có 41 cặp vợ chồng trẻ người Tà Riềng 5 năm liền không sinh con thứ 3 và xây dựng dòng tộc Alăng thành tộc văn hóa tiêu biểu.
Đội ngũ quân y biên phòng cũng thường đến nhà đồng bào khám chữa bệnh, vận động loại bỏ các hủ tục. Nửa đêm bà con đau ốm đột xuất, ngoài trạm y tế xã, đồn biên phòng cũng mở cửa để cứu người. Từ dự án “ngân hàng bò sinh sản” do bộ đội biên phòng phát động đến nay đã có 70 hộ ở xã La Dêê có con giống nhân rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Rồi bộ đội trực tiếp ra đồng hướng dẫn đồng bào cách ủ giống, trồng cây lúa nước, dần bỏ thói quen sống phụ thuộc vào rừng. “Khởi sắc nhất là trình độ dân trí nâng lên rõ rệt, đồng bào Ve, Tà Riềng còn có con em học đại học. Nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ biết cách làm ăn” - Thượng tá Minh phấn khởi nói.
Khát vọng núi rừng
Khi vùng biên được mở cửa, cuộc sống của đồng bào đổi thay từng ngày. Sự kỳ vọng mới cho động lực phát triển vùng biên tiếp tục được nhân lên với công trình Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Nam Giang và mới đây Quảng Nam giúp Sê Kông (Lào) xây dựng Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Đắc Tà Oọc, khởi công ngày 2.12.2014.
Đi dọc vùng biên, trải dài giữa các bản làng đồng bào ở hai bên biên giới Việt Nam - Lào, những đổi thay hiện hữu trên từng nóc nhà. Con đường xuyên núi được mở về nối các bản làng vùng biên thêm vững chắc. Kể từ khi Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc được xây dựng đã làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của đồng bào. Không còn vượt rừng đi bộ cả ngày đường như trước, những người dân ở các thôn Đắc Ôốc, Đắc Ch’đây (xã La Dêê), hay các thôn Pa Lan, Pa Ooi (xã La Êê, huyện Nam Giang) nay có thể yên tâm đi mua sắm hàng hóa bằng xe máy. Trung tâm xã Chà Vàl, vì thế cũng không còn xa đối với người dân ở các xã vùng biên giới lân cận. “Có đường đi lại, cái chi cũng dễ dàng. Lễ tết muốn mua sắm hàng hóa, chỉ cần nhờ con cháu chạy xe máy một vòng là có ngay” - già làng Zơrâm Văn, ở thôn Pa Lan (xã La Êê) hồ hởi.
Biên giới không còn xa. Những chuyến xe chở hàng hóa đã bắt đầu lăn bánh về tận ngõ làng. Việc trao đổi, bán mua hàng hóa vì thế cũng dần làm bộ mặt thôn bản miền núi thay đổi. Những mái nhà tranh tre, vách nứa giờ chỉ còn lại trong ký ức của dân làng. Nhà ngói, mái tôn xuất hiện ngày càng nhiều, ghi dấu một cuộc đổi mới trong đời sống của đồng bào vùng biên. Như thôn văn hóa Đắc Ôốc, đường nhựa đã được mở về từ nhiều năm trước, người dân bản địa không còn phải chịu cảnh giao thông cách trở. Điện lưới quốc gia được đưa về, làng bản bây giờ đã bừng sáng trong những đêm mù sương của núi rừng. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng lúa nước bạt ngàn màu xanh, một dấu ấn của nông thôn mới tại vùng cao Đắc Ôốc đang khoe sắc.
Cơ hội phát triển Là địa phương được đánh giá có nhiều mô hình hay trong công tác đưa chính sách đầu tư vùng dân tộc đi vào đời sống, Tây Giang thành công rất lớn trong việc bố trí cộng đồng dân cư sống tập trung theo mô hình làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Con đường độc đạo được mở về tận cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương, tạo bước tiến mới giúp đồng bào vùng biên có điều kiện đi lại, cơ hội giao thương, hội nhập phát triển. |
TRẦN HỮU PHÚC - A LĂNG NGƯỚC