Trên đường đô thị hóa...

PHÙNG TẤN ĐÔNG 28/05/2016 08:47

Từ quê lên phố có nhiều cái sướng. Người nông dân, người làm nghề thủ công, người buôn bán nhỏ dần thoát ly lao động ruộng đồng, dần bớt chuyện “trông trời, trông nắng, trông mưa”…, mức sống cũng dần dà được tăng lên, hạ tầng cơ sở được nâng cấp, dù chẳng to tát đồ sộ chi. Các khu công nghiệp cái thì đang quy hoạch, cái thì đang hiện hữu, nhiều công trình mọc lên, nhiều dịch vụ cho cư dân đô thị được mở ra, đang phục vụ. Trong nhà con cái cũng đang đà học tập, đứa lên thị thành học đại học từ trước, đứa đang chờ được đào tạo nghề để mai ngày có công ăn việc làm tại chỗ, bớt ly hương – đúng ra là tha hương cầu thực, còn nói trớt kiểu Quảng là xa quê kiếm miếng ăn. Đời sống văn hóa cũng đa dạng với nhiều cái để lựa chọn: các trò chơi trên truyền hình, trò game trên mạng, thích hát kiểu hát hay không bằng hay hát thì sắm giàn karaoke đang mùa hạ giá. nhận tiền đền bù, có anh sắm xe cho xịn rồi… đắp chiếu, có anh đi du lịch tây, tàu… Họ thành thị dân. Và coi như đời… lên hương - cuộc sống rõ ràng đáng sống hơn hồi xưa, hồi xửa chán vạn lần.

Nhộn nhịp phố xá. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nhộn nhịp phố xá. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhưng mà, trên đường đô thị hóa có biết bao vấn nạn. Kênh mương lấp đi thì trời mưa nước không thoát được. Nhà máy mọc lên thì nạn ô nhiễm môi trường song hành, bởi chất thải, rác thải, nước thải xử lý như thế nào cho bảo đảm vẫn nhiều nơi bị bỏ ngỏ. Khói bụi, tiếng ồn đe dọa cuộc sống vốn bình yên của khu dân cư. Dưới sông, ngoài biển thì cá chết, trên bờ thì con số làng ung thư gia tăng. Nhiều làng nghề, phường nghề sản xuất hàng hóa kiểu tự sát vì dùng hóa chất độc hại, vì chất thải thải vô tư ra môi trường, thâm nhập cả tầng nước ngầm - nước dùng trong sinh hoạt thiết yếu trong ăn uống hàng ngày của cộng đồng cư dân. Đất đai rồi ô nhiễm chất thải từ các khu công nghiệp. Các khu đô thị mới thì chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, hễ mưa xuống thì phó cho trời. Lại thêm tình trạng sông nước bị tác động của biến đổi khí hậu “bên lở lở miết, bên bồi lở hung”…

Vấn nạn thứ đến là công ăn việc làm của người dân vùng đô thị hóa. Nhiều gia đình có đất nhận tiền giải tỏa đền bù đã xây lại nhà mới - cũng hàng nhà cao cửa rộng nhưng nhà hết đất trồng trọt, chăn nuôi, con cái chẳng công ăn việc làm, thành thử ngày rộng tháng dài, tiền mòn bạc cạn, vào ra lóng ngóng, gặp việc quan, hôn, tang, tế đành bấm bụng than trời…

Con số thống kê tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở các đô thị lớn có thời điểm tăng vọt xấp xỉ 10% trong đó có nguyên nhân là thanh niên nông thôn bật ra khỏi chuyện đồng áng. Chỉ khi các khu công nghiệp cần nguồn nhân lực, thanh niên nông thôn được tuyển dụng, được đào tạo nghề thì tình trạng mới cải thiện. Mà tình trạng thanh niên làm những công việc giản đơn, trình độ lao động phổ thông không có tay nghề chuyên môn cũng gần hòm hòm con số năm mươi năm mươi. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở một quận của Cần Thơ đã chiếm 33% (năm 2010), tỷ lệ người thất nghiệp có trình độ đại học ở Huế đã chiếm 3,68% (năm 2013) (Nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học 20 năm đô thị hóa Nam Bộ - NXB Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh 2015).

Trên đường đô thị hóa do thiếu quy hoạch nguồn nhân lực nên tình trạng làm việc trái với chuyên môn, ngành nghề cũng trở nên phổ biến. Tình trạng sinh viên “Ngoại thương bán chè đậu đen/ Mấy anh nhạc viện thổi kèn đám ma…” như bài vè sinh viên lập nghiệp trái nghề là chuyện hiển nhiên. Thật là gian nan, vất vả để được là thị dân. Người ở làng - trong cơn lốc đô thị hóa - thường trách móc người lên phố là thưa vắng về quê, là phai nhạt tình nghĩa với quê, với làng, với xóm nhưng ngẫm lại, ở phố, được cái tiếng cho sang, nghe cho “ngơm” chứ kỳ thiệt chẳng sướng ích gì. Mà coi chừng nói trước, trách trước bước không khỏi vì mai ngày, sớm muộn gì, quê rồi cũng chịu cú sốc đô thị hóa!

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên đường đô thị hóa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO