Viết về đề tài chiến tranh cách mạng

Trên đường ra miền Bắc

Bút ký của PHẠM THÔNG 25/12/2024 08:00

Ký ức những ngày lên đường ra miền Bắc chữa bệnh vào năm 1971, chứng kiến bộ đội miền Bắc từng đoàn vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, lòng tôi dậy lên niềm tin ngày giành độc lập dân tộc không còn xa...

Mấy tháng nay lăn lộn trên đường, hết Quảng Đà đến Quảng Nam, đi bộ, ngủ đường, bữa đói bữa no tôi đổ bệnh. Có lẽ đó là cái kết của cả bảy năm nằm núi, trèo đèo, mang nặng quá sức từ 14 tuổi đến giờ. Về tới cơ quan, tôi báo cáo thủ trưởng.

Đi bệnh xá I Khu ủy 5 khám, điều trị gần một tháng, bình phục trở về công tác. Sau một tháng, bác Hiệu thủ trưởng kêu tôi lên: “Con được bên Tổ chức Khu cho đi miền Bắc chữa bệnh, chuẩn bị lên đường nhé”.

Tin đột ngột, tôi lưỡng lự: “Thưa bác con vẫn bình thường, còn có thể ở lại miền Nam công tác. Đi ra ngoài đó xa quá, biết bao giờ được trở lại quê hương. Bác cho con ở lại”.

Bác Hiệu trả lời dứt khoát: “Có quyết định rồi con phải chấp hành. Ra ngoài đó chữa bệnh, an dưỡng khỏe thì đi học đào tạo cán bộ cho sau này. Năm nay con mới 20 tuổi, đường cách mạng còn dài lắm. Muốn thì sau này vào Nam trở lại, công cuộc kháng chiến chưa biết bao giờ sẽ thành công. Có ý chí thì tốt, nhưng sức khỏe của con không thể tiếp tục ở phía trước được nữa. Cố lên rồi con sẽ vượt qua tất cả”.

Từ khi dấn thân theo cách mạng đến giờ tôi xác định mình là người của tổ chức, tổ chức quyết định cuộc đời, quyết định tương lai của mình, chỉ có lần này tôi mới mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng với thủ trưởng. Bởi từ chối ra Bắc là không dám nhận sự ưu tiên đó. Tôi suy nghĩ kỹ rồi mới dám biểu lộ. Nhưng không được. Tôi phải thu xếp lên đường.

Bác Hiệu nói với chị nuôi: “Coi còn bao nhiêu gạo cấp cho em ăn mươi ngày. Ra tới đầu mối đường dây Xã hội chủ nghĩa tận bên biên giới Lào mới có cơm ăn, phía đông Trường Sơn người đi đường phải tự túc hết đấy.

Mình ở nhà có chi ăn nấy, đi đường đói là bước không nổi. Đường dài lắm đi bộ vài tháng đấy, đi một mình biết nương cậy vào đâu. Tất nhiên trên đường sẽ có nhiều người cùng đi, nhưng là người tứ xứ họ đều có chuẩn bị trước, mình cũng phải vậy. Mặt khác phòng lúc kẹt đường vì mưa lũ, vì địch đổ quân ngăn cản, mọi việc phải phòng trước…”.

Ngày 15/8/1971 lên đường đi bộ ra miền Bắc, từ cơ quan Ban Giáo dục Khu 5 đóng ở đầu nguồn Nước Leng thuộc xã Leng, Trà My, tôi theo đường dây ra phía Phước Sơn, Giằng, Hiên qua biên giới Lào - Việt. Đã ở núi bảy năm, tôi rành đường Trường Sơn, mấy ngày đầu lẽ ra phải theo trạm giao liên đi từng chặng một.

Trạm cách trạm non một ngày, nhưng quen đường cộng với sức trai tôi vượt trạm. Đi theo giao liên tối đến trạm có chỗ ngủ hẳn hoi, vượt trạm phải căng tăng ngủ đường. Ngủ đường là chuyện thường trong nhiều năm nay, tôi không ngại.

Từ Trà My theo đường dây hướng về tây bắc sang đất Lào. Càng ra phía bắc, càng nhìn thấy bộ đội miền Bắc từng đoàn vượt Trường Sơn vào Nam, vũ khí đạn dược chuyển theo đường hành lang vào chiến trường nhiều vô kể, thiệt khí thế. Tôi nghĩ, có lẽ ngày chiến thắng hoàn toàn đã tới mà mình phải lên đường ra Bắc, ngày ấy không có mặt ở quê hương chứng kiến thật là uổng. Nhưng đi thì phải đi!…

Sáu ngày sau tới trạm hành lang đầu mối Xã hội chủ nghĩa ở biên giới Lào, giáp ngã ba từ Nam Bộ, Campuchia ra, tôi trình giấy tờ để có tiêu chuẩn ăn đường.

Tại đây tôi gặp bé Dung, bé Hạnh con em cách mạng đưa ra Bắc đào tạo. Hai em từ miền Đông Nam Bộ, từ Campuchia đi hai tháng mới tới đây. Đi dài ngày, không quen ở núi bị sốt rét đuối sức, thấy tội nghiệp tôi hỗ trợ hai em cùng đi tới đất Bắc.

Sức của tôi, đi từ trạm này đến trạm kia độ 6 tiếng đồng hồ, một hai giờ chiều tới nơi; đi với hai em phải nghỉ, phải đợi. Trong khi đợi, tôi chui vào rừng bẻ măng, hái rau, tối có cái nấu ăn thêm.

Tối đến thường không vào lán trại, ba anh em căng tăng, mắc võng chấu đầu tam giác kể chuyện. Không riêng chúng tôi, bộ đội cùng mắc võng nằm dày núi. Chỉ một việc, phải cẩn thận củi lửa. Cơm, thức ăn lấy từ nhà ăn tập thể của trạm hành lang, ai muốn nấu thêm canh thêm rau phải chặt lá rừng che bếp thật kỹ, máy bay phát hiện lửa khói oanh tạt nát núi, nát rừng.

Đúng là đã ra đi làm cách mạng, theo cách mạng thì bốn phương một nhà. Cùng lý tưởng, cùng hoàn cảnh tha phương, không cha không mẹ, không gia đình nên rất dễ thông cảm, dễ hòa hợp. Mới gặp nhau mà vô cùng thân thiết, chúng tôi coi nhau như anh em với tình cảm vô cùng sáng trong.

Tôi hứa với lòng sẽ giúp hai em gái còn ở tuổi thiếu thời đi tới miền Bắc để học chữ, đào tạo cán bộ cho miền Nam trong tương lai. Nói thì có vẻ lý thuyết mà thật sự là như thế.

Trong công cuộc kháng chiến này, ý chí và tình cảm thiết tha, chân thành của những chàng trai cô gái đối với non sông, đối với đồng chí, đồng đội luôn được thể hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ nơi đâu….

Tôi biết đồng bào Lào sinh sống dọc đường Trường Sơn rất cần đá lửa và muối. Đá lửa và muối đổi được nhiều thứ. Muối thì nặng dễ chảy nước mang theo khó, đá lửa thì nhỏ, nhẹ vì thế bộ đội cán bộ từ Bắc vào, từ Nam ra thường mang theo nhiều đá lửa (đá bật lửa) đổi gà, đổi thịt rừng, đổi nếp Lào… ăn “cải thiện” dọc đường.

Đi quá vội, những thứ đó chỉ có ở đồng bằng, không kịp gửi mua tôi đành đi với mấy chục lon gạo, một lon lương khô, hai lon muối trên lưng. Không ngờ bé Dung, bé Hạnh, mỗi đứa đều có một bọc đá lửa từ Tây Ninh mang theo.

Các em đã xài một nửa dọc đường từ Nam Bộ ra, ở các tỉnh Đông Bắc Campuchia, ở cao nguyên Bolaven, người Khmer, người Lào cũng cần thứ này lắm. Bởi ở đó toàn là vùng căn cứ kháng chiến, các thứ đó chỉ có trong vùng địch chiếm ở Nam Bộ hay ở Campuchia; ngó đơn giản vậy mà nó là hàng công nghiệp phải từ trong các thành phố đưa ra.

Nếu không có đá lửa thì đồng bào, bộ đội phải lấy lửa, giữ lửa theo phương thức của người tiền sử đấy. Một lần tôi đi lạc đường, có gạo trong ba lô mà phải nhịn đói vì quên đem theo bật lửa. Có đá lửa bé Dung, bé Hạnh đưa ra đổi gà, có cái để ba anh em cải thiện. Chúng tôi dìu dắt nhau gần tháng trời ra tới đường 9 Nam Lào.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên đường ra miền Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO