Bằng tình yêu con trẻ, các nhà văn xứ Quảng đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để viết cho các em và để sách có mặt trên giá sách Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng hàng chục năm qua. Và chính NXB Kim Đồng là bà đỡ mát tay để trang viết và tên tuổi các nhà văn xứ Quảng đến được với tuổi thơ cả nước.
Những tác giả thế hệ đầu
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Tổng Biên tập NXB Kim Đồng cho biết, trong hàng trăm, hàng ngàn đầu sách xuất bản theo từng giai đoạn thời gian, sách về văn học dành cho thiếu nhi chiếm một vị trí quan trọng của NXB. Từ tập sách đầu tiên mang tên “Lớp học của anh Bồ Câu trắng” của nhà văn Thi Ngọc ra đời năm 1957, cho đến những tác phẩm văn học thiếu nhi đi kèm với tên tuổi nhà văn lớn sau này, như: Nguyễn Huy Tương, Võ Quảng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Duy Kháng, Nguyễn Thi, Nguyễn Bích, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Minh Châu, Hà Ân, Xuân Thiều, Phong Thu, Sơn Tùng, Định Hải, Thanh Quế, Xuân Quỳnh, Vũ Tú Nam… đều đã mang lại cho tuổi thơ vô vàn cảm quan văn học, bồi đắp nên tình yêu văn chương, yêu quê hương, đất nước, con người ở các vùng miền, xứ sở trên đất nước Việt Nam…
Điều đáng tự hào là, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trên giá sách của NXB Kim Đồng đã có sách của một nhà văn xứ Quảng - người suốt đời chỉ dành tình cảm, tài năng và trí tuệ của mình trải ra trên từng trang viết cho thiếu nhi. Đó là nhà văn Võ Quảng, người làng Thượng Phước, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam - Tổng Biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng. Võ Quảng viết rất sung mãn trên hai phương diện thơ và văn. Về thơ, từ những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước, trên giá sách của NXB Kim Đồng đã có các ấn phẩm của ông. Bao gồm: “Gà mái hoa” in năm 1957, “Thấy cái hoa nở” (1962 ), “Nắng sớm” (1965 ), “Anh Đom đóm” (1970) hay “Măng tre” (1971)… Và văn với các tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc như: “Cái Thăng” in năm 1961, “Chỗ cây đa làng” (1964), “Cái Mai” (1967)… cho đến “Quê nội” (1973) và “Tảng sáng” (1978).
Sau Võ Quảng, rất nhiều nhà văn xứ Quảng có sách in và hiện hữu trên giá sách của NXB Kim Đồng, nhất là khoảng thời gian giao thoa giữa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Từ Võ Quảng, Thanh Quế của một thời rồi đến Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Tự Lực, Phan Văn Minh, Lê Trâm, Nguyễn Bá Hòa, Mạc Ly hay Nguyễn Tam Mỹ…
Cố nhà văn Bùi Tự Lực có lẽ là người đều đặn có sách trên giá sách Kim Đồng. Đó là những tác phẩm: “Nội tôi” (truyện vừa - 2001); “Trên nẻo đường giao liên” (truyện vừa - 2003); “Cái ống phóc và trái banh chuối” (truyện ngắn - 2005), “Chó hoang” (tiểu thuyết - 2017)... Tiếp đó là Lê Trâm với “Tý cô nương”, “Mơ về phía chân trời”, “Bức tranh gửi lại” hay Nguyễn Tam Mỹ với “Tuổi thơ trong chiến tranh” và “Trong và ngoài rào gai” - 2017; Nguyễn Bá Hòa với “Vạn dế than”, “Bình minh trên sông Hoài” - 2019 rồi cả Mạc Ly, Phan Chín…
Nét riêng quê xứ
Đa số tác giả xứ Quảng viết khá nhiều đề tài trong cuộc sống và nhiều đối tượng bạn đọc, nhưng họ vẫn dành riêng cho các em tình cảm trân quý, tôn trọng và yêu thương. Nguyễn Tam Mỹ nhiều năm qua xông pha mạnh mẽ trên các mảng đề tài nóng của xã hội. Tuy nhiên, trong tâm trí, tâm hồn anh vẫn dành cho thiếu nhi những khoảng trời yêu dấu. Đó có thể là ký ức của một thời tuổi thơ trong lửa đạn chiến tranh. Nguyễn Bá Hòa, được biết nhiều đến lĩnh vực truyện ngắn và thơ về nhiều mảng đề tài phong phú của cuộc sống con người, của xã hội hiện đại nhưng tâm hồn vẫn cứ trong trẻo khi đặt bút viết cho thiếu nhi… Với mong muốn đóng góp chút công sức của mình giúp cho văn hóa đọc của tuổi thơ quay lại trong đời sống hiện nay.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, cho biết: “Mong muốn của NXB là làm sao để tiếp cận được nhiều hơn các tác giả ở những vùng miền khác nhau. Bởi mỗi vùng miền đều có những đặc trưng văn hóa, ngôn ngữ. Ví như ở Quảng Nam, các tác giả cũng đều viết về những câu chuyện trong sinh hoạt hằng ngày, vui chơi, học tập của các em…, nhưng đặt trong bối cảnh phố cổ Hội An hay dòng sông Thu xứ Quảng thì cảm quan về văn học mang đến dấu ấn riêng. Đó là điều rất cần cho bạn đọc nhỏ tuổi cả nước để hiểu thêm về một vùng đất”.
Còn họa sĩ Vũ Xuân Hoàn - NXB Kim Đồng, cho rằng: “Khi làm minh họa cho sách của tác giả Quảng Nam, điều làm chúng tôi thú vị nhất có lẽ những bối cảnh riêng, đầy màu sắc mà tác giả đưa vào tác phẩm. Điều này giúp họa sĩ có cách cảm thụ và thể hiện sát hơn, vừa mang dấu ấn riêng lại đảm bảo được yếu tố thẩm mỹ cho bạn đọc tuổi nhỏ”.