“Trên lá sâu vẽ bùa” là tập thơ thứ 3 trong hành trình sáng tạo của Đỗ Thượng Thế. Tập sách vừa được Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2024.
Là một nhà giáo hiền lành, tận tụy với nghề, say mê văn chương và hội họa nên nhà thơ Đỗ Thượng Thế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khá bận rộn công việc của mình.
Ngoài giờ lên lớp, anh hăng say viết lách và từng đoạt nhiều giải thưởng cao, uy tín của trung ương và địa phương về thơ. Anh cũng là họa sĩ ngành đồ họa, chuyên design những bìa sách và phụ bản văn học cho nhiều đầu sách trong và ngoài nước.
“Trên lá sâu vẽ bùa”, được bố cục làm 2 phần: Trong đám mây khác (21 bài) và Khúc ballad nụ hôn (17 bài). Đỗ Thượng Thế rất có ý thức trong việc làm thơ. Con đường thơ anh theo đuổi là một sự nhất quán rất riêng của chính mình.
Thơ Đỗ Thượng Thế cách tân, giàu biểu tượng, nhiều suy tưởng, dồn nén cảm xúc với ngôn ngữ đa tầng, mở ra nhiều chiều kích sáng tạo... Thơ anh cũng chính là lời phát ngôn về thái độ sống, niềm tin, sự khát khao, mơ ước, tinh thần trách nhiệm công dân trước những điều đã và đang diễn ra trong cuộc sống.
Anh dẫn dụ bạn đọc vào những ma trận chữ nghĩa, dẫn vào những liên tưởng đa chiều và luôn chấp nhận để bạn đọc là người đồng sáng tạo. “Từ bấy sông dài thác dựng/ chỉ tay trổ về đâu/ ánh trăng đổ về đâu/ cánh bèo lênh đênh nước mắt/ bìm xôn xao lướt giậu tơ vàng/ cây nối hàng chôn chân khổ nạn/ lặng câm đã mỏi già nua/ giội rửa mặt đêm tàn úa/ tiếng lá nào mưa gió nghe ra/ mùa xanh xa giăng mắc/ sâu vẽ bùa/ vẽ cơn mê sảng” ... (Trên lá sâu vẽ bùa).
Ngôn ngữ trong thơ Đỗ Thượng Thế mang tính ẩn dụ, trùng phức, dồn nén nhiều lớp nghĩa và giàu tính biểu tượng. Những bão, giấc mơ, mặt trời... có vai trò trung gian, giúp chúng ta tri giác cái bất khả tri, vô hình, siêu nghiệm vượt ra ngoài giới hạn của lý trí.
Với Đỗ Thượng Thế, viết là một sự sáng tạo, là cách để đào sâu bản thể, khám phá mỗi ngõ ngách tâm hồn. Đôi khi có sự xung đột giữa hình ảnh bản thân và bản chất thật của chính nhà thơ và cả bạn bè.
Với lối suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc sống trong mối quan hệ biện chứng, giàu tính nhân văn, nhân vật trữ tình “tôi” đưa ra lời trần tình: đừng tìm nguyên tác của tôi/ bạn ơi/ bạn và tôi còn ngụp lặn bao dông tố trên đời/ ngày và đêm trùng trùng khoảng cách/ phải tự khoanh vùng rồi giam mình hơn mọi kiểu cách ly/ phải tự dập nỗi cô đơn lụy phiền và ấm ức/ đã tàn phá tháng ngày tàn phá những chân mây (Đừng tìm nguyên tác của tôi).
Đỗ Thượng Thế là nhà thơ luôn khát khao biểu hiện cái tôi riêng biệt. Anh đã lặng lẽ chọn cho mình một lối thơ riêng: độc đáo cả trong lối tư duy lẫn cách diễn đạt.
“Trên lá sâu vẽ bùa” là tập thơ rất kén độc giả. Bởi muốn hiểu và cảm được cái hay, nét độc đáo của những bài thơ Đỗ Thượng Thế viết đòi hỏi người đọc phải giải mã được những biểu tượng. Muốn vậy bản thân họ phải có một thái độ nhập cuộc, sự yêu thích, đam mê với một tư duy sắc bén, có bề dày văn hóa, một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm!