Trên lưng chừng dốc núi

TRUNG VIỆT 19/08/2023 06:10

Có rất nhiều người như hai người này, họ nặng lòng với nơi khó, lại phân vân với chuyện cá nhân mình. Chuyện lưng chừng của những ước mơ, toan tính, làm nên những gương mặt khó lẫn ở đời, mà tên gọi của nó, là nỗi buồn trong vắt…

Khu vui chơi ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam (Nam Trà My). Ảnh: T.V
Khu vui chơi ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam (Nam Trà My). Ảnh: T.V

1. Anh nói: “Ông viết là quyền của ông, nhưng đừng nhắc tên tôi, mệt lắm. Tôi cự lại: “Ông làm chi, cụ thể ra răng, có hết đó, đâu phải một sớm một chiều hô biến là được, sợ chi ai?”. “Sợ thì  không, nhưng tôi không ưa thiên hạ nhỏ to, cái lý ở chỗ mình là lính, báo chí khen mình, chắc chi sếp đã ưng!”. Ừ, thói đời…

Tôi và anh chơi với nhau đã hơn 20 năm, cái thuở anh được… biệt phái lên Trà Tân (Bắc Trà My) trồng rừng, hạ trại, đốn cây, cai quản mấy chục hộ dân lên đăng ký sống ở đó.

Ban đầu nhóm có vài người, sau họ nản, rút, lý do là tiền ít, heo hút ở rừng, tuổi 20 đâu có chịu nổi không gian vắng lặng ngựa xe lẫn bóng hồng, mà sâu xa hơn, là tương lai mờ mịt.

Với anh, mãi tới bây giờ, anh nói, “chắc cái số tôi luôn một mình ở rừng, mà ác nhơn, tôi lại mê trồng cây nên bị triệt buộc! Đâu chừng hơn 10 năm, bẵng đi được mấy năm ở đồng bằng, lại tót lên vùng núi phía tây của tỉnh, cũng làm cái việc như chỗ cũ, nhàm thiệt”.

Lại một mình ở rừng. Người ta lập làng, mình sống với mấy chục người, nhưng ở vị trí quản lý. Mình và họ là cộng sinh, nhưng có khoảng cách, ở chỗ mình chịu trách nhiệm coi sóc, theo dõi, hướng dẫn họ làm ăn sinh sống.

Nghĩ buồn cười, thiên hạ lên sao Kim sao Hỏa thuở mô tê, định đưa dân lên đó sống, còn mình ở đây lại đi hướng dẫn người ta trồng trọt, chăn nuôi rồi làm quen với bán buôn.

“Rừng núi mênh mông, ông nghĩ mà coi, 600ha đất rừng, một mình tôi đi đo đạc, cắm mốc, bản đồ vẽ bao nhiêu khung, ô, mảnh, tôi phải làm bấy nhiêu. Xong, kêu họ tới, đây là đất của anh chị, trọn quyền sử dụng.

Nhưng, đâu phải vậy là xong, tôi nhóm họp họ lại, mùa này ta bắt đầu trồng cây này. Cách thức trồng như sau, abc chi đó, nhưng lời nói gió bay, phải đưa họ tới thực địa, làm mẫu, đâu phải một lần một nhà mà nhiều hơn nữa, họ mới nhớ. Thần thông nhờ bộ hạ, tôi phải kiếm thêm hai người ở trong số đó, dạy họ kỹ năng để họ phụ giúp mình” - anh nói.

“Khu vui chơi” ngoài trời của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam (Nam Trà My). Ảnh: T.V
“Khu vui chơi” ngoài trời của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam (Nam Trà My). Ảnh: T.V

Trồng, chăm sóc, thu hoạch, mọi thứ có sách vở, quy trình hẳn hoi, nhưng mình nhớ mà họ không thèm nhớ không thèm biết, nên mùa đầu tiên chỗ trúng chỗ trật. Lại họp, lôi ra, bắt lỗi, vì sao thắng - thua? Do anh làm ẩu làm càn. Ở đời, gà tức nhau tiếng gáy, con vợ nói tại răng hàng xóm chuối cam họ ngon lành mà nhà mình tệ rứa? Thằng chồng tức mình, sang năm rồi biết…

Gà, heo, vườn tược nở ra, vụt lớn lên. Ngắt một màu xanh có ô có khoảnh, ai lên đó bữa đầu tiên thấy mênh mông chi địa núi đồi cây cỏ ngổn ngang, giờ mà quay lại, không kìm nổi tiếng thốt ngỡ ngàng. Anh lại kiệm lời, rằng cái được nhất là họ biết làm, chẳng cần cầm tay chỉ việc nữa.

Khi mọi thứ đã hòm hòm ổn, thì người ta hay ngồi tổng kết. Anh nói: “Tôi gần 10 năm ở đây, sáng thứ Hai lên, chiều thứ Sáu về, ở một mình, cơm nấu trưa thì có luôn phần tối, chứ không nấu sáng, mệt lắm.

Hẳn ai đó nghĩ tôi mang tiếng quản lý, nhưng là anh lính quèn, đâu có ngồi chỉ tay năm ngón, hai người phụ tôi, nói thiệt họ ớn vì tôi làm như họ, cũng dãi nắng dầm mưa, cứ đúng giờ là đi làm, kế hoạch có cả, vườn nào cây ở hàng thứ mấy bị gãy, mất trái, có dấu hiệu thiếu nước, tôi biết hết, nên họ có… cà lăm cũng không được.

Vợ con ở xa, đêm nào cũng một mình, nghĩ thôi thì ráng làm vài năm nữa là về. Làm, vì trách nhiệm, nghĩ công sức mình bỏ ra, tâm huyết dồn hết, đâu có đi ngang về tắt được”.

Ừ, thì về, ai rồi cũng tới dốc cuộc đời. Nhưng tôi hỏi anh: “Ai thay anh quản cái cơ ngơi này?”. “Ôi, cấp trên họ lo, mình biết đâu”. “Nhưng anh có “đệ tử” chưa?”. “Chưa và khó lắm, ăn chi mấy đồng lương mà gánh trách nhiệm như núi. Nhưng kệ, có cấp trên, biết đâu mà nói” – anh nói.

“Biết đâu…”, anh nói rồi bỏ lửng. Nào có dễ buông một lời như thế. Nó như tình yêu say đắm đang lung linh, có sét đánh mới buông tay, nhưng tới giờ nó đánh thì phải bứt lìa. Xót quá. Một đoạn đời gắn với nó, ôi trời, như máu thịt chung tình…

2. “Thôi, chắc em phải về xuôi, có đứa con đang học lớp 7 ở phố. Vợ chồng ở núi, con gửi người thân, dẫu có cật ruột đi nữa, cũng không bằng cha mẹ. Tuổi đang lớn, xã hội chừ kinh quá, mình không bám sát, mất con, thì bao năm làm việc, hy sinh, kỳ vọng, trôi ra biển, chết buồn không nhắm mắt” - anh nói.

Ừ, thì về. Hai mươi hai năm làm nghề giáo thì 3 nhiệm kỳ anh đã là hiệu trưởng. Hết xã này đến xã kia, đi tới đâu ngon lành tới đó, trường, lớp, giáo viên, học trò rồi lan qua cả phụ huynh, hễ nhắc tên là họ gật gù, rằng hiếm hoi có ông thầy như rứa.

Biển báo giao thông ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam (Nam Trà My). Ảnh: T.V
Biển báo giao thông ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam (Nam Trà My). Ảnh: T.V

“Em về chứ, mỗi đêm, nhìn qua camera, thấy đứa con nằm ngủ một mình nơi xa, ứa nước mắt. Em đi dạy, giúp đỡ, nâng bước, dạy dỗ cho bao đứa khó nghèo, thất học đổi đời, mà con em vậy, chịu đâu được.

Vợ em thỉnh thoảng khóc. Thì do mình muốn con ra biển lớn, nói thiệt, nó giỏi, tư duy khác biệt, em không thể để nó ở chốn heo hút này, bởi vậy sẽ có lỗi với con. Đi xa thì chấp nhận. Xót xa lắm, đang nhỏ xíu chứ phải cấp 3, đại học chi. Nó làm em nghĩ, thôi em xuống núi, cống hiến vậy được rồi, xin về thành phố, làm cái chân nhà giáo bình thường để chăm sóc con. Nhưng mà…”.

Đấy, vĩ thanh của những nỗi niềm lưng chừng dốc, là dùng dằng khốn khổ bỏ thì thương vương thì nợ, là mắc cạn day dứt, là cánh diều loạng choạng thấp cao, là nét vẽ vấn vương, là dư ba lằng nhằng bổng trầm ngọt đắng.

Tôi biết anh giáo viên này, ở chốn núi này, không phải sáng vác ô đi tối vác về, mà là một tay ngoại hạng, bởi thường làm điều… kỳ quặc, khi xong rồi, thiên hạ từ chỗ la ó ghét bỏ, đến cúi đầu thán phục là sao ông đi trước, biết trước được hay rứa?

Làm trường chuẩn, anh cho học sinh các lớp ở điểm lẻ cũng được tụ về học tập trung nội trú, bởi quan điểm: học nội trú sẽ được ăn no, chứ không no bụng sao nhét chữ vô đầu nổi?

“Các phụ huynh nhớ cho, tôi đưa các em về học hết, thay vì học 1 buổi ở nóc, ăn cơm nhà, thì nay nó học ở trường, ăn cơm trường nấu, thì phụ huynh cử cho tôi mỗi tuần 10 người lên phụ nấu ăn, giặt giũ, coi ngó các em, chỗ ăn ở phụ huynh, yên tâm, miễn phí, đồng ý không?”. Được lời như cởi tấm lòng, mừng quá trời.

Rồi: “Thưa các anh lãnh đạo địa phương, giáo viên trường tôi không làm cái việc vận động học trò ra lớp. Trách nhiệm này của hệ thống chính trị địa phương, giáo viên chỉ đi dạy, không làm thay”; “Thưa, các anh than phiền cứ làm thay bà con việc sản xuất, chăm sóc sức khỏe, mà ngay chính các anh cũng bắt chúng tôi làm thay là sao? Học sinh không đủ, là lỗi chủ tịch, bí thư”.

“Vậy, có được không?” – tôi hỏi. “Sao không được anh, em nói đâu có sai nghị quyết. Rồi, học sinh vùng cao đâu có bể bơi, em vận động tài trợ làm bể, dạy bơi, lỡ có qua suối trượt chân cũng không chết oan uổng.

Trên núi xa mù ni, làm chi biết luật giao thông, nói khơi khơi tuyên truyền mình không nhớ nói chi học trò. Em phải chạy xin tiền, về dựng biển báo, đèn đỏ đèn xanh cho học trực quan. Em nói anh biết, em là người đầu tiên làm được thư viện trường cấp 1 - 2 ở huyện này… Rồi làm nhà vệ sinh thân thiện, rất sạch sẽ ở trường, rồi làm sân bóng nhân tạo cho học sinh chơi”.

Tôi biết anh kể mà giọng bức xúc tha thiết buồn. Buồn vì có quá nhiều đường chắn đá ghè trên đường anh đi, nhưng đổi lại, học trò anh lắm đứa học ra trò. Lại nữa: “Em không tán thành quan điểm học sinh miền núi không ham học, anh cho ăn đủ ba bữa ngon lành, sách vở đủ đầy, dại chi nó không học. Mà cái vụ sách vở, Nhà nước cấp thông qua tiền cho phụ huynh mua, em họp phụ huynh nói thẳng, là tiền sách vở của con đó, ai đem uống rượu, con không có.

*
*           *

Tôi la cà ở núi không ít. Giờ ngồi chép lại những vụn vặt sổ tay mới nhặt được, sao trĩu trong lòng kinh khủng. Có rất nhiều người như hai người trên, họ nặng lòng với nơi khó, lại phân vân với chuyện cá nhân mình.

Một khoảng trống mênh mông, khoảng trống đích thực, cần người đích thực để đáng mặt điền vào đó, không dễ, bởi ngoài tấm lòng, đức hy sinh, còn có tài năng và bản lĩnh. Chuyện lưng chừng của những ước mơ, toan tính, làm nên những gương mặt khó lẫn ở đời, mà tên gọi của nó, là nỗi buồn trong vắt…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên lưng chừng dốc núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO