Trên mảnh đất anh hùng

HOÀNG LIÊN 06/08/2019 11:09

Tháng 8 về, ký ức của những ngày khói lửa hào hùng một thời để ngọn cờ cách mạng dệt thắm vùng quê Đại Lộc ùa về, mà mốc son là Chiến thắng Thượng Đức ngày 7.8.1974. Nơi đồi 1062, thế hệ hôm nay vẫn miệt mài mở đường tiếp cận các cứ điểm nhằm khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ - những cuộc tìm kiếm có thời điểm tưởng như rơi vào vô vọng...

Làng quê nông thôn Đại Lãnh. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Làng quê nông thôn Đại Lãnh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

“Mắt ngọc của đầu rồng”

Con đường về vùng A Đại Lộc hôm nay, diện mạo các làng quê đã chuyển mình mạnh mẽ, đầy sức sống. Trên đất này, ít ai hình dung được những tàn khốc của chiến tranh với những “vành đai trắng”, những đồn bốt, hầm hào quân sự, những khu dồn, những tháng ngày pháo kích, đạn bom giày xéo từng tấc đất quê hương.

Theo dòng lịch sử, Chi khu quận lỵ Thượng Đức là căn cứ “bất khả xâm phạm” do địch dựng lên để kiểm soát chiến trường, kiểm soát từng ngôi làng, nóc nhà; tăng cường đánh phá phong trào cách mạng ở các xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Đồng và vùng Hiên, Giằng. Chi khu quận lỵ Thượng Đức đóng tại Cấm Thị (thuộc thôn Hà Tân, xã Lộc Bình - nay là xã Đại Lãnh).

Lực lượng địch tại Thượng Đức gồm có 17 trung đội dân vệ và hơn 1.000 phòng vệ dân sự, cùng với bộ máy ngụy quân từ quận xuống xã, tổng cộng 1.000 tên do Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng chỉ huy. Địch trang bị vũ khí, hỏa lực hiện đại cho bộ binh từ AR15 tới đại liên, 10 đại bác, hai khẩu 105 ly… Ngoài ra, chúng còn có thể gọi máy bay từ Núi Lở, Đức Dục, Bồ Bồ và Đà Nẵng yểm trợ. Với tiềm lực vững mạnh đó, Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng đã hùng hồn tuyên bố: “Nếu cộng sản lấy được Thượng Đức thì nước sông Vu Gia chảy ngược”… Thời gian này, địch còn tăng cường bắt bớ, đàn áp, càn quét, lùa dân vào khu dồn, lập “vành đai trắng”, ráo riết bắt lính, đôn quân, lập các chốt quân sự kiểm soát chặt chẽ các tuyến trọng điểm.

Lực lượng quân sự khảo sát trên đỉnh 1062.
Lực lượng quân sự khảo sát trên đỉnh 1062.

Đời sống nhân dân ở vùng A Đại Lộc lúc bấy giờ vô cùng gian khổ; phong trào cách mạng chịu những tổn thất nặng nề. Việc địch tăng cường phòng vệ, kiểm soát, bắt bớ, đàn áp, trang bị vũ khí hiện đại, tối tân, huy động lực lượng tinh nhuệ, nâng cao sức chiến đấu ở Thượng Đức cũng đã cho thấy rõ được tầm quan trọng và vị trí chiến lược của Thượng Đức mà chúng từng ví von là “mắt ngọc của đầu rồng”.

Chiến công hiển hách

Về phía ta, xác định Chi khu Thượng Đức là một trong bốn khu vực tác chiến của bộ đội chủ lực trong hoạt động mùa Thu 1974. Ban chỉ huy Mặt trận Thượng Đức được thành lập gồm các đồng chí Phạm Đức Nam - Phó Bí thư Đặc khu ủy, Nguyễn Bá Thước - Chỉ huy phó Mặt trận 4 và Phan Thanh Thủ - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Sư đoàn 304, Tiểu đoàn 1 anh hùng (R20), Tiểu đoàn 10 Bộ binh tỉnh, lực lượng du kích các xã. Ngày 29.7, Sư đoàn 304 đã cùng các lực lượng vũ trang tỉnh nổ súng tiến công Thượng Đức. Sau 10 ngày chiến đấu anh dũng, bằng một đợt tổng công kích ngày 7.8, quân ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu; bọn địch ở đây lớp chết, lớp đầu hàng; bọn ngoan cố, ác ôn sống sót tháo chạy đã sa vào thế trận phục kích của Tiểu đoàn 10 Bộ binh Quảng Đà. Lực lượng huyện, xã cũng đã tiêu diệt, bắt sống 205 tên. Riêng Nguyễn Quốc Hùng và tên trưởng chi cảnh sát đã tự sát.

Sau khi chiếm Thượng Đức, Sư đoàn 304 và các lực lượng vũ trang địa phương đã triển khai thế trận phòng ngự, chốt giữ vững chắc chống địch tái chiếm Thượng Đức. Địch mất gần 2 tháng phản công tái chiếm Thượng Đức, song không có kết quả, lại bị ta đánh thiệt hại nặng, loại ra khỏi vòng chiến 3.000 tên. Chúng phải điều thêm Lữ đoàn dù số 2 từ Huế vào. Ngày 10.10, địch tập trung không quân, pháo binh đánh chiếm quyết liệt cứ điểm 1062 và các đồi xung quanh, làm bàn đạp tái chiếm Thượng Đức nhưng cuối cùng thất bại nặng nề.

Chiến thắng Thượng Đức và các trận đánh đồi 1062 là những chiến công hiển hách của quân dân Đại Lộc và cả nước. Song, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cũng đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường Thượng Đức và nơi điểm cao 700, đồi 1062...

Nỗi lòng người còn sống

Giữa những ngày kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7), kỷ niệm Chiến thắng Thượng Đức (7.8), nơi các nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Lãnh, Đại Đồng, Đại Sơn, Đại Hồng, dòng người dâng hương tưởng niệm đến từ khắp mọi miền. Dịp này, các nghĩa trang liệt sĩ vùng A tiếp tục đợt trùng tu, nâng cấp. Ở các nghĩa trang vùng A này, có hàng nghìn liệt sĩ đã được quy tập, và số ngôi mộ với dòng chữ “chưa xác định” cũng dài dằng dặc. Phần lớn liệt sĩ thuộc Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) từ miền Bắc vào, nhiều người ở độ tuổi mười tám, đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất đời người. Những nấm mồ hoang xương lạnh của đồng chí, đồng đội còn nằm lại đâu đó nơi bìa rừng, khe suối hay bị vùi lấp sâu bởi bom tạc, pháo đổ là nỗi canh cánh trong lòng người còn sống, trong lòng những người lính già trở lại chiến trường xưa.

Cứ mỗi dịp lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ, kỷ niệm Chiến thắng Thượng Đức, Trung tướng Phạm Xuân Thệ -  nguyên Tư lệnh Quân khu I (từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư 304 trong trận đánh Thượng Đức) cùng những người đồng đội thân thương trở lại Thượng Đức. Những trăn trở trước sự hy sinh, mất mát của đồng đội vẫn hằn sâu trong ký ức của người chỉ huy năm xưa. Ông và đồng đội đã đứng ra vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức tại Đại Lãnh. Giữa những ngày này, đoàn công tác do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đại Lộc, cùng chính quyền huyện Đại Lộc, xã Đại Đồng tham gia mở đường từ điểm 700 lên đỉnh 1062 tạo đà cho những cuộc khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Điều này đúng với mong muốn của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, bởi ông có ước nguyện cùng với những người đang sống tiếp cận đỉnh đồi 1062, đưa bằng được hài cốt đồng chí, đồng đội thân thương về với đất mẹ, về với người thân, nằm ấm cúng nơi các nghĩa trang liệt sĩ. Dẫu có gian khổ tới mấy, tốn kém tới mấy thì những cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 304, 324 vẫn chưa dừng lại, dù những tia hy vọng cũng mong manh...

Tiếp lửa truyền thống

Từ ngày 27.7 đến 7.8 hằng năm, khi làng quê Đại Lãnh rợp cờ hoa kỷ niệm Chiến thắng Thượng Đức, căn nhà nhỏ bên sông Vu Gia của ông Nguyễn Trung Chính - nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Đại Lộc lại rộn ràng bởi nhiều đồng đội cũ tìm tới thăm, hàn huyên tâm sự. “Cũng đã 45 năm ròng, thành lệ rồi. Cứ gặp nhau là những cuộc chuyện trò, hàn huyên không dứt. Chúng tôi vẫn giữ chất lính mộc mạc. Đồng đội bao người nằm xuống, bao người đã ra đi bởi bệnh tật, tuổi già. Những mất mát kể làm sao hết nên mỗi cử chỉ tri ân người nằm xuống là nghĩa cử đẹp mà đời nay, đời sau phải làm” - ông Chính tâm sự. Trong trận Thượng Đức, ông Nguyễn Trung Chính giữ vai trò Chính trị viên Huyện đội Đại Lộc. Và nay, dù đã ở tuổi 85, ông vẫn sẵn sàng lên đường tìm kiếm hài cốt đồng đội khi có người thân liệt sĩ yêu cầu hỗ trợ, hoặc chỉ cần có một chút manh mối về liệt sĩ mà người dân cung cấp. Ông kể: “Chỗ tượng đài Chiến thắng Thượng Đức (cũ) do huyện Đại Lộc xây dựng và khu vực nhà tôi đang ở, 45 năm trước, nguyên một đại đội thuộc Sư đoàn 304 hy sinh. Trận đó, chỉ còn sót ông Nguyễn Như là cán bộ đại đội. Mỗi năm, tôi lấy ngày 27.7 là ngày giỗ của em trai tôi hy sinh trong một trận đánh, cũng là ngày giỗ chung những đồng đội nơi “chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh” ngày ấy là vậy”.

Tháng 8, Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức có nhiều dòng người về thăm chiến trường. Hiện, khu tưởng niệm đã hoàn thành giai đoạn 1 với hạng mục chính là tượng đài sừng sững, uy nghiêm trên đồi cao. Song, vẫn còn một số hạng mục của giai đoạn 2 chưa được hoàn thiện, như tôn tạo, trùng tu quần thể cảnh quan, hầm ngầm, địa đạo, công sự, nhà trưng bày hiện vật, chứng tích chiến tranh để nơi đây thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” với hành trình “Về nguồn”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên mảnh đất anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO