Trên mảnh đất anh hùng

Phương Giang -  Hàn Giang 28/08/2013 07:57

Rừng nuôi dưỡng, chở che cho bản làng, rồi cũng từ rừng, những người con của làng vùng lên diệt giặc. Từ mảnh đất khó nghèo giữa lòng đại ngàn Trường Sơn trong kháng chiến, những chiến công hiển hách đã được các thế hệ du kích xã Dang ngày trước viết nên, tô thắm trang sử của một vùng quê anh hùng...

  • Xã Dang - diện mạo mới
Xã Dang hôm nay. Ảnh: HÀN PHƯƠNG
Xã Dang hôm nay. Ảnh: HÀN PHƯƠNG

Ch’pơơ diệt giặc

Trong trí nhớ của già Hôih Dơi (khu tái định cư Pà Đúh), những tháng ngày luồn rừng đánh giặc vẫn còn vang vọng đầy tự hào đến hôm nay. Bên bếp lửa giữa gươl, chiến công của những người con đi ra từ bản làng vùng Axul (tức xã Dang bây giờ - PV) như già Dơi vẫn ngân nga trong từng câu chuyện kể cho thế hệ cháu con. Từ cánh nỏ, từ những mũi tên tẩm độc ch’pơơ, già Dơi cùng nhiều đồng đội đã làm nên những trận đánh oai hùng, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù giữa đại ngàn hùng vĩ. Ngày ấy, để đánh giặc, già Dơi cùng bà con trong bản phải vượt hàng chục cây số đường rừng đến Pơr’ning (xã Lăng) để nhận từng mũi tên tẩm độc ch’pơơ mang về cất giấu. “Chỉ ở Pơr’ning mới làm được và làm nhiều tên ch’pơơ để bà con đánh giặc. Phải đi nhiều ngày, có khi cả tuần mới mang được tên về làng, nên mỗi mũi tên phải quyết tâm diệt được một tên địch, để đòi lại bình yên cho dân làng, đòi lại tự do cho quê hương” - già Dơi nói.

Già Dơi còn nhớ, 2 đồn giặc của Mỹ ngụy được thành lập tại Kà Xál và Ra Ráh, ngay trên đỉnh đồi với chằng chịt dây thép gai. Đó là năm 1958, dân làng không chỉ bị bắt đi làm tay sai, nhà cửa còn bị đốt phá, gạo thóc bị cướp. Không chịu đàn áp, dân làng vùng lên. Buổi đầu đánh giặc, người vùng Axul chỉ có những vũ khí thô sơ như cung, nỏ, giáo mác, chông, bẫy thò... Mỗi tiểu đội du kích được thành lập cũng chỉ có nhiều nhất 2 khẩu súng, đạn dược lại rất hiếm. Và những du kích sẵn sàng tấn công mọi lúc, mọi hướng với những mũi tên tẩm ch’pơơ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với lính Mỹ ngụy. Dựa vào rừng, vào sự chở che của dân bản, cũng ngay trong năm 1958, du kích Axul quyết định đánh đồn địch và đã có một chiến thắng oai hùng, tiêu diệt 10 tên địch, thu được 4 khẩu súng ngay tại đồi Kà Xál. Phát huy thắng lợi vừa giành được, cuối năm 1958, du kích lại tổ chức đánh địch ở suối Asul, thôn Ađưl, tiêu diệt 12 tên địch. Trong những chiến công đó, phải kể đến những người như già Dơi, già Bnướch Bớt, anh hùng Zơrâm Nứt (Đinh Nưới)... Bằng sự mưu trí, bằng tình yêu bản làng, những du kích của Axưl đã làm nên nhiều chiến thắng oai hùng, viết nên bản anh hùng ca giữa lòng Trường Sơn huyền thoại...

Người “chép sử” làng

Không trực tiếp tham gia những trận đầu diệt Mỹ ngụy trên quê hương Axul, nhưng già làng Bnướch Bê (khu dân cư Pà Đúh) là một trong những người đi tiên phong trong việc gặp lại những chứng nhân lịch sử của quá trình tranh đấu, đánh giặc và thắng giặc của xã. Trong nhiều năm liền, già Bê cất công tìm gặp những cựu binh ngày xưa như già Dơi, già Bớt, anh hùng Nứt để ghi lại ký ức về những trận đánh. “Những người tham gia chiến đấu, đánh giặc đều đã cao tuổi, người còn, người mất. Tôi là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã, nên muốn ghi chép lại để gìn giữ cho con cháu trong làng, để thế hệ sau ghi nhớ công lao của cha ông” - già Bê chia sẻ.

Qua hai cuộc kháng chiến, quân và dân xã Dang đã được trao tặng hàng trăm Huân, Huy chương Kháng chiến các hạng, nhiều Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ bắn máy bay, Kiện tướng gùi thồ... Xã Dang cũng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 15 Huân, Huy chương Kháng chiến các loại, 5 Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ)...

Trong những trận đánh mà già Bê ghi chép được, có trận tiêu diệt đồn Kà Xál giữa năm 1962 - một trong những chiến công lớn nhất của quân và dân xã Axul. Sau nhiều ngày phục kích, trung đội dân quân xã đã quyết định tiến công đồn, dùng bộc phá và súng trường đánh úp, tiêu diệt gọn 83 tên địch, thu nhiều súng và đạn dược. Đến năm 1964, một lần nữa du kích xã tổ chức đánh đồn Raráh, tiêu diệt 60 tên địch, phá hủy toàn bộ kho vũ khí của địch tại đồn. Trong trận này, bằng súng trường, du kích Axul đã bắn hạ 2 máy bay địch khi chúng tiếp viện cho đồn Raráh. “Nghe lại lời kể của những người anh, người chú về các trận đánh tiêu diệt Mỹ ngụy, đặc biệt là 2 trận đánh đồn Kà Xál và đồn Raráh, tôi vừa xúc động, vừa tự hào về vùng đất, quê hương của mình, nơi sản sinh ra những người con Cơ Tu anh hùng. Đây cũng chính là những nguồn tư liệu quý cho địa phương, cho huyện lưu giữ, bảo tồn và giáo dục thế hệ con cháu” - già làng Bnướch Bê cho biết.

Không chỉ chiến đấu và chiến thắng Mỹ ngụy, trong những năm kháng chiến, dân và quân xã Dang đã đóng góp hơn 20 tấn gạo, hơn 5.000 gùi sắn, hàng trăm trâu, bò và nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến, nuôi dưỡng bộ đội, thanh niên xung phong... Toàn xã, có hơn 200 người tham gia cách mạng, huy động hơn 500 dân công thường xuyên tham gia khiêng thương, tải đạn, phục vụ các chiến dịch. Những trang sử ấy, đã được già làng Bnướch Bê sưu tầm, tổng hợp, đóng góp tư liệu cho lịch sử tranh đấu cách mạng của Tây Giang nói chung, xã Dang nói riêng...

Và nay, bản làng Axưl ngày ấy vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu được viết nên bởi những người con anh hùng của xã anh hùng...

Phương Giang -  Hàn Giang

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên mảnh đất anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO