Trên mảnh đất đi đầu diệt Mỹ - Bài 1: Những cuộc tập dượt

DUY HIỂN 30/01/2018 08:58

Trong ký ức của lớp người từng tham gia cuộc đấu tranh chính trị vào quận lỵ Lý Tín trong mùa xuân Mậu Thân 1968, không khí hào hùng, “chân trần chí thép” của ngày ấy vẫn còn sôi sục.

BÀI 1: NHỮNG CUỘC TẬP DƯỢT

“Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân viễn chinh vào miền Nam tham chiến. Ngày 7.5.1965, lính thủy đánh bộ Mỹ, xe tăng, pháo binh và không quân đổ bộ lên bãi biển Kỳ Liên, Kỳ Hà, cuộc chiến đấu của quân và dân huyện Nam Tam Kỳ (Núi Thành ngày nay) bước vào một thời kỳ mới, gay go và quyết liệt. Cùng với việc khẩn trương xây dựng khu căn cứ liên hợp Chu Lai, Mỹ đổ quân đóng các chốt điểm tại các xã Kỳ Liên (Tam Nghĩa), Kỳ Hòa (Tam Hải), Kỳ Xuân (Tam Giang), Kỳ Khương (Tam Hiệp), Kỳ Sanh (Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây)… để tạo vành đai bảo vệ căn cứ. Quân Mỹ dùng bom pháo ngày đêm bắn phá Kỳ Trà, Kỳ Thạnh… nhằm tạo vành đai trắng bảo vệ Chu Lai từ xa.

Ngay sau khi Mỹ đổ quân vào Chu Lai, Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo xây dựng vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai; hình thành thế trận chiến tranh nhân dân bao gồm cả lực lượng quân sự, chính trị, các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để diệt giặc, cứu nước. Phong trào thi đua đánh Mỹ dấy lên sôi nổi khắp nơi. Đại đội Hải Đăng của huyện Nam Tam Kỳ, Tiểu đoàn Đặc công 409 của Quân khu 5 được điều về tác chiến quanh vành đai diệt Mỹ Chu Lai. Đặc biệt, đơn vị đặc công 409 với lối luồn sâu đánh hiểm đã tiến công sân bay Chu Lai, sân bay dã chiến Kỳ Hòa gây cho quân Mỹ nhiều thiệt hại nặng nề. Lực lượng đặc công nước với sự giúp đỡ của nhân dân đã nhiều lần đột nhập vào cảng Kỳ Hà đánh chìm tàu vận tải Mỹ, trong đó có 2 tàu trọng tải 10 nghìn tấn. Du kích các xã Kỳ Khương, Kỳ Sanh, Kỳ Xuân, Kỳ Thạnh… sau những lần “thử lửa” với quân Mỹ đã trở nên dày dạn, dùng lối đánh phục kích gài mìn khiến cuộc càn quét nào lính Mỹ cũng bị thương vong.

Bị bủa vây trong thế trận “thiên la địa võng”, sinh lực bị tiêu hao, quân Mỹ ở Chu Lai càng tức tối, lồng lộn đánh phá. Ở các xã vùng sông nước như Kỳ Hòa, Kỳ Xuân, Kỳ Vinh (Tam Hòa), ban đêm địch giới nghiêm, cấm đi giăng câu, thả lưới, đi rớ hoặc đi biển nên người dân làm ăn rất khó khăn.

Để hạn chế sự đánh phá của địch, Huyện ủy Nam Tam Kỳ chỉ đạo các xã đẩy mạnh đấu tranh chính trị, trước hết là đấu tranh giành các quyền dân sinh, chống bắn phá xóm làng, cho ngư dân làm ăn sinh sống. Bà Nguyễn Thị Mãi, cán bộ lão thành xã Tam Mỹ Tây kể: “Kỳ Sanh hồi đó vì là vùng giáp ranh căn cứ của ta nên ác liệt lắm. Xe tăng, thiết giáp của Mỹ thường xuyên lên càn quét, có lúc đến 15 - 20 chiếc. Ruộng vườn bị xe chà nát hết. Huyện điều các chị Nguyễn Thị Phú, Hồ Thị Kim Thanh về hướng dẫn bà con cách đấu tranh cản xe, kéo lên đồn khiếu nại việc pháo bắn vào làng. Đấu tranh vài bận rồi người dân cũng dày dạn lên”. Lực lượng đấu tranh chính trị ở Nam Tam Kỳ được tổ chức chặt chẽ, phân công đảng viên trực tiếp lãnh đạo. Các mẹ, các chị khéo léo nhờ phiên dịch để thông qua đó tuyên truyền vận động quân Mỹ không nên bắn phá bừa bãi, gây thương vong dân lành. Cách thuyết phục có lý có tình này đã thu được kết quả ban đầu. Nhiều tấm gương rất dũng cảm, điển hình như mẹ Thiện ở xóm Bảo Lạc, thôn 4, khi quân Mỹ càn lên, mẹ đã vác cuốc đứng chặn đầu xe, đấu tranh không cho chúng băng đồng càn lên thôn 8, cuối cùng quân Mỹ  phải rút lui.

Phát huy kết quả binh địch vận, Chi ủy Kỳ Sanh tổ chức cho một số thân hào như các ông Võ Ấm, Nguyễn Kỉnh, ông Thanh và những người có chồng con đi lính cho địch kéo lên đồn 76, đồn CC đấu tranh phản đối việc bắn pháo bừa bãi xuống làng xóm. Có người còn mang theo thúng mủng đựng mảnh bom pháo để làm bằng chứng. Đây là những thành phần dễ đấu lý với quân địch mà chúng không dễ đàn áp. Lực lượng đấu tranh chính trị xã Kỳ Sanh còn tổ chức khiêng thi thể những người dân bị chết vì bom đạn của địch đi đấu tranh khiến chúng phải nhượng bộ, giảm hẳn việc bắn pháo bừa bãi vào làng. Theo sự chỉ đạo của huyện, đội quân tóc dài của xã Kỳ Sanh còn theo đường núi sang phối hợp với phụ nữ các xã Kỳ Thạnh, Kỳ Trà kéo xuống tận sân bay Kỳ Nghĩa thuộc xã Tam Ngọc (thuộc TP.Tam Kỳ hiện nay) đấu tranh phản đối Mỹ ngụy dùng máy bay bắn phá bừa bãi.

Đối với xã Kỳ Xuân (Tam Giang), là một ốc đảo giữa bốn bề sông nước nên ta có điều kiện xây dựng phong trào. Tháng 10.1964, Kỳ Xuân đồng khởi thắng lợi và trở thành “căn cứ lõm” lợi hại của ta. Chính vì vậy, sau khi đổ quân vào Chu Lai, quân Mỹ thường xuyên càn quét vùng này, sau đó đổ quân cắm chốt. Vài ba bữa lại thấy xe lội nước bơi từ hạm tàu vào hoặc vượt sông Trường Giang sang. Đặc biệt, địch ra lệnh giới nghiêm không cho đi lại, buộc ngư dân ban đêm đưa ghe thuyền tập trung tại những điểm quy định, có lính canh gác. Chúng sợ ban đêm dân mượn cớ đi đánh bắt cá tôm để tiếp tế cho cộng sản. Bà Phạm Thị Quy, hiện sống tại ngã tư Tam Giang, thị trấn Núi Thành, nguyên Phó Bí thư Chi đoàn hợp pháp của xã Kỳ Xuân kể: “Lệnh cấm này gây rất nhiều khó khăn cho bà con. Vì thế chúng tôi tìm cách tuyên truyền, rỉ tai từng người: mùa này giá thóc gạo cao quá, không đi rớ đi giã chi được, kiểu này bà con mình chết quá; thôi tui với chị cứ đi liều à. Một vài người đi, rồi người khác cũng đi”. Về chống xe đi càn, ông Châu Ngọc Huệ, nguyên Bí thư Chi bộ Đội công tác xã Kỳ Xuân thời kỳ này kể: “Chúng tôi chỉ đạo cho đảng viên hợp pháp đứng cánh ở các vùng vận động nhân dân mỗi khi thấy xe Mỹ xuất hiện là vác cào, cuốc ra đồng. Đảng viên, cán bộ hợp pháp trà trộn trong đó để lãnh đạo, khi chúng đến cách năm ba trăm mét là khoa tay múa chân la lối. Bà con thông qua tên phiên dịch đấu lý với địch: xe đi đâu chạy qua lối này, hư hết lúa dân lấy gì mà ăn?”. Với sự phản đối quyết liệt của người dân Kỳ Xuân, nhiều lần xe bọc thép Mỹ phải chạy ngược ra sông về lại căn cứ Chu Lai. Về chuyện đấu tranh với lính Mỹ, bà Quy cho biết thêm: “Chúng tôi được đưa lên núi để học tiếng Anh bồi, cũng võ vẽ được ít thôi, về dạy lại cho các nhóm, hễ lính Mỹ bảo vi xi (Việt Cộng), bà con nói lại: nô vi xi (không phải Việt Cộng). Ở thôn 2 quê tôi, ông Lanh, ông Tạc, bà Đốn, bà Mèo, chị Diêu… là những người hăng hái, dũng cảm nhất. Tháng 10.1966, họ đã dẫn đầu 200 người cản 15 chiếc bọc thép của Mỹ chà vào đồng lúa xóm Cây Gội thôn 2 khiến chúng phải thối lui”. “Nhân dân thấy chủ trương đấu tranh là thiết thực, bảo vệ trực tiếp đời sống cơm áo nên bà con tích cực tham gia. Đấu tranh riết rồi cũng trở nên dạn dày, không ngán địch nữa” - ông Huệ khẳng định.

_______
Bài 2: Sẵn sàng cho cuộc nổi dậy

DUY HIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên mảnh đất đi đầu diệt Mỹ - Bài 1: Những cuộc tập dượt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO