Trên mảnh đất "nhân tình thuần hậu"

KHÁNH LINH 11/11/2020 07:43

Khó có thể thống kê hoặc nhớ hết những công việc thiện nguyện mà các cá nhân, tổ chức, nhóm, hội từ thiện ở Hội An đã làm được thời gian qua, chỉ biết mỗi khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh là họ có mặt, lặng lẽ sẻ chia, động viên người dân vượt qua khó khăn.

Những suất quà của các nhóm thiện nguyện tại Hội An đã chuẩn bị sẵn sàng chuyển lên hỗ trợ bà con miền núi Quảng Nam. Ảnh: V.L
Những suất quà của các nhóm thiện nguyện tại Hội An đã chuẩn bị sẵn sàng chuyển lên hỗ trợ bà con miền núi Quảng Nam. Ảnh: V.L

Tối 11.11 này, chương trình âm nhạc gây quỹ hỗ trợ đồng bào Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi bão lũ sẽ được nhóm thiện nguyện Tươi Sáng phối hợp Trung tâm VH-TT và truyền thanh - truyền hình TP.Hội An cùng đội ngũ văn nghệ sĩ của thành phố tổ chức tại sân bóng rổ (đường Nguyễn Tường Tộ, TP.Hội An). Theo đại diện Ban tổ chức, đêm nhạc không bán vé mà chỉ đặt thùng quyên góp nhận sự ủng hộ tùy lòng hảo tâm của người xem. Số tiền thu được sẽ trao hỗ trợ người dân các huyện miền núi Quảng Nam bị ảnh hưởng trong các cơn bão lũ vừa qua.

Chương trình âm nhạc nói trên chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động mà các nhóm hội từ thiện ở Hội An đã tổ chức kể từ sau cơn bão số 9. Là mảnh đất “Nhân tình thuần hậu”, Hội An trở thành nơi hội tụ, gặp gỡ của sự sẻ chia. Dường như, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nơi đây cũng xuất hiện những tấm lòng thiện nguyện hướng về cộng đồng.

Trong cơn đại dịch Covid-19 vừa qua, những câu chuyện về cá nhân, doanh nghiệp đồng hành, sẻ chia cùng nhà nước và người dân như cung cấp chỗ ở du khách, phục vụ miễn phí ăn uống cho gười dân khu cách ly… đã trở thành hình ảnh đẹp. Đặc biệt, trong cơn bão số 9 vừa qua, hơn 30 cơ sở lưu trú từ homestay, villa du lịch đến khách sạn 4 sao đã mở cửa đón hàng nghìn lượt người dân vào trú tránh. Trong cơn bão số 9, hệ thống khách sạn Le Pavillon Hội An đã mở cửa đón hơn 200 người dân vào tránh trú.

Ông Đỗ Như Châu - Chủ tịch Tập đoàn Le Pavillon Hội An chia sẻ, việc mở cửa đón người dân trú ẩn, phòng tránh thiên tai là việc cần phải làm, bởi đó không chỉ là chữ “Tâm - Đức” trong hoạt động kinh doanh mà cũng là trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp.

Đến nay, phong trào thiện nguyện ở Hội An phát triển rất mạnh, nhiều nhóm đã kết nối và sẻ chia những món quà từ đồng bằng đến miền núi. Có thể kể đến các nhóm Ong Vàng, nhóm AD Tean,  nhóm Ban Mai, nhóm Chung tay Hội An, nhóm TN Ngôi nhà mơ ước, nhóm thiện nguyện Tươi sáng - Hội An, nhóm Chương Mc…

Trong 2 đợt dịch Covid-19 và bão lũ gần đây, những nhóm thiện nguyện ở Hội An đã âm thầm quyên góp, hỗ trợ nhiều phần quà ý nghĩa đến người dân, nhất là những gia đình gặp tang thương, mất mát. Họ không ngại hiểm nguy dịch bệnh, không ngại đường sá khó khăn, cách trở. Họ đến với bà con bằng trái tim sẻ chia khi là bao gạo, con cá, bó rau, lon sữa, có khi thêm phong bì vài trăm nghìn đồng. Mặc dù rất nhiều trong số các bạn thiện nguyện làm dịch vụ du lịch ở Hội An nay thất nghiệp vì dịch bệnh, kinh tế khó khăn nhưng không vì thế mà tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” bị thu hẹp lại. Ngược lại, càng lan tỏa rộng ra và nâng tầm cao hơn, chuyên nghiệp hơn.

Điều này thể hiện rõ trong 2 đợt bùng phát dịch Covid-19, khi những bữa ăn được các tình nguyện viên nấu nướng gửi vào khu cách ly. Đó là những chuyến xe tình nguyện lao vào tâm dịch, đưa - đón người đi cách ly, chở nhu yếu phẩm. Đó là những thùng khẩu trang được trao tận tay người dân, là màu áo xanh tình nguyện tham gia các chốt trực. Riêng trong cơn bão vừa qua, hàng trăm lượt người dân, thanh niên, du khách đã tự nguyện tham gia xúc đất, đẩy xe đất kè biển hoặc âm thầm ủng hộ nước uống, thức ăn nửa buổi...

Đặc biệt, sau cơn bão số 9 vừa qua, những lời kêu gọi quyên góp trên facebook, những món quà được ủng hộ, những chuyến xe đã băng trong mưa gió đến với bà con vùng lũ ở Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đại Lộc... Hội An, có những con người như thế. Dịch bệnh Covid-19, bão lũ rồi sẽ đi qua, nhưng tình người sẽ còn mãi.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, kể từ khi phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, chưa bao giờ Hội An bị nhiều mất mát thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra như năm nay. Nhưng dù đời sống, công việc bị đảo lộn, khó khăn, người dân vẫn “nhường cơm, sẻ áo”, hướng về cộng đồng với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, và chính điều đó đã làm thấm đẫm thêm văn hóa Hội An, vùng đất của “nhân tình thuần hậu”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên mảnh đất "nhân tình thuần hậu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO