(Xuân Nhâm Dần) - Một cuộc chuyển giao kỳ lạ, giữa những nghệ nhân - người mê vọc đất sét dọc các triền sông khiến bao người kỳ vọng. Rồi đây, người ta có quyền chờ mong về những lò gốm lại đỏ lửa ở vùng quê lụa Duy Xuyên.
Đó cũng là ý hướng để nghệ nhân làng gốm Bát Tràng - "vua men gốm" Trần Độ không ngại ngần nhận lời về một cuộc chuyển giao nghề nghiệp truyền thống. Vì người đàn ông này hiểu, những vỉa đất sét triền sông đủ làm mê say kẻ hậu thế. Và gốm sứ, mới thật sự là sản phẩm văn hóa truyền thống mang bản sắc của người Việt, đặc biệt với những cư dân sống dọc các lưu vực sông.
Người ta sẽ còn nhắc nhau về một làng nghề gốm sứ La Tháp - vốn dĩ đã trăm năm thành hình. Nằm cạnh Khu đền tháp Mỹ Sơn, các nghệ nhân ở đây đã kế thừa nghệ thuật nung và xây gạch tại quần thể tháp Chăm Mỹ Sơn để chế tạo nhiều sản phẩm gốm sứ bằng vật liệu tại khu ruộng ô vuông mà người Chăm vẫn từng làm trước đây.
Ông Nguyễn Quá - người vẫn bền bỉ từng ngày theo con đất của làng để làm ra những viên gạch giống với gạch Chăm của người xưa nhất, nói rằng, may mắn khi sinh ra ở vùng quê mệnh danh là “cái nôi” của gốm sứ. Từ nhỏ, người đàn ông này đã bị quyến rũ bởi đền tháp Chăm, những viên gạch, tượng đài. Lớn lên, giấc mơ ngày nhỏ lại đeo đuổi…
"Có giai đoạn, đa số người dân Duy Hòa, Duy Phước (Duy Xuyên) bỏ nghề làm gốm để kiếm kế sinh nhai khác vì gạch gốm không thể nuôi sống họ, nhưng tôi vẫn quyết bám trụ với nghề, mong muốn lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người Chăm đã để lại trên đất quê mình" - ông Nguyễn Quá nói.
Câu chuyện của gốm sứ La Tháp nằm trong mạch nguồn con đường gốm sứ mà rất nhiều nghiên cứu đã trở đi trở lại. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, đầu tiên, nhìn nhận về nghề gốm sứ thì Quảng Nam có nguyên liệu đất cao lanh (koalin). Đất sét này có màu trắng gọi là đất sét trắng, có ở vùng tây Duy Xuyên, tại làng La Tháp, làng nghề gốm sứ cũng được hình thành tại đây.
"Trong quá khứ nhiều người địa phương và ngoài tỉnh sử dụng sản phẩm từ các lò gốm này. Và chắc chắn là những đồ gia dụng có tráng men màu, bao gồm chén, bát, tô đĩa, đồ thờ cúng như lọ cắm hoa, thú thiêng, con vật trang trí đình chùa miếu... đều từ các lò gốm ở làng La Tháp" - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nhận định. Màu men gốm vẫn chủ yếu màu xanh cô-ban, hay còn gọi là men lam rất được ưa chuộng trong quá khứ.
Nhưng thời cuộc đã đẩy La Tháp vào miền ký ức sành sứ của quá vãng. May thay, trong số những câu chuyện của kẻ hậu thế muốn níu giữ danh xưng làng nghề, còn ông Nguyễn Quá - mà người ta hay gọi ông Quá Chăm. Nhưng sản phẩm người đàn ông này hướng đến, lại là gạch của đền tháp. Vì lớp men gốm không dễ gì làm lại được, nếu không phải là người nắm giữ những ngón nghề gia truyền.
Và một cuộc đi của người nghệ nhân xứ kinh kỳ đã mở ra hy vọng về lớp men mới cho gốm sứ La Tháp. Cũng là để cho làng nghề này có thể trở lại những chuỗi ngày vàng son. Nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng ngay khi được sự mở lời từ phía địa phương, đã không ngại ngần làm một chuyến đi dài ngày ở xứ Quảng. Từng công đoạn làm gốm men được nghệ nhân này truyền lại cho những đứa con của người làm nghề xưa.
"Chúng tôi mong sẽ lại thấy cảnh làng nhộn nhịp khắp ngả vì những sản phẩm gốm sứ từ chính tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho làng. Đó cũng là lý do để Duy Xuyên đi đến quyết định phục dựng làng nghề gốm sứ La Tháp" - ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên chia sẻ.
Một con đường dài với lộ trình được vạch ra khá chi tiết, từ việc khôi phục nghề truyền thống gốm sứ của làng, cho đến kết nối với di sản Mỹ Sơn cũng như nuôi mộng về một làng gốm phồn vinh... đang bắt đầu từ việc học lại cách làm men gốm...