Trên Quê hương Hải đội Hoàng Sa - Nặng lòng với tiền nhân

XUÂN KHÁNH 03/05/2015 09:56

(QNO) - Hải đội Hoàng Sa, sau này kiêm quản Trường Sa, là những người lính thủy binh từ hàng trăm năm trước đã dũng cảm ra đi khẳng định và giữ gìn biển đảo quê hương. Tháng Ba âm lịch, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) – nơi khởi nguồn của những chuyến đi hào hùng ấy, tràn ngập không khí tri ân: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. 

Kỳ 1: Nặng lòng với tiền nhân

Từ niềm đam mê, trải qua hàng chục năm trời cần mẫn, họ đã nặng lòng với tiền nhân lúc nào không hay. Họ chính là những người tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu những tư liệu về biển đảo, nhất là chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam.

Đó là ông Dương Quỳnh (90 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải) – người đầu tiên dịch sắc lệnh Hoàng Sa và Phạm Thoại Tuyền (65 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh) – hậu duệ của Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật.

Người dịch sắc lệnh Hoàng Sa đầu tiên

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhầm tưởng người đầu tiên dịch sắc lệnh Hoàng Sa của tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ (xã An Hải) là ông Võ Hiển Đạt. Nhưng thật ra, ông giáo Dương Quỳnh mới là người đầu tiên, thậm chí ông còn tiếp cận tờ lệnh trên trước ông Đạt những 10 năm, tức là vào năm 1999. Ông Quỳnh cho rằng việc mình phát hiện và dịch sắc lệnh Hoàng Sa là duyên số. Ông vốn là thầy giáo, khi nghỉ hưu, một lần vào Nam chơi ông gặp người học trò cũ của mình, nay đã xuất gia với pháp hiệu Thích Giải Thiện. Người này chính là em ruột của ông Đặng Lên – quyền trưởng tộc họ Đặng, đã gìn giữ rồi bàn giao sắc lệnh quý cho Nhà nước hồi năm 2009.

Hai thầy trò chia tay, ông Quỳnh về lại Lý Sơn. Ít lâu sau hòa thượng Thích Giải Thiện có đến nhà mời cụ Quỳnh sang chơi. Lúc này ông Đặng Tôn (anh trai ông Đặng Lên) còn sống, lại nghe em mình nói ông Quỳnh giỏi chữ Nho nên nhờ dịch các tông đồ của tộc. Vừa mới xem qua, cụ Quỳnh đã hỏi: Nhà ông có người đi Hoàng Sa à? “Ông Tôn vốn tính cẩn thận, nên ổng nhờ tôi phiên âm và cả dịch nghĩa để cho con cháu sau này nắm rõ. Vì nghĩ dịch “chơi” nên tôi cũng không ghi ngày tháng dịch, chỉ nhớ đó là năm 1999”- cụ Quỳnh nhớ lại.

Cựu giáo Dương Quỳnh – người đầu tiên dịch sắc lệnh Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Cựu giáo Dương Quỳnh – người đầu tiên dịch sắc lệnh Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Anh Đặng Tấn Thành, con trai ông Tôn, nay là Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn, cho biết: “Hôm nhận trọng trách của dòng tộc tôi có mang theo tờ photo bản dịch của cụ Quỳnh và giao tận tay cho anh Vũ (Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi), sau này nghe nói đây là bản dịch tốt nhất”. Còn ông Vũ cho hay, mặc dù có cùng một số nhà Hán học để dịch tờ lệch của họ Đặng nhưng cho đến bây giờ, bản dịch của cụ Quỳnh mới thật sự sát nghĩa nhất.

Thật ra, ông Quỳnh đã dịch hầu hết tông đồ, gia phả của 7 tộc họ trên đảo Lý Sơn, và tất cả những giấy tờ mà ông dịch, hầu hết đều có nói đến chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa – Trường Sa. “Nó được thể hiện rõ qua những bản khế như bán đất, sắm thuyền, mua lương thực cho trai tráng đi Hoàng Sa”- ông Quỳnh giải thích thêm. Nhưng rồi giọng ông chùng xuống, tôi có cảm giác ông đang mang một nỗi đau âm thầm.

Gặng hỏi mãi, ông mới chịu tâm sự. Rằng những lần dịch như thế, tuy phát hiện nhiều chi tiết quan trọng trong gia phả, tông đồ của các tộc họ nhưng những bản khế ước liên quan lại không còn. Duy chỉ có tộc họ Đặng là còn giữ lại sắc lệnh mà ông đã dịch.

“Những lần như thế, tôi với anh Trọng đau lắm, ấm ức lắm nên đã nhiều lần tìm cho ra lẽ nhưng tuổi già, thân cô nên cũng chưa có kết quả gì”, ông tâm sự. “Anh Trọng” mà ông Quỳnh vừa nhắc chính là PGS.TS Lê Trọng, nguyên là Viện trưởng Viện Quốc tế học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, cũng là một người con Lý Sơn nặng lòng với Hoàng Sa.

Lúc ấy, tầm 1979, có một số người tư xưng là nhà báo, cán bộ này nọ, đi cùng với người Trung Quốc để lùng mua, “mượn” những bản khế trên. Ông Quỳnh đã linh cảm có chuyện không hay về những bản khế trên nên khuyên các tộc họ gìn giữ cẩn thận, tiếc rằng chỉ còn mỗi tộc Đặng là bảo toàn được.

Những nỗi niềm ấy, ông chỉ được an ủi ít nhiều qua những cánh thư tay với người bạn thuở thiếu thời của mình là PGS.TS Lê Trọng đang ở tận Hà Nội. Đôi khi là những dòng động viên, những câu thơ viết ra rồi họa nhau…

Người sưu tầm tư liệu Hoàng Sa – Trường Sa

Ở Lý Sơn, ông Phạm Thoại Tuyền được xem là pho sử sống, bảo tàng sống về hệ thống tư liệu chứng cứ liên quan đến chủ quyền của nước ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Ông vốn là hậu duệ đời thứ 5 của Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, có lẽ vì vậy mà hơn hai phần ba cuộc đời mình, ông rong ruổi tìm kiếm, miệt mài dịch những tư liệu quý. Ông là một trong số ít người biết tường tận về Lý Sơn, về ngọn nguồn của đội Hùng binh Hoàng Sa.

22

 Ông Tuyền giới thiệu bức tượng bằng đồng Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật khi trẻ. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Dòng họ ông vốn nổi tiếng với những người lính, vị Cai đội thủy binh ưu tú, nên ngay còn lúc nhỏ, ông đã được thừa hưởng được sự chăm học và ý thức về chủ quyền đất nước. Hồi thanh niên, ông Tuyền vốn là người viết báo, ông tham gia viết những bài cho cách mạng, nhân tiện tìm hiểu thêm về tư liệu biển đảo. Sau năm 1975, thấy có nhiều người ra Lý Sơn chuyên đi lùng sục, lấy cắp những tư liệu quý về chủ quyền biển đảo, ông Tuyền đã xin hoặc mua lại những tư liệu quý này về cất giữ cẩn thận.

Hồi ấy vấn đề biển đảo chưa “nóng” và giấy tờ cũng chỉ là... tờ giấy mà thôi. Nên khi được mua giá cao, ai cũng bán. Ông Tuyền đành bỏ tiền ra để mua, nhiều người không bán vì nghĩ ông khùng, chỉ bán cho người ở đất liền. “Bỏ tiền mua cũng không được, tôi bèn chuyển sang thuyết phục họ, giải thích cho họ nghe cặn kẽ vốn quý của những tờ giấy đó, nhờ vậy mới mua được một ít”- ông Tuyền cho hay. Không những sưu tầm, ông còn dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu những tư liệu ấy. Khi vấn đề biển đảo “nóng” lên, nhiều nhà nghiên cứu ra đảo Lý Sơn đều tìm đến ông để nhờ ông tư vấn cũng như cung cấp những chứng cứ quan trọng. Chính vì vậy mà một số nhà nghiên cứu đã gọi ông với cái tên “ông Hoàng Sa”.

Từ khoảng năm 2009 đến nay, ông đã hiến tặng nhiều tư liệu quý cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Rồi chuyển sang sưu tầm những bài báo liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa. Ông bảo: “Vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa rất rộng, tôi tuy biết nhiều nhưng chủ yếu là ở Lý Sơn, nên cần phải sưu tầm những bài báo đó để biết thêm những chứng cứ khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo trên”. Trên tường nhà ông, nhiều bài báo về Hoàng Sa - Trường Sa được ông đóng khung, ép kính ngay ngắn. Trong đó có một số giấy tờ bằng chữ Hán, hay tấm An Nam Đại Quốc họa đồ do Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã tặng. Được biết, ngoài tìm hiểu về tư liệu, ông Tuyền còn đam mê sưu tầm những hiện vật đến biển đảo và trầm tích văn hóa Lý Sơn.

Mộ gió hay mộ chiêu hồn?

Theo thống kê, ở Lý Sơn hiện có hàng trăm ngôi mộ không có cốt mà chỉ có hình nhân bằng đất sét. Đó là những ngôi mộ của người lính Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, và của ngư dân đi biển chẳng may qua đời. Trong nhiều bài nghiên cứu, và nhiều bài báo, tác giả ghi đó là mộ gió. Ông Phạm Thoại Tuyền cho rằng đó là cách gọi sai lầm và nhầm lẫn, có phần cẩu thả của người đi tìm hiểu trước. “Lý Sơn đúng là có mộ gió, nhưng đó là những ngô mộ không có xác. Nó xuất phát hồi trước đây, người ta có thói quen làm mộ không để “xí phần” trước, khi mất thì được chôn xuống đó, nên gọi là mộ gió. Còn những ngôi mộ không có xác, mà chỉ có hình nhân bằng đất sét thay thế, như mộ của những người lính Hoàng Sa chẳng hạn, thì gọi đúng phải là mộ chiêu hồn”- ông Tuyền giải thích.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên Quê hương Hải đội Hoàng Sa - Nặng lòng với tiền nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO