Trên vùng đất anh hùng

VĨNH LỘC 30/03/2016 08:31

Chiến tranh đã lùi xa hơn 41 năm, vùng đất nơi từng là căn cứ Khu ủy 5 ở Sông Trà (Hiệp Đức) đã phủ lên màu xanh no ấm. Và chính những ký ức về một thời gian khổ nhưng oai hùng trở thành điểm tựa để người dân nơi đây vươn lên trong cuộc sống, xứng danh với truyền thống của mảnh đất anh hùng.

Qua rồi ngày gian khó

Già làng Hồ Văn Lít (thôn 3, xã Sông Trà) người con của đồng bào dân tộc Ca Dong mỗi ngày lại đan những chiếc đó bán cho người dân thả suối kiếm cá. Tuy chẳng được bao nhiêu nhưng với ông đó là niềm vui hạnh phúc của tuổi già. Đã hơn 41 năm kể từ ngày quê hương giải phóng, chứng kiến bao đổi thay trên vùng đất căn cứ xưa, trong ông dâng lên niềm tự hào, mãn nguyện. Dù chưa phải đã hết khổ nhưng đời sống người Ca Dong đã khác xưa rất nhiều. Những con đường bê tông khang trang trải dài khắp làng; những ngôi nhà gỗ cũng cao thoáng rộng rãi hơn; qua rồi cảnh đói cơm, thiếu gạo; y tế, giáo dục được quan tâm chăm lo… Ước mơ bao đời qua của ông Lít cũng như người Ca Dong sống trên vùng căn cứ Khu ủy 5 khi xưa nay đã thành hiện thực. “So với trước thì nay thay đổi nhiều lắm, thay đổi theo từng tháng từng năm. Bà con đã biết xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa; biết chăm lo cho sự học của con cháu” - già làng Hồ Văn Lít hồ hởi nói.

Bia di tích lịch sử căn cứ Khu ủy 5. Ảnh: V.LỘC
Bia di tích lịch sử căn cứ Khu ủy 5. Ảnh: V.LỘC

Mặc dầu đến nay số hộ nghèo toàn xã còn cao, nhưng theo ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Sông Trà, so với năm 2002 - thời điểm chia tách xã, tỷ lệ này đã giảm hơn một nửa, từ 86% xuống còn 42% năm 2015. Mô hình kinh tế, phát triển nông lâm nghiệp, chăn nuôi xuất hiện ngày càng đa dạng, góp phần tạo ra thu nhập, công ăn việc làm người dân. Hệ thống hạ tầng được cải thiện; mạng lưới trường lớp được bố trí phù hợp, tạo điều kiện cho học sinh ra lớp đạt tỷ lệ cao. Hiện trên địa bàn xã có trường nội trú dân tộc phục vụ cho 3 xã Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm tổ chức thường xuyên. Nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như đan, dệt, múa hát cồng chiêng đang từng bước được khôi phục và phát huy hiệu quả. “Để nâng cao đời sống nhân dân, thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thâm canh mở rộng trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế như keo, sắn, cao su tiểu điền. Ngoài ra, cũng sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại, vườn điểm, phát triển đàn gia súc gia cầm…” - ông Lợi cho biết.

Phát huy truyền thống

Sông Trà hôm nay vẫn còn đó những dấu tích ghi nhớ về một thời hào hùng cách mạng. Nổi bật, là Khu di tích căn cứ Phước Trà (theo tên gọi trước đây của người dân địa phương), nơi Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đề ra kế hoạch, chỉ đạo thành công chiến dịch giải phóng Nông Sơn  - Trung Phước, chi khu Thượng Đức, đập tan căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng…, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, khu căn cứ đã được đầu tư tôn tạo trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phục vụ du khách tham quan. Tại đây có nhà, hầm làm việc của đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy 5 lúc bấy giờ; có hội trường, nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ khu 5; có 24 bia ghi dấu những cột mốc thời gian của các cơ quan, đoàn thể đóng chân nơi đây. Đặc biệt, nhà trưng bày với gần 200 hiện vật và hình ảnh đã được sưu tầm, gìn giữ nhằm lưu dấu khoảnh khắc của những sự kiện, hoạt động của căn cứ trong suốt thời gian đóng chân trên vùng đất này thời chống Mỹ.

Ông Trần Đức Ngọc - Giám đốc Ban quản lý di tích Khu ủy 5 chia sẻ, bảo tồn khu căn cứ không chỉ góp phần gìn giữ các giá trị lịch sử cách mạng vùng đất mà còn đánh thức những tiềm năng du lịch, khơi gợi niềm tự hào, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian qua địa phương đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm giới thiệu, thu hút khách đến tham quan như “Hành trình về nguồn”, “Một ngày làm chiến sĩ khu 5”; phát triển du lịch văn hóa dựa vào cộng đồng gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa vùng cao trong đó lấy di tích làm nền tảng… Những mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả, nhất là trong việc giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương đến các thế hệ trẻ như học sinh, sinh viên, thanh niên. Đồng thời qua đó góp phần tạo công ăn việc làm, giảm nghèo cho người dân địa phương. “Ban quản lý thường xuyên xây dựng kế hoạch làm việc với các trường học trên địa bàn huyện đưa học sinh đến tham quan, dã ngoại tìm hiểu di tích. Hoặc phối hợp với trường tổ chức hoạt động thi tìm hiểu về các giá trị lịch sử cách mạng khu 5 để các em hiểu hơn về những giá trị truyền thống. Đặc biệt, khi du lịch nơi đây phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương” - ông Ngọc nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên vùng đất anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO