Xưa, có câu ca tả nỗi tâm tư: “Không đi thì nhớ thì thương/ Đi thì lại mắc cái mương, cái cầu/ Không đi thì nhớ thì sầu/ Đi thì lại mắc cái cầu, cái mương…”. Quả là từ căn nhà bước ra thiên nhiên và đời sống xã hội, con người luôn cần nhịp cầu giao cảm. Nhu cầu giao lưu, du lịch, đi làm ăn, lên nương, lên rẫy… hiện diện mỗi ngày. Ở miền núi, những vùng sâu, bóng dáng cây cầu treo qua suối khe từng để lại bao hình ảnh đẹp trong mắt thi nhân, nhiếp ảnh gia, khách du lịch... Nhưng từ vụ sập cầu treo ở Lai Châu khiến một đám tang trở thành đại tang đau thương với nhiều người chết, báo chí rộ lên thông tin về nguy cơ “cầu tử thần” treo khắp nơi. Đúng là thấy rợn cả người khi nhìn lại hình ảnh những cây cầu cũ nát vắt vẻo qua sông suối. Ngay lập tức, Chính phủ yêu cầu tất cả địa phương trong nước rà soát cầu tạm, cầu treo để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Với Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu tổng rà soát hệ thống cầu treo dân sinh, kiểm định chất lượng và đặt biển báo quy định tải trọng, lưu lượng người và phương tiện qua lại…
Những gì cần hành động khẩn cấp hiển nhiên phải được thực thi. Song, có những nghĩ suy cũng cần bàn luận. Chúng ta đã có biết bao chương trình đầu tư cho miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng những cây cầu dân sinh đã không được quan tâm đúng mức từ xây dựng đến việc bảo trì. Có những vùng miền núi, bà con phải tự làm cầu dây mây, hoặc có khi chỉ kéo một dây treo rồi đu mình qua sông. Nơi bị cô lập, báo chí tìm đến đưa tin thì chính quyền sở tại mới đi tìm nguồn vận động làm cầu cho dân. Làm được cầu rồi thì sau nhiều năm tháng trải nắng mưa không thấy tính chuyện duy tu bảo dưỡng. Như ở Quảng Nam, cây cầu treo thôn K8 (xã Sông Kôn, Đông Giang) đã mục nát mà vẫn chưa sửa, để dân liều mạng qua lại mỗi ngày (Báo Quảng Nam đã phản ánh). Nói Quảng Nam không quan tâm là không đúng, vì rằng trong số khoảng 160 cầu treo hiện có, ngân sách nhà nước đã đầu tư 98 cầu treo kiên cố. Trên một địa bàn có nhiều sông suối, địa hình hiểm trở, trong khi nguồn lực tài chính hạn chế, sẽ rất khó cho Quảng Nam xoay xở với chuyện cầu treo, cầu tạm. Nhiều dịp các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc kiến nghị, nhiều nơi như vậy tiền đâu làm cho kịp. Nhà nước không làm được thì dân phải tự làm để đáp ứng nhu cầu đi lại, mưu sinh. Vì thế, không ít cây cầu, dân tự làm, qua vài mùa mưa thì trôi. “Dãi nắng dầm mưa” nên nhiều cây cầu mục nát cũng chẳng ai ngó ngàng, treo lên nguy cơ chết người. Ở đây, đặt ra vai trò quản lý của địa phương sở tại, cần phải theo dõi thường xuyên để cảnh báo phòng ngừa.
Xin đừng treo sinh mạng mình qua những cây cầu hiểm họa!
ĐIỆN NAM