Tri ân bằng cả tấm lòng

DIỄM LỆ 06/02/2015 08:44

Từ năm 1976 đến nay, Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công Quảng Nam (Hội An) không ngừng vận động, đổi thay để có được cơ ngơi khang trang như hôm nay. Thuận lợi về cơ sở vật chất là điều kiện tiên quyết giúp đơn vị đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc người có công (NCC).

Từng bước hoàn thiện

Được thành lập từ năm 1976, cơ sở ban đầu của Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công Quảng Nam là khu nhà ở của gia đình binh lính ngụy, với hơn 10 dãy nhà cấp 4. Thời gian này, trung tâm còn tiếp nhận thương bệnh binh của các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và thương bệnh binh nặng từ trại an dưỡng ở miền Bắc, dù cơ sở xuống cấp, hư hỏng, thiếu thốn đủ bề. Bốn năm sau, vì tầm quan trọng của trung tâm, ngân sách nhà nước rót vốn đầu tư xây dựng thêm một số khu nhà ở cấp 4 để nuôi dưỡng thương bệnh binh, với sức chứa lúc cao nhất lên đến 400 người. Theo như hồi ức của những thương bệnh binh nặng từng sống ở trung tâm trong những ngày đầu đến nay, trong những năm 1980 - 1985, thương bệnh binh từ chiến trường Campuchia được đưa về rất nhiều, nhưng cơ sở vật chất quá tồi tàn, không thể đáp ứng được số lượng người tăng nhanh trong một thời gian ngắn. Đến nỗi phải đến tầm 10 giờ sáng từng ấy con người mới có thể xong khâu vệ sinh cá nhân. Khó khăn là vậy, thế nhưng tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm thời ấy vẫn cố gắng hết mức có thể, nên trong giai đoạn này đưa về nuôi dưỡng tại trung tâm đến gần 1.000 lượt người trong khu vực miền Trung.

Khuôn viên Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công Quảng Nam khang trang, rợp bóng cây xanh. Ảnh: D. LỆ
Khuôn viên Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công Quảng Nam khang trang, rợp bóng cây xanh. Ảnh: D. LỆ

Trước nhu cầu bức thiết cần phải có một nơi ăn ở thuận tiện, đủ điều kiện chăm sóc cho NCC toàn tỉnh và trong khu vực, năm 1997 đánh dấu sự đầu tư xây dựng trung tâm. Ông Tôn Thất Hoàng - Giám đốc trung tâm cho biết: “Khi điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, ngân sách nhà nước cũng như nguồn lực xã hội hóa dễ huy động hơn. Được sự đầu tư của Bộ LĐ-TB&XH, cùng với nguồn lực huy động từ Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Công đoàn Bưu điện Việt Nam, những khu nhà mới khang trang bắt đầu được xây dựng”.

Đến với trung tâm hôm nay, nhìn qua không khác gì một khu nghỉ dưỡng du lịch với bóng cây rợp mát, những khu nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Trung tâm được xây dựng đồng bộ với đầy đủ các khu nhà nuôi dưỡng, điều dưỡng, hội trường, nhà ăn, nhà thể thao đa năng, khu xử lý chất thải... Đặc biệt là phòng vật lý trị liệu được đầu tư khá đầy đủ trang thiết bị với tổng trị giá hơn 400 triệu đồng, giúp việc điều trị, phục hồi chức năng cho NCC tốt hơn.

Phút thư giãn của người có công trong một đợt điều dưỡng tại trung tâm. Ảnh: L.V
Phút thư giãn của người có công trong một đợt điều dưỡng tại trung tâm. Ảnh: L.V

Tận tâm chăm sóc

Công trình nâng cấp Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng NCC Quảng Nam được đầu tư xây dựng từ năm 2011, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình được Bộ LĐ-TB&XH đầu tư với tổng nguồn vốn 37,7 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục được đầu tư đồng bộ, công suất một đợt điều dưỡng là 160 giường. Trong quý II.2015, trung tâm tiếp tục khởi công xây dựng mới khu nhà nuôi dưỡng dành cho NCC đang được nuôi dưỡng tập trung với 35 giường, từ nguồn hỗ trợ 5,5 tỷ đồng của Bộ Quốc phòng và 9,5 tỷ đồng vốn đối ứng của tỉnh cùng sự hỗ trợ thêm từ Bộ LĐ-TB&XH. Trung tâm sẽ được xây dựng thành một khu đồng bộ, hoàn chỉnh sau năm 2015.

Khi đi vào hoạt động toàn bộ cơ sở mới, dự kiến trung tâm sẽ điều dưỡng luân phiên mỗi năm hơn 4,5 nghìn lượt người, trong khi trước đây chỉ 2,5 nghìn lượt người. Không chỉ điều dưỡng NCC của tỉnh, trung tâm còn điều dưỡng luân phiên cho NCC của các tỉnh trong và ngoài khu vực miền Trung. Công suất tăng gấp đôi, đồng nghĩa với năng suất làm việc của tập thể cán bộ, nhân viên ở đây cũng tăng gấp đôi. Ngoài việc nuôi dưỡng thường xuyên hơn 30 thương bệnh binh nặng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ neo đơn, công tác điều dưỡng luân phiên dành cho NCC không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn cả ý nghĩa chính trị. Ông Hoàng tâm sự: “Công việc chăm sóc NCC không hề dễ dàng, nhưng đối với tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm, đây là phần việc, nhiệm vụ cũng là nghĩa vụ cao cả. NCC thường đau ốm, bệnh tật trên người càng khiến cho tính tình trở nên gắt gỏng, khó chịu. Bởi vậy, mỗi cán bộ, nhân viên phải đặt mình ở vị trí là con cháu đang chăm sóc cho ông bà, cha mẹ với tinh thần trách nhiệm cao nhất để làm tốt công việc của mình”.

“Công việc chăm sóc NCC không hề dễ dàng, nhưng đối với tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm, đây là phần việc, nhiệm vụ cũng là nghĩa vụ cao cả. NCC thường đau ốm, bệnh tật trên người càng khiến cho tính tình trở nên gắt gỏng, khó chịu. Bởi vậy, mỗi cán bộ, nhân viên phải đặt mình ở vị trí là con cháu đang chăm sóc cho ông bà, cha mẹ với tinh thần trách nhiệm cao nhất để làm tốt công việc của mình”.
(Ông Tôn Thất Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công Quảng Nam)

Trong nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC, trung tâm luôn đảm bảo làm sao để NCC thấy thoải mái nhất về tinh thần và khỏe nhất về thể chất. Bởi vậy, việc kết hợp giữa các hoạt động tham quan danh lam thắng cảnh với hoạt động tại chỗ như văn nghệ, hô hát bài chòi, đố vui, báo cáo tình hình thời sự, xem phim, đọc báo, giao lưu cờ tướng, cầu lông… luôn được tổ chức trong các đợt điều dưỡng. Bằng tấm lòng của mình, tập thể trung tâm luôn tận tâm tận lực nhằm đảm bảo về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, trị liệu giúp NCC sau mỗi đợt điều dưỡng ra về đều tăng cân, hay NCC nuôi dưỡng tại chỗ luôn như được sống trong ngôi nhà của chính mình.

Theo sự mở rộng tiêu chí của Pháp lệnh Ưu đãi NCC, số trường hợp NCC đã và sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Cùng với việc rút ngắn thời gian tổ chức đợt điều dưỡng luân phiên dành cho mỗi NCC từ 5 năm xuống còn 2 năm, công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng càng thêm áp lực. Vì thế, trung tâm xác định phải tiếp tục nâng cao chất lượng giường điều trị, ổn định tình hình thương tật, bệnh tật, phục vụ chu đáo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần… để NCC sống vui, sống khỏe, làm tấm gương mẫu mực cho xã hội. Hoàn thành nhiệm vụ trên, ngoài cơ sở vật chất đã và sẽ tiếp tục được đầu tư trong thời gian tới, mỗi cán bộ, nhân viên trung tâm càng nêu cao quyết tâm phấn đấu hết mình công tác chăm sóc NCC, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tri ân bằng cả tấm lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO