Bằng hành động cụ thể, Đại Lộc đã có nhiều việc làm thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh...
Ông Trần Ta - cán bộ lão thành cách mạng được chăm sóc chu đáo tại khu điều trị đặc biệt.Ảnh: CÔNG TÚ |
Xác định thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ là nhiệm vụ chính trị lớn, huyện Đại Lộc thường xuyên triển khai quán triệt nhận thức trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đôn đốc các xã, thị trấn, đồng thời chỉ đạo hướng dẫn kê khai làm hồ sơ, kịp thời giải quyết chế độ chính sách cho người có công. “Chúng tôi tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng; trực tiếp tập huấn các thông tư, văn bản và chỉ đạo các địa phương chủ động làm tốt công tác này” - ông Trần Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc - ông Trương Văn Niên cho hay, đến nay huyện đã thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo chế độ chính sách, giải quyết dứt điểm những tồn đọng về xác nhận, công nhận đối với người có công cách mạng. Hiện nay, nguồn kinh phí thực hiện chế độ chính sách cho hơn 10 nghìn người có công trên địa bàn Đại Lộc hằng năm gần 55,4 tỷ đồng.
Trong vòng 15 năm qua, Đại Lộc đã xác nhận, giải quyết hồ sơ công nhận 2.665 liệt sĩ, 577 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh, 62 bệnh binh, 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 182 người bị địch bắt tù đày, 267 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hằng tháng, 206 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Đến nay, toàn huyện đã quy tập đưa vào nghĩa trang liệt sĩ các xã, thị trấn gần 7.700 mộ liệt sĩ. |
Ngoài các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, toàn huyện đã dấy lên mạnh mẽ các phong trào tri ân chăm sóc người có công. Ông Trần Văn Lân - cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, các phong trào người dâu hiếu thảo, áo lụa tặng bà, cải thiện nhà ở, tặng sổ tiết kiệm... những năm qua luôn được các cá nhân, đơn vị, nhân dân trên địa bàn hưởng ứng. Qua vận động, Đại Lộc đã xây dựng được quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hơn 3 tỷ đồng; hỗ trợ 2 nghìn người có công cải thiện nhà ở (xây mới 1.600 nhà); tặng hơn 300 sổ tiết kiệm tình nghĩa, mỗi sổ trị giá 2 - 5 triệu đồng... Ngoài ra, các công ty, đơn vị cũng đã nhận phụng dưỡng tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đỡ đầu 9 trường hợp con liệt sĩ, thương bệnh binh. Những năm qua, Đại Lộc còn tiếp đón hàng nghìn lượt thân nhân liệt sĩ vào thăm viếng mộ ở các nghĩa trang; tạo điều kiện cho thân nhân tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đưa về quê và giải quyết đầy đủ các chế độ theo quy định hiện hành, góp phần làm vơi đi những đau thương mất mát trong họ. Cũng có những thương binh nặng như ông Huỳnh Văn Huấn (ở xã Đại An), Huỳnh Phụng (xã Đại Đồng) vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Đại diện lãnh đạo Quận 10, TP.Hồ Chí Minh bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Hát ở xã Đại Cường. |
Thành công của chương trình tri ân ở Đại Lộc có sự đóng góp rất lớn của bà con đồng hương, các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Tiêu biểu như Quỹ Thiện tâm Công ty CP Vincom, Quân khu 5, Học viện Quốc phòng, Công đoàn ngành Ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam, Hội Cựu chiến binh Đại Lộc... Đặc biệt, Khu điều trị Bà mẹ Việt Nam anh hùng - lão thành cách mạng, thương bệnh binh nặng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam hoạt động khá hiệu quả. Công trình được xây dựng với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng do cán bộ, nhân dân toàn huyện đóng góp, đưa vào sử dụng từ 27.7.2009.
Ông Lê Phước Duy - Chủ tịch Công đoàn bệnh viện cho hay, sau khi công trình khánh thành, đưa vào sử dụng, đoàn viên công đoàn bệnh viện đã đóng góp mua sắm trang bị tủ lạnh, ti vi, quạt điện, bàn ghế... cho từng phòng. Ban Giám đốc bệnh viện giao cho Khoa nội 1 trực tiếp phụ trách, phân công đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại khu điều trị đặc biệt này. Ông Trần Ta - cán bộ lão thành cách mạng (ở thôn 2, xã Đại Thạnh) chia sẻ: “Mấy ngày nằm điều trị tại đây, tôi luôn có cảm giác thoải mái, lại được các y bác sĩ tận tình chăm sóc nên bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm. Nhớ lại thời chiến, mỗi lần bị thương chúng tôi được khiêng vào rừng chữa trị rất vất vả. Tôi nhắc chuyện xưa để thấy rằng, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm rất lớn đối với người có công”.
CÔNG TÚ