“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca như lời nhắc nhớ cũng là lời tự tình vang vọng trong tâm thức các thế hệ cháu con Lạc Hồng về nguồn cội, về công đức của các bậc tiền nhân.
Con đường chính dẫn vào nhà thờ tiền hiền tộc Võ làng Phô Thị (thôn Tú Phương, xã Bình Tú, Thăng Bình) rợp bóng cờ, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng các đại biểu về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Trên các ngả đường của thôn, đoàn người từ các xóm khăn áo chỉnh tề, đánh chiêng trống, nghiêm cẩn rước bánh chưng, bánh dầy, trầu rượu tiến về nhà thờ tiền hiền. Ông Võ Đức Toàn - Ban quản trị nhà thờ tiền hiền tộc Võ làng Phô Thị cho biết, nhà thờ này có từ trước thế kỷ XVI. Trong cuộc trường chinh mở cõi về phương Nam, ngài Võ Đức Đại Lang đã dừng chân khai phá đất đai, lập nên làng Phô Thị. Đây là năm thứ hai người làng Phô Thị tổ chức lễ Giỗ Tổ tri ân các vua Hùng tại nhà thờ tiền hiền. Cả thôn có 4 xóm, đêm trước ngày giỗ tổ, mỗi xóm cắt cử những người khéo tay đảm trách việc làm bánh chưng, bánh dầy làm lễ vật dâng cúng. “Hoạt động này được người làng gìn giữ, xem là vốn văn hóa quý, có giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ con cháu về công đức của các bậc tiền nhân, nhắc nhớ về nguồn cội. Qua đó, mỗi thế hệ con cháu tự nhìn nhận, tự nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện để xứng đáng với ông cha, báo ân đấng sinh thành” - ông Toàn tâm tình.
Đưa lễ vật bánh chưng, bánh dầy dâng cúng các vua Hùng. Ảnh: H.GIANG |
Theo ông Nguyễn Đình Yến - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú, đây là năm thứ 11 địa phương tổ chức lễ Giỗ Tổ tri ân các vua Hùng. Toàn xã có 9 thôn, luân phiên tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với sự phối hợp của chính quyền. “Bên cạnh việc góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ về tâm thức nguồn cội, truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, đây cũng là dịp để người làng cùng ngồi lại chia sẻ tâm tư tình cảm, gắn kết thêm tinh thần đoàn kết cộng đồng, chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới” - ông Yến chia sẻ.
Đại Lộc long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương Cuối tuần qua, tại đền tưởng niệm Trường An (xã Đại Quang, Đại Lộc), hàng nghìn cán bộ và nhân dân đại diện cho hơn 1.300 chư, tộc phái trên địa bàn và con em Đại Lộc xa quê đã về dự lễ dâng hương, tưởng niệm các vua Hùng nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch). Đồng chí Trần Kim Hùng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ. Mở đầu lễ là nghi thức rước kiệu của 18 xã, thị trấn. Đây là nghi thức lễ truyền thống nhằm tỏ lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên. Sau khi kết thúc nghi lễ chúc văn và tấu văn, các vị đại biểu và đại diện các chư tộc phái đã đến viếng hương tại đền thờ Bác Hồ, đền Bảo Ân, nghĩa trang liệt sĩ.(Bích Liên) |
Hòa trong không khí thiêng liêng, thành kính của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, sáng 19.4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại đình làng Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) con cháu của làng tổ chức lễ hội giỗ tổ. Từ sáng sớm, hàng trăm con em, bà con của địa phương đã tề tựu đông đủ tại sân đình dâng hương khấn nguyện, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân khai đất, lập làng. Con cháu của làng cùng ôn lại truyền thống, tưởng nhớ đến những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc. Bà Nguyễn Thị Nga (67 tuổi) bày tỏ: “Ngày trước làng ấn định tổ chức lễ giỗ định kỳ 5 năm một lần. Từ năm 2007 đến nay, đời sống kinh tế ngày càng khấm khá, con cháu của làng có điều kiện học hành, đỗ đạt nên người làng thống nhất tổ chức lễ giỗ tri ân các bậc tiền nhân vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm”.
Đang sống cùng cháu con tại TP.Đà Nẵng, tuổi đã cao, việc đi lại có phần khó khăn, nhưng lễ giỗ tổ đình làng năm nào ông Phạm Minh Hưng cũng về dự. Đối với ông Hưng được về với mảnh đất quê hương Thạch Tân là về với nguồn cội, để được tự tay thắp nén nhang lên bàn thờ các bậc tiền nhân. Đây còn là dịp để ông được sống lại với những ký ức “dữ dội” của những năm tháng tranh đấu gian khổ mà hào hùng trên mảnh đất quê hương. Sau khi thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, ông Hưng đi thăm hỏi bà con khắp thôn; rồi đến giữa thôn cúi mình trước đài bia tưởng niệm liệt sĩ đang được xây dựng với ánh mắt đăm chiêu. “Ngày trước, làng Thạch Tân có khoảng 600 người, thì chiến tranh đã cướp mất sự sống của 400 người. Trong đó khoảng 200 người dân bám trụ, còn lại là cán bộ cách mạng, du kích địa phương. Kinh phí xây dựng đài bia tưởng niệm này do con em của làng vận động quyên góp; đó cũng là cách để tri ân sự hy sinh, cống hiến máu xương của những người đã ngã xuống cho ấm no, hạnh phúc hôm nay” - ông Hưng thổ lộ.
Ông Lê Đình Tài - Bí thư Chi bộ thôn Thạch Tân chia sẻ: “Tổ chức lễ giỗ tổ đình làng là dịp để các tộc họ trong làng thắt chặt thêm tình đoàn kết, thống nhất, chung tay phấn đấu thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cuộc vận động để ngày càng xứng đáng hơn với truyền thống cách mạng anh hùng của quê hương”.
HÀN GIANG