Tri ân dân công hỏa tuyến

LÊ DIỄM 18/12/2017 09:45

Chế độ đối với dân công hỏa tuyến - những người góp công sức cho tiền tuyến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc - dù ít hay nhiều cũng là niềm động viên rất lớn và là sự tri ân đối với những đóng góp của một lực lượng trong kháng chiến.

Bà Trần Thị Như (bên trái) kể về thời tham gia dân công hỏa tuyến của mình. Ảnh: L.D
Bà Trần Thị Như (bên trái) kể về thời tham gia dân công hỏa tuyến của mình. Ảnh: L.D

Niềm vui

Khi Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, nhằm giải quyết một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, niềm vui nhen nhóm trong lòng những người đã từng tham gia dân công hỏa tuyến của tỉnh. Gặp bà Trần Thị Như (SN 1939, thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) trong một ngày đông lạnh, nhưng lòng bà đang ấm khi nghe tin hồ sơ của bà đã được gửi đến cấp cao nhất xét duyệt, tin vui sẽ đến trong nay mai. Trong câu chuyện xung phong đi dân công hỏa tuyến mà bà Như kể, luôn ẩn sau niềm tự hào của thế hệ thanh niên một thời đạn bom. Tuổi đã cao, nên câu chuyện bà Như kể không còn định hình rõ ngày tháng hay địa điểm. Bà chỉ mang máng rằng: “Tôi nhớ hồi đó đi 2 đợt, một đợt khoảng mươi ngày chi đó, một đợt khoảng 1 tuần. Hồi nớ thanh niên cả mấy xã vùng biển này nghe lệnh tổng động viên, cứ rứa là đi thôi. Đi không đăng ký, không giấy tờ, theo chân người dẫn đường mà đi. Tầm 5 giờ chiều lo ăn uống, rồi 8 giờ đêm mới xuất phát đi. Đi trong đêm, đi ở những lối mòn vùng ven hoặc đi trong núi chứ không đi đường lớn. Tôi nhớ đi cả đoàn đông lắm, rồi chia ra, đoàn thì đi Kỳ Long, Kỳ Thịnh, có đoàn đi Quán Rường, Cẩm Khê. Dân công hỏa tuyến là nữ như tụi tôi thì chỉ tải gạo, mắm muối, còn đàn ông mới tải đạn pháo hoặc đến các chiến trường tải thương”.

Câu chuyện đi dân công hỏa tuyến của bà Huỳnh Thị Ngọc (SN 1949, thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cũng không rõ ngày tháng năm. Bà Ngọc say sưa kể: “Tuổi cao rồi, tôi cũng không nhớ rõ lắm là đi năm nào nữa. Tôi đi 3 đợt, 5 ngày, 10 ngày hay dài hơn là nửa tháng. Lúc nào cũng đi ban đêm để tránh địch phát hiện. Cũng có đoàn bị địch thả đèn dù phát hiện rồi cho pháo kích oanh tạc. Chúng tôi đi, cứ như “hạt gạo trên sàng” vậy, may mắn thì sống sót, không thì chết. Hồi đó thanh niên, cứ nghe lệnh là đi thôi, ai nghĩ chi chuyện sống chết. Mà giúp cho nước nhà thì đi chết vẫn hơn ở nhà mà chết. Hồi đó tôi cõng muối, gạo, hai đầu gánh nặng mà đi cứ phăng phăng, cõng từ Kỳ Sơn, đến đèo Ba Hương rồi nhập đoàn rất đông cùng đi. Phụ nữ đi gần, đàn ông đi xa. Hồi đó đi đâu có nghĩ gì, chừ được Nhà nước quan tâm giải quyết chế độ. Tôi không có con cái nên bây giờ có chế độ thì sau này về với đất trời đã có Nhà nước lo, mừng lắm!”.

Tri ân

Từ khi Quyết định số 49 được triển khai đến các địa phương, trách nhiệm đặt lên vai những Hội đồng chính sách ở xã, phường, thị trấn. Khó khăn ở chỗ thành viên Hội đồng chính sách là những người trẻ, nên không thể nắm rõ được quá trình tham gia dân công hỏa tuyến của thế hệ đi trước. Trong khi đó, những người từng tham gia dân công hỏa tuyến lại không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh. Người còn sống thì tuổi đã cao không nhớ rõ; người đã mất thì bây giờ lớp con cháu cũng chỉ khai có nghe cha ông kể lại hồi xưa từng đi dân công hỏa tuyến.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Nam là vùng địch chiếm đóng nên khi huy động lực lượng dân công hỏa tuyến đi chuyển thương, tải đạn, vận chuyển lương thực, thực phẩm do cán bộ hoạt động bí mật và cơ sở cách mạng vận động, thời gian chủ yếu hoạt động vào ban đêm và bí mật nên không rõ người huy động. Với nghĩa cử tri ân những người thực sự có công với đất nước, dù khó đến mấy cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Những khó khăn phát sinh được báo cáo từ cơ sở, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng dẫn cụ thể để Hội đồng chính sách ở cơ sở thực hiện. Rồi những người từng tham gia cách mạng, lão thành cách mạng, những người có biết về một thời đi dân công hỏa tuyến cùng vào cuộc với Hội đồng chính sách xã để làm chứng, cùng tham gia xét duyệt ở cơ sở trước khi đưa đến cấp cao hơn. Khi cấp cơ sở có vướng mắc, lập tức báo cáo về cấp trên để cho ý kiến giải quyết. Những huyện nào gặp khó khăn trong triển khai, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trực tiếp đến nơi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Vì vậy mà so với các địa phương khác, Quảng Nam làm chậm hơn, do đó sự chờ đợi của những người đi dân công hỏa tuyến cũng lâu hơn.

Sau 2 năm thực hiện Quyết định 49, qua rất nhiều công đoạn xét duyệt, thẩm định hồ sơ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan thường trực đã tham mưu rất nhiều văn bản cho Bản chỉ đạo thực hiện Quyết định 49 cấp tỉnh, giúp tháo gỡ những khó khăn ở địa phương, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Tất cả nhằm tri ân đối với những người dân công hỏa tuyến, nhất là người còn sống để họ kịp được hưởng các chế độ. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tổng hồ sơ cấp xã tiếp nhận trong 2 năm là 6.870 hồ sơ, xét đạt 6.402 hồ sơ. Hội đồng chính sách cấp xã báo cáo về huyện tổng cộng 5.489 hồ sơ, huyện xét lại lần nữa và báo về tỉnh có 4.564 hồ sơ đạt. Tiếp tục, tỉnh xét duyệt và báo về Quân khu 5 tổng số 4.564 hồ sơ (trong đó có 1.549 người còn sống, 3.015 người từ trần). Người đi dân công hỏa tuyến phần lớn trong thời kháng chiến chống Pháp (3.465 người), kháng chiến chống Mỹ có 1.088 người và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 11 người. Đến nay, đã có 2.169 hồ sơ được xét duyệt, ra quyết định công nhận đối với người tham gia dân công hỏa tuyến, sẽ được giải quyết chế độ trước Tết Nguyên đán 2018 với tổng nguồn kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Người được công nhận tham gia dân công hỏa tuyến sẽ được hỗ trợ các mức tùy theo thời gian tham gia, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đến cuối đời và hưởng chế độ mai táng phí khi từ trần.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tri ân dân công hỏa tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO