Thời gian qua, các cấp ngành liên quan đã tập trung lập thủ tục, hồ sơ và chi trả chế độ cho người từng tham gia dân công hỏa tuyến một cách đầy đủ, nhanh chóng tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Cụ ông Phạm Hồng đã được chi trả chế độ dân công hỏa tuyến vào đầu tháng 1.2018. Ảnh: D.L |
Tri ân
Trở lại nhà cụ ông Phạm Hồng (ở khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ), căn nhà đang được sửa sang lại cho kịp đón tết. Nhà neo đơn, chỉ có hai vợ chồng già yếu nên khối phố Phú Sơn cùng với phường An Phú vận động người dân giúp cụ Hồng. Niềm vui thực sự đã đến với cụ ông năm nay tròn 100 tuổi, vì chế độ dân công hỏa tuyến đã được công nhận với cá nhân ông. Đây không chỉ là nguồn động viên mà còn thể hiện sự ghi nhận xứng đáng với những người cống hiến cho Tổ quốc. Chế độ đối với cụ gồm số tiền 2 triệu đồng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đến hết đời và chế độ mai táng phí khi từ trần. Phường An Phú đã cân nhắc để cho cụ Hồng hưởng thẻ BHYT ở diện hộ nghèo thay vì chế độ dân công hỏa tuyến, vì ở chế độ hộ nghèo khi đi bệnh viện, cụ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh và mỗi ngày được hỗ trợ thêm 30 nghìn đồng tiền ăn từ ngân sách tỉnh. Với một người già lại không có con cháu như cụ, sự quan tâm của xã hội lúc này rất quý giá.
Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, nhằm giải quyết một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Kể từ khi có Quyết định 49, các địa phương trong tỉnh đều xác định tinh thần phải giải quyết chế độ chính xác, không bỏ sót nhưng không nhầm người. Đến nay, đã có 2.169 hồ sơ được xét duyệt, ra quyết định công nhận đối với người tham gia dân công hỏa tuyến, sẽ được giải quyết chế độ trước Tết Nguyên đán 2018 với tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Người được công nhận tham gia dân công hỏa tuyến sẽ được hỗ trợ các mức tùy theo thời gian tham gia, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đến cuối đời và hưởng chế độ mai táng phí khi từ trần.
Tại TP.Tam Kỳ, đầu tháng 1.2018, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố đã tổ chức chi trả chế độ dân công hỏa tuyến cho 116 trường hợp, với số tiền 232 triệu đồng. Ông Phạm Anh Tuấn - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự TP.Tam Kỳ cho biết: “Ban Chỉ huy Quân sự thành phố đã tổ chức chi trả một cách trang trọng nhằm tri ân những đóng góp của những người từng tham gia dân công hỏa tuyến. Người có quyết định được thông báo trực tiếp đi nhận chế độ, người không đi được thì ủy quyền cho người thân... Trường hợp dân công hỏa tuyến từ trần từ ngày 1.1.2016 đến nay sẽ được bổ sung hồ sơ để truy trả chế độ mai táng phí theo quy định”.
Cẩn trọng, chính xác
Tại TP.Tam Kỳ, vẫn còn 209 hồ sơ đã được nộp về cấp trên, 27 hồ sơ đang xác lập tại cơ sở, tập trung ở các xã Tam Thăng, Tam Ngọc và An Phú. Ông Tuấn cho biết, đối với những trường hợp còn vướng mắc trong khâu xác lập hồ sơ nhưng có thể làm được, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố tiếp tục bám sát, chỉ đạo các địa phương xác minh hoàn chỉnh hồ sơ. Việc xác minh chủ yếu dựa vào lực lượng là những người cao tuổi sống cùng thời, cán bộ lão thành cách mạng, hội cựu chiến binh, thanh niên xung phong hoặc cán bộ trực tiếp tham gia ở địa phương. Quan điểm chung trong việc giải quyết chế độ là phải giải quyết đúng người, nhưng không được nhầm và chống những đối tượng lợi dụng chế độ chính sách. Vì thế sau khi hoàn chỉnh hồ sơ ở cơ sở, danh sách sẽ được niêm yết cho toàn dân biết, từ đó người dân có thông tin thêm để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ một cách chính xác nhất.
Huyện Tiên Phước cũng là một địa phương có nhiều người tham gia dân công hỏa tuyến nhưng tiến độ thực hiện Quyết định 49 chậm hơn. Theo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tiên Phước, qua khảo sát ban đầu toàn huyện có hơn 700 người tham gia dân công hỏa tuyến. Thế nhưng, 85% trong số đó đã từ trần, người còn sống thì không có giấy tờ liên quan, nhân chứng không còn nhiều, bản thân người tham gia dân công hỏa tuyến và người làm chứng còn sống thì tuổi cũng đã cao, không còn minh mẫn. Những người ở trong các Hội đồng chính sách ở xã đều là người trẻ, không biết được về quá trình tham gia cách mạng của người đi trước nên việc xác lập hồ sơ vô cùng khó khăn...
Ông Nguyễn Hữu Mai - cán bộ Ban Chính sách (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tiên Phước) cho biết: “Trên tinh thần chung là khi xác lập hồ sơ, Hội đồng chính sách các xã, thị trấn phải làm hết sức chặt chẽ, cẩn thận, không để sai đối tượng. Vì đặc thù của địa phương, nên khi hồ sơ ở cơ sở xác lập phải có sự tham gia của các cụ cao niên, lão thành cách mạng, người hoạt động cách mạng... Khi hoàn tất phải niêm yết danh sách tại trụ sở UBND xã, các thôn, khối phố để nhân dân biết rộng rãi. Từ đó, huy động thông tin từ nhân dân để xác minh lại đối với một số trường hợp còn có dư luận. Sau đó, Huyện đội sẽ phối hợp với Công an huyện để xác minh lại một số trường hợp, nhằm hoàn chỉnh hồ sơ một lần nữa trước khi đưa về tỉnh để đề nghị đến Quân khu 5. Ở Tiên Phước thực hiện chậm hơn nên đến nay vẫn chưa có trường hợp nào có quyết định”.
Đến nay, Tiên Phước đã tiếp nhận 457 hồ sơ ở 10 xã, thị trấn; huyện thẩm định và báo cáo về tỉnh 142 hồ sơ đủ điều kiện, đang chờ quyết định từ Quân khu 5. Toàn huyện còn lại 315 hồ sơ đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, hội đoàn thể khác để xác minh. Đối với các hồ sơ không đủ điều kiện, huyện sẽ tiến hành trả hồ sơ trực tiếp cho người dân tại cơ quan quân sự huyện hoặc tại xã.
LÊ DIỄM