Tri ân thế hệ đi trước

NGỌC DIỆP 24/07/2023 06:35

“Hiểu lịch sử, hiểu thế hệ cha ông để tự nhận ra mình và có trách nhiệm với quê hương đất nước” chính là điều Thiếu tá Lê Thị Hồng Vân (phóng viên Báo Quân khu 5) muốn gửi đến bạn đọc hôm nay.

Phóng viên Lê Thị Hồng Vân (hàng đầu, mang quân phục) đang tác nghiệp.Ảnh: N.D
Phóng viên Lê Thị Hồng Vân (hàng đầu, mang quân phục) đang tác nghiệp.Ảnh: N.D

Công tác ở Báo Quân khu 5 từ năm 1997, không những say sưa phản ánh sâu đậm hình ảnh người chiến sĩ hôm nay miệt mài trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giúp dân phòng chống thiên tai, dịch bệnh…, Thiếu tá Lê Thị Hồng Vân luôn dành trọn tâm huyết khi viết về đất và người Khu 5 trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Lào và Campuchia.

Chị dày công trong cả thu thập, so sánh, đối chiếu, truy tìm nguồn gốc, xác minh độ chuẩn xác của các tư liệu để thể hiện một cách chân thực, hệ thống và sâu sắc trong các tác phẩm báo chí. Đặc biệt năm 2017, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra đời tập bút ký “Còn mãi Khu 5” của Thiếu tá Lê Thị Hồng Vân.

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên quê hương Quảng Nam, thời kháng chiến chống Mỹ, cha đi chiến đấu, mới hai tháng tuổi, Hồng Vân đã phải theo mẹ hết nhà tù này đến nhà tù khác của Mỹ ngụy. Những cảm xúc ấy đã thôi thúc chị trước tiên viết về mẹ, về ngoại (“Bóng ngoại”, “Tấm lưng còng của mẹ”) rồi rộng hơn về những người con thủy chung, bất khuất của Khu 5 anh hùng. Trước bút lực của chị, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sao chị viết về quá khứ mà hồn vía cứ như… người trong cuộc.

Chị chia sẻ: “Đề tài quá khứ vẻ vang, không nhập cuộc làm sao viết nổi. Phải ghi chép tỉ mỉ lời kể của các nhân chứng - những người phần vì tuổi cao, phần ít có thói quen ghi hồi ký, dễ nhầm lẫn sự kiện, nhân vật, mốc thời gian... Điều đó đòi hỏi người viết phải dụng công tìm đọc, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu thu thập được nhằm xác minh, đưa đến công chúng những thông tin tin cậy nhất.

Đơn cử như bài viết “Chiếc áo của má Trương” (người đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ 3 chiến sĩ Sư đoàn 2 thoát khỏi trận càn của địch), tôi thực sự bị ám ảnh và phải ấp ủ, nuôi dưỡng đề tài suốt 10 năm trời mới đủ sức “giải mã”.

Những bài báo “Bài và ảnh: Hồng Vân” ấy đã lấy nhân chứng từ các nhân vật trọng yếu của Quân đội, Quân khu 5 đến những cán bộ, chiến sĩ, quân và dân ta, nước bạn Lào, Campuchia… đã từng sống, chiến đấu trên chiến trường Khu 5. Chính điều đó đã giúp chị giành giải nhất Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày thương binh liệt sĩ” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.

Những nhân vật hiện lên trong tác phẩm của chị đều sắc nét, thắm đượm lòng yêu nước, yêu chiến sĩ, đồng bào, thắm tình đồng đội. Những tác phẩm ấy đã “dọn đường” cho nhiều ấn phẩm truyền hình phát trên chuyên mục “Lực lượng vũ trang Quân khu 5” được đông đảo công chúng chú ý, hoan nghênh và có những thước phim đã giành được nhiều huy chương tại các kỳ liên hoan truyền hình toàn quân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tri ân thế hệ đi trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO