Sự kiện kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam (12.3.1960 – 12.3.2020) vì dịch Covid-19 mà đình hoãn nhiều hoạt động. Song trong lòng con dân xứ Quảng, không cần lễ hội gì mà nhắc đến hai chữ Thanh Hóa cũng đã gợi lên bao điều, trong đó có niềm tri ân về những bậc tổ phụ khai sinh các dòng họ trên “vùng đất mở rộng về phương Nam”.
Cuộc chinh nam bình Chiêm của đoàn quân theo vua Lê Thánh Tông để lại nhiều dấu ấn về các vị tổ phụ người châu Ái, châu Hoan, tức miền Thanh – Nghệ, đến và lưu lại trên vùng đất Quảng Nam. Bằng chứng là trong phả ký nhiều tộc họ thường ghi xuất xứ của thủy tổ với câu “Bắc địa tùng vương khai giáo chỉ/ Nam thiên lập địa triệu hồng cơ”, xác định tổ tiên đã theo vua vào đây dựng làng lập ấp.
Như làng Mỹ Xuyên (Duy Xuyên) còn truyền lại, năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập ra đạo Thừa tuyên thứ 13 là Quảng Nam. Để trấn giữ vững chắc vùng đất này, vua cử võ tướng Lê Quý Công và 12 vị quan khác của triều đình cùng tham gia cuộc bình Chiêm ở lại củng cố hệ thống phòng thủ, lập cư; hình thành làng Mỹ Xuyên cho tới ngày nay.
Làng Mỹ Xuyên có nhà thờ tiền hiền cổ Long Xuyên, đã được xếp hạng Di tích văn hóa cấp tỉnh năm 1999, ngoài ra còn có chợ cổ, giếng cổ hàng trăm năm tuổi. Năm 2006, mộ Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hằng năm, vào ngày 12.2 âm lịch, dân làng Mỹ Xuyên mở hội tế lễ dâng cúng để tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao vị tiền hiền Lê Quý Công đã tạo dựng nên làng. Tìm lại gốc tích thì cựu quán của ngài Lê Quý Công ở Nông Cống, Thanh Hóa.
Đặc biệt có một nhân vật lịch sử đóng góp nhiều công sức để khai khẩn, khai canh khai cư xứ Quảng là Đô đốc Bùi Tá Hán (裴佐漢,1496 – 1568). Ông là người châu Hoan vào trấn thủ Quảng Nam thời Hậu Lê, thực hiện công cuộc di dân định cư đạt đến quy mô lớn và sâu rộng, như chiếu chỉ của vua Lê Trang Tông “Quảng Nam địa quảng điền phì nhi hộ hy nhơn thiểu, lánh di nhất tá bần chi canh dân tỉ cư sanh lý, phả hữu tích trữ lương thực dĩ đồ cửu kế” – (Quảng Nam đất rộng mà hộ hiếm, người ít, ta riêng đưa một số dân làm ruộng nghèo đến đó; họ sẽ phát triển gấp nhiều lần, có thể tích trữ lương thực để ta có thể mưu đồ kế khôi phục lâu dài).
Sách Phủ tập Quảng Nam ký sự chép: “Từ sau ngày miền đất Quảng Nam được vỗ yên, nông dân nghèo ở các xứ Thanh Ba (Thanh Hóa), Nghệ An, Hải Dương lũ lượt kéo nhau vào đây để vỡ ruộng lập làng”.
Cuộc di dân lớn rất đáng kể là dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa. Năm 1570, ông được kiêm quản cả xứ Quảng Nam. Vì phát xuất là kình địch của họ Trịnh – Đàng Ngoài, nên trước khi vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng tính kế phát triển sự nghiệp lâu dài, ông đã lôi kéo lực lượng quân binh đông đảo hàng ngàn người từ đất Bắc, cùng nhân dân các làng mạc ở huyện Tống Sơn, nghĩa dũng đất Thanh Hóa, Nghệ An vào Nam.
Trấn thủ miền Thuận Quảng (1558 - 1613), Nguyễn Hoàng đã dốc sức củng cố thế lực, thu phục lòng người bằng lối cai trị mềm mỏng, linh hoạt. Do vậy, nhiều họ tộc vào phương Nam định cư, thường ghi lại trong phả chí rằng thủy tổ từ miền bắc theo Thái tổ Gia Dũ Hoàng Đế vào trấn thủ Thuận Hóa khai canh đất này.
Lịch sử mở cõi gồm cả những trang chiến tranh và hòa bình đan xen, có “lưng đeo gươm” nhưng tay cũng “mềm mại bút hoa”, có mang gươm đi mở nước nhưng cũng có mang cày đi mở đất. Xứ Quảng, có sự góp mặt của “bách tính” đã hình thành một cơ đồ trù phú của trung tâm Đàng Trong một thời cho đến ngày nay. Do vậy, hậu thế cần tri ân công đức tiền nhân, không chỉ 60 năm trong thời hiện đại mà cả 600 năm dằng dặc.