Cùng với sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội, nhiều gia đình chính sách đã luôn nỗ lực vươn lên, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương đất nước. Nhân dịp UBND tỉnh tổ chức biểu dương, khen thưởng người có công tiêu biểu và các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đền ơn đáp nghĩa, Báo Quảng Nam giới thiệu một số gương điển hình tiêu biểu.
Đại diện lãnh đạo xã Jơ Ngây thăm và tặng quà cho bệnh binh Rapát Ngứp nhân ngày 27.7. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
ĐIỂM SÁNG JƠ NGÂY
Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chính quyền xã Jơ Ngây (huyện Đông Giang) luôn chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách và người có công, trở thành điểm sáng trên địa bàn miền núi.
Bà Zơrâm Thị Nép - Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây cho biết, nhận thấy hiệu quả thiết thực từ các mô hình “Gương sáng người có công” trên địa bàn xã, những năm gần đây, địa phương tiếp tục nhân rộng và phát huy thêm nhiều tấm gương điển hình trong các hộ chính sách, nhằm giáo dục thế hệ trẻ. Mô hình này được đánh giá có tác động tích cực đối với người dân vùng cao, hình thành nên nhiều gia đình chính sách gương mẫu và tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư miền núi. Trong số rất nhiều hộ chính sách gương mẫu của xã Jơ Ngây, phải kể đến hộ ông Rapát Ngứp (ở thôn Brùa) là bệnh binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có nhiều đóng góp cho địa phương trong phát triển sản xuất, giáo dục con cái thảo hiền.
Đến nay, toàn xã Jơ Ngây có 198 người được hưởng chế độ ưu đãi; 10 thân nhân thờ bằng liệt sĩ; 1 mẹ Việt Nam anh hùng; 121 thương, bệnh binh; 28 người có công giúp đỡ cách mạng; 1 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 5 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 25 người con bị nhiễm chất độc hóa học chiến tranh. Ngoài ra, đã giải quyết gần 300 đối tượng hưởng chế độ 1 lần; giải quyết chế độ tuất cho 10 đối tượng chính sách đã từ trần và lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ dân công hỏa tuyến cho 7 đối tượng, chờ giải quyết. |
Để làm gương, bên cạnh tham gia các hoạt động xã hội, nỗ lực phát triển kinh tế, ông Ngứp còn quan tâm giáo dục và chăm lo việc học tập của con cái. Nhờ vậy, hai người con của ông bây giờ đều trở thành cán bộ nhà nước. “Ở thôn, ngoài tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách phát luật của Đảng và Nhà nước, bản thân tôi còn hết mình tham gia truyền dạy nghệ thuật nói lý - hát lý cho lớp trẻ, nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông. Ngoài ra, gia đình tôi còn làm gương trong công tác xóa đói, giảm nghèo và khuyến khích người dân địa phương quan tâm cho con em đến trường học tập, từng bước nâng cao dân trí” - ông Ngứp chia sẻ. Ngoài ông Ngứp, ở xã Jơ Ngây còn rất nhiều hộ chính sách gương mẫu, như: hộ ông Alăng Lóh (ở thôn Ngật); Alăng Hế (thôn Aram 2)… với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giáo dục con cái học hành đến nơi đến chốn.
Theo ông Alăng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, chung tay xây dựng nông thôn mới, những năm qua địa phương còn chú trọng chăm lo, hỗ trợ người có công, gia đình chính sách. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai rà soát và lập các hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ chính sách cho người có công; tổ chức thăm hỏi và tặng quà nhân dịp các ngày lễ lớn, nhất là dịp 27.7.
Để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho người có công, hàng năm chính quyền xã Jơ Ngây đều tổ chức họp hội đồng chính sách xét chọn các đối tượng đủ điều kiện để đi điều dưỡng tập trung; đối tượng già yếu được điều dưỡng tại nhà. Kịp thời cấp phát và đổi thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng người có công, cũng như con cái của họ bị di chứng chất độc hóa học theo đúng quy định của pháp luật. Trực tiếp hướng dẫn và lập đầy đủ các thủ tục hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào đạo cho 150 học sinh - sinh viên là con của đối tượng người có công cách mạng. Qua đó, giúp các em có thêm điều kiện trong học tập, sau này trở về phục vụ cho quê hương miền núi.
ĐĂNG NGUYÊN
CHĂM LO ĐỜI SỐNG NGƯỜI CÓ CÔNG
Suốt 20 năm qua, xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) luôn thực hiện tốt việc chăm lo đối tượng chính sách trên địa bàn.
Khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thăng sạch, đẹp làm ấm lòng thân nhân đến viếng hương mộ liệt sĩ. Ảnh: D.LỆ |
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tài (SN 1916, thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng) năm nay sức khỏe không còn như trước nữa, nên các con thường xuyên đến thăm mẹ hơn. Bà Phạm Thị Xuân Lài, con dâu mẹ Tài cho biết: “Sự quan tâm của các anh chị thanh niên, các anh chị ở các hội đoàn thể, rồi lãnh đạo xã rất chu đáo. Nhờ vậy mà mẹ vui, nên sống trường thọ với con cháu”. Mẹ Tài có chồng và con trai hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nên khi tăng cường mở rộng tiêu chí xét duyệt, năm 2013 mẹ Tài được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà Lài nói rằng khi có quy định mới, gia đình nhận ngay được thông báo của xã Tam Thăng, được hướng dẫn xác lập hồ sơ rất tận tình, nên hồ sơ được làm nhanh và không có bất cứ một trở ngại nào. Ngay sau khi được phong tặng danh hiệu cao quý, mẹ Tài được hai đơn vị nhận phụng dưỡng, đó là Đoàn địa chất 154 Tam Kỳ (mức 500 nghìn đồng/tháng) và Tổng cục Bản đồ - Bộ Quốc phòng (mức 1 triệu đồng/tháng). Hay trường hợp bà Trương Thị Hương (con liệt sĩ, sống đơn thân ở thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng) luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, đoàn thể để cuộc sống ổn định hơn. Căn nhà bà Hương đang thờ cúng người cha là liệt sĩ đã được hỗ trợ sửa chữa và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho thân nhân của liệt sĩ. Bà Hương tâm sự: “Tôi hay bị đau ốm, đi bệnh viện thường xuyên. Vì vậy, việc được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo chế độ giúp tôi đỡ bớt gánh nặng chi phí mỗi khi ốm đau, bệnh tật”.
Những ngày đầu tháng 7, khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thăng được tôn tạo từ nguồn đầu tư của tỉnh và thành phố. Từng bia mộ ghi danh liệt sĩ được những người thợ khắc, sơn cẩn thận, giúp thân nhân liệt sĩ đến tìm mộ dễ dàng hơn. Đồng thời huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, hội viên các hội đoàn thể đến dọn vệ sinh. Đó vừa là sự tri ân đối với vong linh của 369 anh hùng liệt sĩ đang yên giấc ở nơi đây, vừa làm cho thân nhân liệt sĩ đến viếng hương cũng được an lòng hơn. Đặc biệt đối với 36 ngôi mộ liệt sĩ chưa rõ họ tên, người quản trang cẩn trọng chăm sóc, thắp nhang để mộ phần thêm ấm cúng. Trong những năm qua, đã có thêm 16 hài cốt liệt sĩ được xã Tam Thăng phối hợp với các đơn vị cất bốc, quy tập và an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã.
Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, xã Tam Thăng luôn xác định ưu tiên hàng đầu là phải xác lập, giải quyết hồ sơ, chế độ kịp thời cho các đối tượng chính sách. Bởi những đối tượng chính sách hầu hết tuổi đã cao, nên làm chế độ sớm cho đối tượng càng sớm càng tốt. Ông Thắng nói: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tam Thăng lần thứ XII đã xác định phải thực hiện tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tất cả những công việc liên quan như xác lập hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ, thực hiện chế độ đối với đối tượng chính sách, quan tâm đến gia đình đối tượng chính sách luôn được Tam Thăng cố gắng thực hiện tốt nhất”.
Hiện nay, toàn xã Tam Thăng có 1.195 đối tượng người có công và thân nhân (trong đó có 8 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống). Nhiệm vụ chăm sóc, quan tâm đến đối tượng chính sách được giao đến từng hội, đoàn thể, các phòng ban của xã Tam Thăng. Chính sự phối hợp này đã góp phần sâu sát cơ sở, kịp thời quan tâm, động viên và hỗ trợ gia đình chính sách hiệu quả nhất.
LÊ DIỄM
THẮP LỬA TRI ÂN
Bằng nhiều việc làm sâu sát, thiết thực, thời gian qua, xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành) là một trong những địa phương điển hình làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công.
Những ngày tháng 7, gia đình mẹ VNAH Nguyễn Thị Cang (95 tuổi, thôn Tiên Xuân 2, xã Tam Anh Nam) lại đón các đoàn và đơn vị về thăm hỏi. Mẹ Cang là mẹ VNAH duy nhất còn sống ở xã Tam Anh Nam, được Trung tâm Y tế huyện Núi Thành nhận phụng dưỡng. Những khi trái gió trở trời, ốm đau, mẹ đều được chính quyền xã, các cán bộ Trung tâm Y tế tận tình giúp đỡ. “Mẹ có chồng, con cả là liệt sĩ. Nay tuổi đã cao, được chính quyền, Trung tâm Y tế quan tâm nên thấy ấm áp hơn” - mẹ Nguyễn Thị Cang nói.
Là một trong những địa bàn trọng điểm trong chiến tranh, xã Tam Anh Nam có hơn 390 người có công, với 130 liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến. Công tác thương binh, liệt sĩ, người có công vì thế được các cấp, ngành ở xã chú trọng thực hiện. Trong nhiều năm qua, các chính sách đối với thương binh liệt sĩ và người có công trên địa bàn đều được thực hiện hiệu quả. Cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, mà còn nhận được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, người con xa quê hướng về… Ông Nguyễn Minh Thể - cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH xã Tam Anh Nam chia sẻ, thời gian qua, nhờ làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục các thế hệ về truyền thống vẻ vang của địa phương, những đóng góp, hy sinh của các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, mà các hoạt động hướng về những đối tượng này nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân và các cấp, ngành. “Nhiều năm gần đây, cán bộ và lãnh đạo xã đều trực tiếp đến thăm hỏi các gia đình chính sách có người ốm đau, tổ chức viếng hương những người có công qua đời, đón nhận và cải táng liệt sĩ về nghĩa trang chu đáo và trân trọng. Lễ thắp nến tri ân mỗi năm, có hàng nghìn người dân các tầng lớp tham gia dự lễ vào dịp tết, dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27.7” - ông Thể cho biết.
Từ năm 2014 đến năm 2016, xã Tam Anh Nam đã huy động hơn 300 triệu đồng xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, có năm vượt 200% so với chỉ tiêu đề ra. Từ nguồn kinh phí này, xã đã tổ chức xây mới 3 nhà chính sách, sửa chữa 6 căn nhà khác. Từ cuối năm 2016, 99,5% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân nơi cư trú, không có hộ chính sách, người có công thuộc hộ nghèo. Đây là cũng địa phương nhiều năm liền dẫn đầu về làm tốt công tác thương binh liệt sĩ trên địa bàn huyện Núi Thành. |
Được biết, ngay từ tháng 3.2017, UBND xã Tam Anh Nam đã lập kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng về sự kiện trọng đại này. Các cấp, ngành của xã đều chung tay vào từng hoạt động, như tổ chức hội nghị biểu dương thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu; đặt vòng hoa, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ xã; thăm hỏi, viếng hương các gia đình chính sách. Xã Tam Anh Nam cũng tổ chức vận động xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, trao tặng 10 sổ tiết kiệm cho gia đình người có công. Ngay cả những việc làm nhỏ cũng được đưa vào kế hoạch như kiểm tra, rà soát thông tin trên bia mộ liệt sĩ tại nghĩa trang và nhà bia liệt sĩ để kịp điều chỉnh nếu phát hiện sai sót; gặp mặt, củng cố tổ liên lạc thương binh liệt sĩ từng thôn, rà soát các gia đình chính sách cần hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ. Ông Nguyễn Xướng - Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam cho hay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hằng năm quỹ Đền ơn đáp nghĩa của xã vận động được hơn 90 triệu đồng để thăm, tặng quà, tổ chức lễ kỷ niệm ngày 27.7 cho các gia đình người có công; vận động sự đóng góp của người dân, các mạnh thường quân, xây mới và sửa chữa 9 ngôi nhà. Công trình nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ cũng được xây dựng mới trang trọng, tôn nghiêm, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ trẻ. “Những việc làm đó là tình cảm, sự tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh của thế hệ cha ông cho Tổ quốc. Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của bà con, các nhà hảo tâm ở khắp vùng miền, nhất là con cháu của quê hương đi xa lập nghiệp luôn hướng tấm lòng về với quê hương” - ông Xướng nhấn mạnh.
THÀNH CÔNG
NHƯ NHỊP CHIÊNG NGÂN...
Ông Zơrâm Bôi (78 tuổi, ở thôn Bút Nhót, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) được xem một trong những “cây đại thụ” giữa núi rừng Trường Sơn...
Còn nhớ, trong ngày hội bầu cử ở vùng cao vào năm ngoái, ông Bôi là người bỏ lá phiếu đầu tiên vào thùng phiếu, trước sự chứng kiến của cử tri khắp vùng. Sự uy tín, mẫu mực và cả vai trò, giá trị của tiếng nói, hành động của ông chính là thước đo để tạo niềm tin trong cộng đồng làng. Với dân làng Bút Nhót, công sức của ông dài như dòng suối Pho chảy từ phía thượng nguồn. Bút Nhót là quê hương thứ hai. Quê gốc của ông vốn ở xã A Nông (Tây Giang). Năm 1978, ông đưa vợ con về định cư tại Sông Kôn theo cuộc hành trình di dân thời điểm đó. Sau vài lần di chuyển, ông chọn vùng đất cạnh dòng sông R’lang để định cư, cho đến bây giờ. Ở vùng đất mới, ông tiếp tục tham gia công tác chính quyền xã và trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt.
Ông Zơrâm Bôi được tín nhiệm là người bỏ lá phiếu đầu tiên vào thùng phiếu tại ngày hội bầu cử năm ngoái. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Ngày đó, bước chân ông đi khắp các cánh rừng, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới. Bắt đầu từ gươl. Gươl được ông vận động đồng bào địa phương dựng lên, hình thành những không gian sinh hoạt truyền thống, gắn kết cộng đồng. Những cuộc họp tại gươl, nhiều chủ trương mới được ông và cán bộ thôn truyền đạt, đã giúp người dân hiểu hơn về các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào miền núi. Rồi đến công tác bảo tồn các làn điệu truyền thống Cơ Tu, nói lý - hát lý, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế,… tiếp tục được phát huy, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp thêm vào diện mạo tươi mới ở vùng cao nơi ông đang sinh sống. Với con người nhiệt huyết ấy, bất cứ ai cần ông đều hỗ trợ hết mình. Chỉ tay về những ngôi nhà xây mới bên kia triền núi, ông bảo đó là những gia đình được hỗ trợ theo chế độ chính sách. Từ lúc còn làm cán bộ xã cho đến bây giờ, có đến hàng chục đối tượng chính sách được ông trực tiếp làm hồ sơ. Bởi ngày đó làm gì có nhiều người biết chữ. Nên khi có chủ trương rà soát, lập thủ tục hồ sơ xem xét giải quyết chế độ cho người có công, ông đều tình nguyện làm giúp. Bởi thế, họ quý ông và tin những gì ông làm, ông nói.
Ông Zơrâm Bôi tham gia cách mạng từ năm 1953, bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông từng được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 13 Huân, Huy chương các loại; 2 Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; 2 Huy hiệu Dũng sĩ Quyết thắng; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Cựu chiến binh; sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen cao quý khác của các cấp... |
Nhiều người nói ông giỏi. Dù cuộc sống khó khăn, lại bận bịu với công việc xã hội, nhưng vẫn cố gắng nuôi bốn người con ăn học đến nơi đến chốn. Cả bốn người con, nay đều trở thành những cán bộ trẻ năng động của địa phương miền núi. Như Zơrâm Thị Nhiếp, hồi trúng tuyển vào Trường Đại học Nông lâm Huế, chị đã có chồng con. Ngày chị lên xe ra Huế học, đứa con khóc thét vì không muốn rời xa mẹ. Nhưng chính ông Bôi là người động viên con tiếp tục học tập. Sau này, Zơrâm Thị Nhiếu, Zơrâm Nhước, Zơrâm Thị Nhính, cũng đều tốt nghiệp đại học. Nhiều người nói vui rằng, ở vùng cao Đông Giang này, để trở thành “ông bố cử nhân” như ông thật quá khó. Rồi gương ông cũng được nhân rộng. Đầu tiên là những người trong làng. Họ cho con ăn học, tìm cách trồng rừng, trồng keo để “nuôi” con chữ.
Còn với tộc họ Zơrâm, ông là tộc trưởng và cũng là người góp công lớn tập hợp anh em xây dựng tộc họ khắp vùng lân cận. Đó là vào năm 2014, khi tộc họ Zơrâm được ra mắt. Những lần họp như thế, ông đều lồng ghép tuyên truyền gìn giữ văn hóa truyền thống, khuyến khích bà con cùng tìm hướng phát triển mô hình kinh tế hiệu quả từ rừng và quan tâm đến việc học tập của con cái. Nhiều người nghe theo ông mà ổn định cuộc sống, như hộ ông Hanh, ông Đàn và nhiều người khác.
ALĂNG NGƯỚC