Trị "căn bệnh" chập điện gây cháy nổ

HOÀNG VƯƠNG 07/11/2023 08:08

Thay vì ví hỏa hoạn là “giặc lửa” thì hãy coi như đây là “căn bệnh”, mà bệnh thì phải cần có bác sĩ và bệnh viện để điều trị, phòng ngừa.

Lực lượng chức năng nỗ lực dập tắt đám cháy kho hàng xảy ra sáng 16/10/2023 tại phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ. Ảnh: H.V
Lực lượng chức năng nỗ lực dập tắt đám cháy kho hàng xảy ra sáng 16/10/2023 tại phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ. Ảnh: H.V

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 1.477 vụ cháy, làm 123 người chết, 99 người bị thương, thiệt hại gần 211 tỷ đồng.

Riêng tháng 9/2023, toàn quốc xảy ra 198 vụ cháy, làm chết 63 người, bị thương 46 người, thiệt hại tài sản ước tính 9,8 tỷ đồng và 19 ha rừng. Qua điều tra làm rõ nguyên nhân 117/198 vụ (chiếm 59,09%) thì có tới 60 vụ (chiếm 51,28%) là do sự cố hệ thống, thiết bị điện.

Dân gian vẫn thường ví hỏa hoạn là “giặc” để nói về những tai họa gây ra đối với con người cực kỳ nguy hiểm. Giặc thì phải chống, phải đánh đuổi! Nhưng thực tế bao năm qua “giặc lửa” chưa bao giờ bị đánh bại, bị loại khỏi đời sống xã hội, mà ngược lại còn gây ra rất nhiều đau thương, mất mát cho con người.

Vậy nên, thay vì ví hỏa hoạn là giặc thì hãy coi như đây là “căn bệnh”, mà bệnh thì phải cần có bác sĩ và bệnh viện để điều trị, phòng ngừa. Có như vậy mới không còn những vụ cháy thương tâm. Cả nước hiện nay chưa thấy các loại hình “bệnh viện” kiểu này.

Ở nước ta mỗi năm có hàng ngàn kỹ sư ngành điện được đào tạo từ bậc đại học, cao đẳng, trung cấp. Riêng Trường Đại học Điện lực mỗi năm tuyển sinh hơn 3.400 sinh viên. Thiết nghĩ, với nguy cơ hỏa hoạn như hiện nay, cần thành lập các “bệnh viện” chuyên đặc trị “căn bệnh” chập điện gây cháy, nổ.

Nôm na có thể gọi là trung tâm phòng, chống chập điện; trung tâm quan trắc điện gia dụng; trung tâm xử lý sự cố điện gia dụng… Và lực lượng “bác sĩ” ở các “bệnh viện” này chính là đội ngũ kỹ sư chuyên ngành điện lực được đào tạo bài bản, đang cần việc làm ổn định.

Bởi lẽ thực tế hiện nay rất ít có hộ gia đình nào biết được tổng công suất tiêu thụ điện của các thiết bị gia dụng so với công suất chịu tải của đường dây đang sử dụng để phòng ngừa tình trạng vượt tải gây chập cháy, đó là chưa kể tới việc kiểm tra các ổ cắm, hộp đấu nối, mối nối dây điện bị ô xy hóa, move tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao.

Và hầu như chẳng có một gia đình nào quan tâm đến việc thuê chuyên gia ngành điện đến nhà để kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn định kỳ nhằm đề phòng chập cháy, mà dịch vụ này hiện nay cũng chưa hình thành, nhất là ở khu vực đô thị với nguy cơ cháy do chập điện khá cao.

Như vậy, nhiệm vụ của các “bác sĩ” điện là cung cấp dịch vụ kiểm tra tổng quát, đo lường định kỳ các hệ thống điện dân dụng, điện công nghiệp cho các hộ gia đình, nhà xưởng… để có biện pháp phòng ngừa sự cố kịp thời.

Họ sẽ tính toán công suất tiêu thụ các thiết bị so với công suất tải đường dây, kiểm tra độ an toàn của các thiết bị tiêu thụ điện, hệ thống ổ cắm các mối nối… Từ đó sẽ đề xuất giải pháp thay thế một cách an toàn, tiết kiệm nhất...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trị "căn bệnh" chập điện gây cháy nổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO