Trí thức đất Quảng với Nam Phong tạp chí

NGUYỄN DỊ CỔ 22/06/2017 11:11

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, đặc biệt là Phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh khởi xướng với mục tiêu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, cùng với cốt tính xứ Quảng “hay cãi”, “lý sự quá Phan Khôi”, cộng thêm ý thức vai trò diễn đàn ngôn luận, công cụ đấu tranh của văn bút... đã làm cho nhiều trí thức đất Quảng dấn thân vào con đường báo chí.

Bìa cuốn Nam Phong tạp chí.
Bìa cuốn Nam Phong tạp chí.

Có thể kể đến một số chủ bút nổi tiếng: Phan ChâuTrinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, Nguyễn Đình Hòe, Phan Thao, Lê Đình Thám…, đã góp phần sôi động cho lịch sử báo chí Việt Nam giai đoạn này, trong đó có Nam phong tạp chí (NPTC).

NPTC ra số đầu tiên cách ngày nay tròn 100 năm, vào ngày 1.7.1917, kéo dài đến cuối năm 1934. Lúc đầu là nguyệt san, về sau trở thành bán nguyệt san, tổng cộng 210 số, là tạp chí tồn tại lâu nhất trong hoàn cảnh báo chí Việt Nam đương thời. Toàn bộ các số tạp chí đều theo một cấu trúc thống nhất, gồm các đề mục: (1) Luận thuyết; (2) Văn học bình luận; (3) Triết học bình luận; (4) Khoa học bình luận; (5) Văn uyển; (6) Tạp trở; (7) Thời đàm; (8) Tiểu thuyết; ngoài ra còn có thêm mấy trang của mục Từ vựng ở cuối mỗi số để “diễn thích những tiếng mới”.

Đặt móng xây nền

NPTC ra đời trên tôn chỉ “cái mục đích của bản báo là muốn gây lấy một nền học mới để thay vào cái nho học cũ, cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với thời thế cùng trình độ dân ta” (số 1, 1917). Điều đó rất thích hợp với những trí thức đất Quảng theo tư tưởng canh tân, duy tân, đã tạo nên một đội ngũ chủ bút, bỉnh bút là những văn tài lỗi lạc.

Trước hết phải kể đến Nguyễn Bá Trác - một trong những người sáng lập ra NPTC và đồng chủ bút với Phạm Quỳnh. Phạm Thị Ngoạn cho rằng, trong nhóm NPTC, vai trò của Nguyễn Bá Trác thật rõ rệt: ông là chủ bút phần Hán tự, song trong thực tế, dường như ông có nhiều ảnh hưởng đối với phần Quốc ngữ. Nguyễn Bá Trác (1881 - 1945) hiệu/bút danh là Tiêu Đẩu, quê làng Bảo An (thị xã Điện Bàn hiện nay). Năm 1906, ông đỗ cử nhân. Hưởng ứng phong trào Duy tân, Đông du, ông sang Nhật Bản du học; phong trào Đông du thất bại, ông sang Trung Quốc. Trong thời gian này, ông từng viết báo nên có kinh nghiệm về báo chí. Trước khi đến với NPTC, Nguyễn Bá Trác đã làm ở phòng báo chí phủ Toàn quyền Đông Dương, chủ bút tờ Cộng Thị báo bằng chữ Hán, nên càng tích lũy nhiều kinh nghiệm. Phạm Thị Ngoạn cũng nhấn mạnh: “Năm 1917, Nguyễn Bá Trác đầy trưởng thành vì đã 36 tuổi, trở nên đồng sáng lập viên và đồng chủ bút NPTC với Phạm Quỳnh - đàn em mới 25 tuổi”.

Khi Nguyễn Bá Trác rời NPTC thì phần chữ Hán được giao cho một học giả tên tuổi cùng quê Quảng Nam là Lê Dư, cũng từ Trung Hoa, Nhật Bản về. Lê Dư (1885? - 1957) hiệu/bút danh là Sở Cuồng, quê làng Nông Sơn (thị xã Điện Bàn hiện nay). Trong phong trào Duy tân, ông cùng Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi ra Hà Nội học tiếng Pháp và tham gia công tác trong trường Đông Kinh nghĩa thục. Sau đó, ông làm việc ở phòng chính trị của Phủ toàn quyền Đông Dương, rồi làm trợ bút cho NPTC. Phan Khôi cũng là một trong số những người tham gia viết báo đầu tiên cho NPTC về nội dung Nam Âm thi thoại.

Tiên phong thể loại

Trí thức đất Quảng tham gia viết rất nhiều bài cho NPTC. Trong 210 số tạp chí, có khoảng 10 người đất Quảng với số lượng bài nhiều ít khác nhau. Chương Dân (Phan Khôi) đăng 8 tác phẩm (có thể gồm nhiều đơn vị tác phẩm nhỏ) trên 13 số. Huỳnh Thúc Kháng 1 tác phẩm. Lê Dư 13 tác phẩm/24 số. Nguyễn Bá Trác 13 tác phẩm/25 số. Nguyễn Tường Tam 1 tác phẩm. Phạm Liệu 1 tác phẩm. Bùi Thế Mỹ 5 tác phẩm/3 số. Phạm Phú Thông 5 tác phẩm/2 số. Đặc biệt có cả nữ trí thức của đất Quảng là nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết và xuất bản tiểu thuyết, kịch hát bội, biên khảo lịch sử, ký sự bằng chữ quốc ngữ, 5 tác phẩm/5 số.

Ngoài nội dung các bài viết đều tuân theo 8 mục cố định của NPTC, trí thức đất Quảng đã có những sáng tạo về thể loại tác phẩm. Phạm Phú Phong cho rằng, Phan Khôi viết Nam Âm thi thoại là công trình lý luận, phê bình thơ chữ Nôm đầu tiên, nó ra đời trước Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn. Lê Dư có Quốc âm thi văn tùng thoại. Theo Phạm Thị Ngoạn, Phan Khôi và Lê Dư cũng “tỏ ra là những tay cự phách trong thi giới”, “nhờ ở những thi thoại này mà độc giả có dịp thưởng thức và đánh giá dễ dàng các thi nhân cũng như thi nghiệp”. Tác giả cũng nhận định, ngoài loại tiểu thuyết (hay trường thiên tiểu thuyết) NPTC còn góp phần rất lớn nhằm phát triển thể loại truyện ngắn (hay đoản thiên tiểu thuyết, tân truyện). Nguyễn Bá Trác là tác giả một tân truyện mà Nguyễn Bá Học dịch ra Việt văn cho NPTC số đặc biệt Tết Mậu Ngọ 1918, dưới nhan đề Chén rượu năm mới. NPTC cũng góp phần đẩy mạnh nhiều loại văn khác: bài ký, văn du ký, bút ký, tùy bút… Nguyễn Bá Trác cho đăng tập Hạn mạn du ký nói về cuộc sống viễn du của ông tại Trung Hoa và Nhật Bản, “là tập du ký thứ hai của Việt Nam (sau Nhật ký đi Tây lừng lẫy của Phạm Phú Thứ) (…), có ảnh hưởng sâu sắc đối với các nhà văn, thơ mới như Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân… Hạn mạn du ký có tính chất lãng mạn và gợi sự thèm đi” (Nguyễn Văn Xuân). Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa cũng gửi đăng một ký sự đậm chất du khảo và văn học là Bà Nà du ký. Phạm Liệu thì có bài Diễn thuyết Quốc Tử Giám (số 33, 2/1920) cũng là một thể loại mới trong lịch sử văn học Việt Nam.

Dẫn lối tư tưởng

Bên cạnh những ý thức bảo tồn truyền thống, trí thức đất Quảng cũng thể hiện tư tưởng duy tân, tân học trong bối cảnh tiếp xúc văn hóa Đông - Tây, giao lưu Á - Âu. Phan Khôi dẫn lối qua các bài viết Mấy lời tóm tắt về phép vệ sinh, Bàn về việc giáo dục trong gia đình (Những điều trái với với phép giáo dục; Giáo dục cùng tính di truyền; Nói về đức dục, trí dục trong gia đình; Giáo dục về chức nghiệp). Lê Dư với Một quan niệm mới về đời người, kết luận là người Việt Nam ta có ba tật xấu nguy hại nhất: (1) Ỷ lại; (2) Cẩu thả; (3) Hủ bại. Nguyễn Bá Trác có Cái quan niệm dân ta đối với chủ nghĩa “Đông Dương thống nhất”, Giải nghĩa về sự lập Hội đảng. Nguyễn Tường Tam viết Mấy lời bình luận về văn chương Truyện Kiều. Huỳnh Thị Bảo Hòa thì đề xuất Nhân cách phụ nữ và thuyết dụ Vì sao tôi cúp tóc? Nguyễn Bá Trác viết bài Nói ngay cũng phải dịu lời với tư tưởng khuyên dẫn mọi người sử dụng “đẹp” tiếng Việt. Nhìn chung những bài viết của trí thức đất Quảng đều mang tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí” một cách rõ rệt.

Trí thức đất Quảng tham gia NPTC không chỉ là ký giả mà còn là những học giả đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực của đất nước đương thời. Họ mở đầu cho sự nghiệp văn bút và đạt nhiều thành tựu sáng chói, làm rạng danh quê hương, là tấm gương soi cho những thế hệ cầm bút đi sau.

NGUYỄN DỊ CỔ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trí thức đất Quảng với Nam Phong tạp chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO