Hẳn bạn được từng nghe có một loại rô bốt có thể thay thế được phóng viên để viết bản tin hoàn chỉnh với tốc độ khá nhanh, số liệu tổng hợp chính xác, giúp rút ngắn được quá trình xuất bản? Điều này là có thật. Tuy nhiên, cũng có sự thật rằng dù rô bốt có thể làm thay được nhiều việc cho con người, nhưng công việc của nhà báo cũng khó mà bị thay thế bởi rô bốt.
Dịch Covid-19 đang đi vào giai đoạn giãn cách xã hội, anh Nguyễn Trần T. - một kỹ thuật viên lành nghề của một đài truyền hình tỉnh bạn cũng là cộng tác viên kỹ thuật của Báo Quảng Nam điện tử chia sẻ với chúng tôi một cách làm bản tin truyền hình, phát trên kênh youtube cá nhân bằng cách dùng công cụ tự động mà không cần phải giao tiếp với ai. Chúng tôi bắt tay sản xuất thử và thấy rằng nó không mấy khó.
Một tập đoàn công nghệ hồi đầu năm nay chào mời chúng tôi sản phẩm giọng đọc bằng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) khá giống giọng người thật, nhưng khâu nhập liệu văn bản không chỉn chu hoặc có vài từ viết tắt, giọng máy sẽ đọc thành những từ vô nghĩa, ngây ngô.
Cũng vào cuối năm vừa rồi, một đơn vị truyền thông phía Nam chào hàng với chúng tôi công cụ sản xuất video tin tức tự động, có hẳn hình ảnh mô phỏng một phát thanh viên người máy. Với độ dài khoảng 5 - 10 phút/bản tin thì mỗi ngày hệ thống này có khả năng xuất bản từ vài chục đến hàng trăm bản tin video, song khâu chọn lọc tin tức, chọn lựa hình ảnh để chỉ định cho máy dựng vẫn phải qua tay một biên tập viên... Ngày càng có nhiều công cụ giúp nhà báo tác nghiệp đỡ vất vả hơn, tuy vậy, dấu ấn của máy móc khó mà kéo gần khoảng cách của máy và người!
“Hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ giúp phóng viên kết nối tốt hơn với độc giả bằng cách theo dõi thời gian họ dành cho các bài viết và duy trì hiệu quả với những bài được đọc nhiều nhất. Đối với một số trang báo có ứng dụng trên điện thoại di động, AI cá nhân hóa nội dung tùy theo đặc điểm ưa thích của từng độc giả. Một số công cụ cho phép người đọc chọn lựa phiên bản, chủ đề, thậm chí phóng viên yêu thích hiển thị lên trước tiên và gợi ý các tin tức liên quan mà có thể độc giả sẽ ưa thích… Khi độc giả nhận được sự cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu của mình từ những trang báo uy tín, có lẽ họ sẽ từ bỏ dần thói quen đọc báo trên mạng xã hội hay ở những trang tin chưa được kiểm chứng”
(theo: Nic Newman)
Nic Newman - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford chia sẻ câu chuyện về Hãng tin AP từng tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động hóa việc xuất bản các tin tức về báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trước đó, việc viết tin thủ công thì lượng tin bài ở mức vài trăm đơn vị mỗi quý rồi sau đó tăng lên hàng nghìn.
Tiếp đến là các tờ New York Times, Reuters, The Guardian, BBC, rồi đến tòa soạn các hãng tin lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc… đã sử dụng nhiều công cụ AI để tham gia quá trình xử lý thông tin. Cách thức mà họ làm nên những rô bốt - nhà báo là tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại trong quá trình viết tin, bài theo một cấu trúc chung. Mô hình tự động hóa này chủ yếu được dùng để sản xuất thông tin tài chính hoặc tổng hợp kết quả các trận đấu thể thao…
Trong bối cảnh đó, AI sẽ có vai trò như những người giúp việc, giảm bớt gánh nặng cho phóng viên. Đó là việc sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản để tiết kiệm thời gian nghe lại ghi âm của phóng viên, cho đến việc dùng phần mềm có thể quét qua hàng nghìn trang văn bản, giúp phóng viên củng cố, kiểm chứng thông tin…
Điều đó cho thấy AI có thể hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động báo chí như thế nào. Tuy nhiên, theo Nic Newman thì những sản phẩm báo chí điều tra hay yêu cầu tác nghiệp hiện trường, làm sao rô bốt thay thế con người? Người đoạt giải Pulitzer sẽ vẫn là phóng viên bằng xương bằng thịt chứ không thể nào là máy móc.
Thăm dò của các nhà nghiên cứu từ các tòa soạn báo lớn trên thế giới cho thấy rằng việc đầu tư cho trí tuệ nhân tạo là cần thiết trong tương lai. Điều này thể hiện ở chỗ AI sẽ giúp cá nhân hóa nội dung và tạo ra gợi ý phù hợp cho độc giả; tiếp đó là tự động hóa việc viết tin bài, xuất bản video; và thứ ba là cung cấp công cụ để hỗ trợ phóng viên giải quyết công việc.
Nếu bạn đọc mong chờ một bài viết sắc sảo, hóm hỉnh của một tác giả mà mình mến mộ, liệu rô bốt có thể đáp ứng được? Chắc chắn là khó. Điều này lại đặt ra vấn đề trong tương lai, nếu nhà báo không tạo được bản sắc riêng của chính mình thì những rô bốt có thể “học” được cách làm báo và có thể thay thế được công việc của họ. Tuy nhiên, dù AI thông minh đến mấy thì “rô bốt phóng viên” vẫn không có đủ 5 giác quan của con người (nhìn, nghe, ngửi, nếm và cảm nhận). “Rô bốt phóng viên” không thể tự điều tra, phân tích, bày tỏ tâm trạng hay cổ vũ con người đi theo những điều thiêng liêng, tốt đẹp của cuộc sống. Rô bốt cũng không học được “quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp” dành cho nhà báo, cái tâm ấm nồng của nhà báo trước thời cuộc, trong mỗi tình huống ở đời luôn là điều cần thiết, điều mà máy móc không thể thay thế được.