Triển khai biên soạn Địa chí Điện Bàn

VĨNH LỘC 25/11/2022 14:39

(QNO) - Việc biên soạn công trình Địa chí Điện Bàn phải làm nổi bật sự khác biệt của Điện Bàn với các địa phương khác, quá trình nghiên cứu phải hết sức thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn. Đây là ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định tại cuộc họp góp ý đề cương tổng thể công trình Địa chí Điện Bàn do UBND thị xã Điện Bàn tổ chức chiều 24/11.

Các thành viên Hội đồng thẩm định sẽ giúp thj xã Điện Bàn thẩm định từng phần đến tổng thể công trình địa chí Điện Bàn. Ảnh: V,L.
Các thành viên hội đồng thẩm định sẽ giúp thj xã thẩm định từng phần đến tổng thể công trình địa chí Điện Bàn. Ảnh: V,L.

Theo đề cương và dự toán do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế (đơn vị tư vấn) biên soạn trình bày, Địa chí Điện Bàn sẽ có 4 phần với 20 chương. Phần thứ nhất (2 chương) giới thiệu địa lý tự nhiên và dân cư, hành chính vùng đất.

Phần thứ hai (8 chương) trình bày lịch sử Điện Bàn qua các thời kỳ từ tiền Champa đến hôm nay, gắn với đó là quá trình hình thành làng xã, văn hóa gia tộc, tầng lớp thị dân và quá trình đô thị hóa ở Điện Bàn.

Phần thứ ba (3 chương) mô tả tình hình kinh tế địa phương (nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông liên lạc…). Phần thứ tư (7 chương) trình bày về đời sống, văn hóa, xã hội vùng đất Điện Bàn từ văn nghệ dân gian, văn học, giáo dục, y tế đến phong tục, tín ngưỡng, di tích lịch sử, nhân vật lịch sử…

Dự kiến, tổng số trang bản thảo in sách Địa chí Điện Bàn khoảng 1.500 trang khổ A4, thời gian thực hiện 36 tháng, tổng kinh phí dự toán 5,95 tỷ đồng.  

thành viên hội đồng thẩm định khẳng định, Điện Bàn là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, đặc biệt có những nhân vật lịch sử kiệt xuất với tầm ảnh hưởng không chỉ ở Điện Bàn, Quảng Nam mà còn được người dân cả nước tin yêu, kính trọng. Vì vậy, quá trình nghiên cứu phải hết sức thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn.

Bên cạnh phải có phương pháp nghiên cứu cụ thể, ban biên soạn cũng cần tập hợp được những sử liệu có giá trị và trọng tâm về Điện Bàn để làm nổi bật được sự khác biệt của vùng đất Điện Bàn so với những địa phương khác. Thời gian hoàn thành công trình cần ít nhất 5 năm.  

Theo Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, thành viên hội đồng thẩm định, làm địa chí rất khó nhưng không thể không làm, nên sẽ vừa làm vừa bổ sung khi có thông tin mới. Đặc biệt, đề cương cần bổ sung thêm chương về Nhân vật chí, đây sẽ là điểm nhấn thú vị mang đến sự khác biệt cho công trình Địa chí Điện Bàn.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, thành viên hội đồng thẩm định chia sẻ, với những giá trị đặc trưng và bề dày lịch sử văn hóa, việc Điện Bàn hôm nay mới triển khai làm địa chí là hơi chậm, nhưng không vì thế mà rút ngắn thời gian nghiên cứu biên soạn hoặc quá thận trọng, cầu toàn. Do đó, phải nhanh chóng triển khai đấu thầu rộng rãi biên soạn công trình này.

Điện Bàn là vùng đất có nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất, vì vậy việc bổ sung chương Nhân vật chí vào Địa chí Điện Bàn là rất quan trọng nhằm tạo điểm nhấn khác biệt. Ảnh: V.L
Điện Bàn có nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất, vì vậy việc bổ sung chương Nhân vật chí vào Địa chí Điện Bàn là cần thiết và phù hợp nhằm tạo điểm nhấn khác biệt. Ảnh: V.L

Theo ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, công trình Địa chí Điện Bàn sẽ tập trung trong phạm vi không gian là địa giới hành chính hiện tại của thị xã Điện Bàn (bao gồm 20 xã, phường, tổng diện tích 214km2) nhưng có tham chiếu địa danh vùng đất Điện Bàn trong lịch sử.

Đồng thời, trên cơ sở góp ý của các thành viên hội đồng thẩm định, ông Úc thống nhất bổ sung thêm 2 chương về Nhân vật chí và chương Phụ lục vào Địa chí Điện Bàn. Riêng ở đề mục lịch sử vùng đất Điện Bàn từ năm 1945 đến nay sẽ phân kỳ nghiên cứu chi tiết hơn theo từng giai đoạn cụ thể, nhất là giai đoạn từ năm 2015 (Điện Bàn trở thành thị xã) đến nay vì xuất hiện yếu tố thị dân trong đời sống, phát triển kinh tế xã hội Điện Bàn.

“Đây mới chỉ là đề cương tổng thể, sau khi Điện Bàn tổ chức đấu thầu theo quy định, đơn vị nào trúng thầu sẽ phải làm lại đề cương chi tiết, bao gồm thời gian hoàn thành, kinh phí thực hiện và hội đồng thẩm định sẽ tiếp tục thẩm định đề cương chi tiết này” - ông Úc nói.

Hội đồng thẩm định công trình Địa chí Điện Bàn gồm 13 thành viên do ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn làm Chủ tịch hội đồng, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn làm Phó Chủ tịch thường trực hội đồng. NSND Huỳnh Hùng làm Phó Chủ tịch Hội đồng phụ trách chuyên môn. Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng làm cố vấn chuyên môn hội đồng.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tham mưu UBND thị xã lựa chọn, phê duyệt đề cương nhiệm vụ địa chí; lựa chọn hồ sơ tham gia đấu thầu đơn vị chủ biên; tổ chức hội thảo, thẩm định từng phần đến tổng thể theo đề cương nhiệm vụ địa chí và tiến độ thực hiện của đơn vị chủ biên công trình địa chí Điện Bàn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai biên soạn Địa chí Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO