Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia: Gỡ khó về vốn

NGUYỄN QUANG VIỆT 10/08/2017 09:18

Hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (chương trình giảm nghèo) và xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được triển khai trên địa bàn tỉnh gặp khó về nguồn vốn. Bởi vậy các giải pháp huy động vốn đang được UBND tỉnh và các ngành chú trọng triển khai.

Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới huy động được vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của địa phương.  TRONG ẢNH: Xã nông thôn mới Tam Phước, huyện Phú Ninh.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới huy động được vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của địa phương. TRONG ẢNH: Xã nông thôn mới Tam Phước, huyện Phú Ninh.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Giảm nghèo gặp khó

Theo thống kê, năm 2016 toàn tỉnh còn đến 45.330 hộ nghèo (tỷ lệ 11,13%), giảm 1,77% so với năm 2015. Kết quả giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh là 2 - 2,5%. Có nhiều nguyên nhân được UBND tỉnh phân tích, đáng chú ý là mục tiêu được tỉnh đưa ra từ năm 2014, tính toán trên cơ sở chuẩn nghèo về thu nhập chứ chưa tiên lượng đến chuẩn nghèo đa chiều được Trung ương thông qua cho giai đoạn 2016 - 2020. Khó trong triển khai công tác giảm nghèo của tỉnh là nguồn vốn. Theo Sở KH-ĐT, đến nay, việc xây dựng và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn của chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa thực hiện được. “Các bộ, ngành Trung ương chỉ thông báo tổng vốn cho cả chương trình giảm nghèo chứ chưa phân tích chi tiết cho từng tiểu dự án (Chương trình 30a, Chương trình 135) nên tỉnh chưa có cơ sở thông báo số vốn chi tiết đến từng huyện để dự kiến danh mục dự án cho chương trình. Chính phủ cũng mới ban hành phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Hiện tại, Chính phủ chưa có phê duyệt danh sách các huyện nghèo, huyện có tỷ lệ nghèo cao theo quy định tại Quyết định 2115/QĐ-TTg ngày 7.11.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nghèo áp dụng cho giai đoạn 2017 - 2020 để đầu tư cho Chương trình 30a nên tỉnh cũng chưa có cơ sở để thực hiện” - ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nói.

Trong thời gian qua, từ các nguồn vốn huy động được để triển khai xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, cơ sở vật chất văn hóa...); các mô hình sản xuất; thiết bị, máy móc... đã được đầu tư, xây dựng, kiện toàn trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo chuyển biến trong sản xuất, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Các công tác xóa nhà tạm; đào tạo lao động; vệ sinh môi trường, hạn chế chất thải, sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn đều có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo quy định tại Nghị định 161/2016/NĐ-CP quy định cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù phải đảm bảo 6 tiêu chí, trong đó có tiêu chí dự án nằm trên địa bàn 1 xã, do UBND xã quản lý và tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với các dự án thuộc chương trình giảm nghèo tại các huyện miền núi của Quảng Nam đều do ban quản lý đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư. Một số danh mục công trình ở Quảng Nam có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng lại không thể ban hành thiết kế mẫu. Do 2 tiêu chí trên không được đáp ứng nên các dự án thuộc chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh hầu như không áp dụng được cơ chế đặc thù để tận dụng nguồn vốn. Hiện tại, việc bố trí kế hoạch vốn năm 2017 của chương trình giảm nghèo cho các dự án khởi công mới gặp khó khăn, vướng mắc. Do ngày 2.3.2017, Bộ KH-ĐT mới có Văn bản số 1563/BC-BKHĐT để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng nên thủ tục đầu tư cho các dự án này bắt buộc phải được phê duyệt sau ngày 31.10.2016. Vì vậy, nếu bố trí kế hoạch vốn năm 2017 cho các dự án này sẽ đi ngược với quy định hiện hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết, tổng kinh phí đã phân bổ từ ngân sách nhà nước và kinh phí huy động thực hiện chương trình giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm là hơn 731,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 703,5 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh hơn 15,4 tỷ đồng, nguồn vận động gần 12,9 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam triển khai cho vay đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách trong 6 tháng đầu năm là hơn 602,4 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt hơn 3.817 tỷ đồng. Để triển khai chương trình giảm nghèo hiệu quả hơn trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt danh sách các huyện nghèo, huyện có tỷ lệ nghèo cao giai đoạn 2017 - 2020 để tỉnh có cơ sở lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2016 - 2020. Quảng Nam kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT khi giao kế hoạch vốn thực hiện các dự án cần phải giao chi tiết theo từng tiểu dự án để tỉnh có cơ sở phân bổ lại cho các địa phương trên địa bàn. “Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ, bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hàng năm theo mức vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ để có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng nên cho phép giải ngân nguồn vốn cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.

Huy động vốn NTM

Tổng kinh phí phân bổ từ ngân sách nhà nước để triển khai xây dựng NTM trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh hơn 386,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 239,2 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 147,4 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của toàn tỉnh là 12,5 tiêu chí/xã (tăng 9,89 tiêu chí/xã so với thời điểm năm 2010). Quảng Nam hiện có 62 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 30,39%), không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Theo Sở NN&PTNT, nguồn vốn xây dựng NTM huy động được vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của địa phương, vì thế cần triển khai tối ưu các giải pháp về vốn trong thời gian đến. “Cả tỉnh cần huy động, tận dụng tối đa và đa dạng nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM. Các địa phương cần chú trọng đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã để lại ít nhất 80% cho ngân sách thực hiện xây dựng NTM. Quảng Nam sẽ lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác nhau trên địa bàn để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở cấp xã gắn với thực hiện các tiêu chí hạ tầng xây dựng NTM” - ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT đề xuất.

Quảng Nam cần huy động đồng bộ các giải pháp về vốn để đẩy mạnh xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.Ảnh: QUANG VIỆT
Quảng Nam cần huy động đồng bộ các giải pháp về vốn để đẩy mạnh xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.Ảnh: QUANG VIỆT

Theo Sở KH-ĐT, hiện tại Quảng Nam triển khai nhiều chương trình, đề án. Có thể kể đến như Đề án giao thông nông thôn giai đoạn 2016 -2020, Đề án kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH, Chương trình kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu, Cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung; nguồn xổ số kiến thiết cho giáo dục, y tế; một số dự án lớn phát triển vùng tây của tỉnh; nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung; nguồn vượt thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh... Đó là cơ sở để tỉnh và các địa phương tận dụng, lồng ghép, huy động xây dựng NTM. Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, hiện có nhiều nguồn vốn tín dụng được triển khai trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến tín dụng thương mại theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tín dụng cho hộ nghèo, gia đình chính sách; cơ chế vay vốn giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg. Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được Trung ương phân bổ theo chương trình kiên cố hóa kênh mương; phát triển giao thông nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản; kết cấu hạ tầng phát triển làng nghề. Đó cũng là nhiều nguồn để Quảng Nam tận dụng, xây dựng NTM trong thời gian đến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết, dự kiến nguồn lực xây dựng NTM trong 6 tháng cuối năm đạt khoảng 2.633,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 224 tỷ đồng; vốn lồng ghép hơn 210 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 2.295,9 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp là 13,3 tỷ đồng, vốn huy động từ nhân dân hơn 50,6 tỷ đồng. Bởi vậy, Quảng Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp, nông thôn; vận động đóng góp của cộng đồng; huy động và sử dụng hiệu quả các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quảng Nam đề xuất với Trung ương phân cấp thực hiện thẩm định nguồn vốn đối với các dự án nhóm C quy mô nhỏ có sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trong các chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị Trung ương cho phép những dự án thuộc tiêu chí dự án nhóm C quy mô nhỏ nhưng cộng đồng dân cư không nhận tổ chức thi công thì có thể giao cho các tổ chức khác thi công và người dân địa phương tham gia lao động được trả công theo ngày công và theo mặt bằng giá tại địa phương.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia: Gỡ khó về vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO