Triển khai chính sách giảm nghèo cho đồng bào Co: Còn nhiều trở lực

TRẦN HỮU 15/10/2014 13:04

Các địa phương đã có chương trình kế hoạch giảm nghèo bền vững với đồng bào dân tộc Co, nhưng cái khó là nội lực nơi đây quá yếu, mức độ đầu tư của Nhà nước có giới hạn nên người dân vẫn dai dẳng với cái nghèo.

Thiếu đất canh tác là một trong những nguyên nhân khiến đồng bào Co chậm giảm nghèo.Ảnh: TRẦN HỮU
Thiếu đất canh tác là một trong những nguyên nhân khiến đồng bào Co chậm giảm nghèo.Ảnh: TRẦN HỮU

“Được nhà thì mất đất”

Vào mùa mưa, đến làng Suối Dưa (xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước) - nơi tập trung đông đúc đồng bào Co sinh sống, mới thấy được nỗi vất vả do cách trở về giao thông. Từ cầu ông Bách dẫn vào làng dài hơn 5km đất đỏ nhão nhoẹt. Làng không có trường học, trạm y tế. Toàn xã Tiên Lập có 33 hộ đồng bào Co (126 nhân khẩu) song chỉ có 1 hộ vừa thoát nghèo. Phần lớn các hộ đồng bào Co làng Suối Dưa giáp ranh với xã Trà Đông (huyện Bắc Trà My) sống rải rác, đơn độc giữa rừng sâu. Phong tục sinh hoạt, tập quán sản xuất của bà con vẫn chưa có sự thay đổi. Suối Dưa có 1,6ha lúa, 23ha đất lâm nghiệp nhưng bà con hầu hết không nắm rõ diện tích đang canh tác, sử dụng do thói quen du canh du cư nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khan hiếm đất sản xuất nên đồng bào sống chủ yếu bằng nghề làm thuê mướn và... phá rừng.

Thung lũng Suối Dưa với nhiều căn nhà lợp bằng mái tranh, tường phên. Trước đây, nhà ở của đồng bào được hỗ trợ xây dựng từ vốn Chương trình 134, tổ chức Đông Tây hội ngộ, vốn Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ nhưng nay đã hư hỏng, xuống cấp. Đề án hỗ trợ xây mới nhà cho đồng bào nhiều năm bất thành do bất cập của cơ chế. Hộ bà Võ Thị Cảnh - một hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà, với số tiền này, bà khó có thể làm được nhà để ở. Vì vậy, gia đình đành bán đi 2 con trâu, bò thì mới hoàn thiện được nhà. Bà Cảnh bảo, từ ngày bán trâu bò, hoàn cảnh kinh tế thêm khó khăn bởi mất đi phương tiện làm kế sinh nhai. Các hộ ông Lê Đình Vinh, Lê Văn Lộc nhà cửa đã dột nhiều phía, nhưng không dám nhận tiền hỗ trợ xây nhà. Ông Vinh giải thích, số tiền hỗ trợ thực tế chưa bằng nửa giá trị thi công nhà. Muốn có nhà thì buộc bà con phải bán đất, trâu bò, vì thế không ai dám nhận tiền xây nhà mới. Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lập - ông Nguyễn Văn Bằng cho biết, năm 2014, qua kênh của Mặt trận, toàn xã sẽ xây mới cho đồng bào gần 10 ngôi nhà nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ thực hiện được 1 nhà. Nguyên nhân chính là tiền hỗ trợ quá thấp, trong khi đồng bào không có khả năng bỏ thêm chi phí xây dựng.

Trong khi đó, đồng bào Co ở xã Tam Trà (Núi Thành) nhiều năm vẫn thoát nghèo rất chậm, nếu không muốn nói là giẫm chân tại chỗ. Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm xã Tam Trà giai đoạn 2011 - 2015 xác định ưu tiên giải quyết nguồn lao động tại chỗ thông qua hình thức đào tạo nhóm nghề nông - lâm nghiệp kết hợp, với hướng mở rộng diện tích trồng rau sạch, trồng nấm; ươm cây giống và trồng rừng, trồng mây và chăm sóc cây cảnh, đào tạo đội ngũ thú y cơ sở... Tuy nhiên, những lớp dạy nghề không được tổ chức thường xuyên, liên tục; các mô hình kinh tế hầu như chưa áp dụng vào thực tiễn. Từ năm 2007 đến nay, qua các Chương trình 134, 135, Nhà nước hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây dựng hàng loạt dự án phục vụ sản xuất, dân sinh; hơn 50ha đất sản xuất đã được khai hoang, vậy nhưng tiến độ giảm hộ nghèo vẫn rất chậm.

Để giảm nghèo bền vững

Theo ông Nguyễn Ngọc Mười - Chủ tịch UBND xã Tam Trà, muốn cho đồng bào thay đổi nhận thức thoát nghèo thì Nhà nước phải hỗ trợ nguồn vốn vay kịp thời để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cần khảo sát kỹ và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Thời gian qua, địa phương đã vào cuộc điều tra, khảo sát, thống kê từng đối tượng hộ nghèo cụ thể như người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và các đối tượng chính sách xã hội khác đang trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề để xét tuyển vào các khóa học nghề.

Còn tại xã Tiên Lập, việc làm đầu tiên là tìm tư liệu sản xuất cho đồng bào Co. Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lập - ông Nguyễn Viết Lượng cho rằng, chính quyền sẽ rà soát lại quỹ đất, thu hồi đất lâm nghiệp giao chung cho cộng đồng làng quản lý. Trên cơ sở đó, sẽ cấp đất mới cho các hộ thiếu đất và vừa tách hộ; hướng dẫn cho đồng bào chuyển đổi đất rẫy sang đất rừng và phát triển trồng rừng tăng thu nhập. Địa phương sẽ tiếp tục triển khai công tác giao đất trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho hộ; đề nghị các ngành chức năng của huyện xét cấp mỗi hộ 2 - 3ha. “Cách giảm nghèo bền vững là hướng dẫn bà con học nghề để tự chuyển đổi nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ. Phát triển nghề mới trên cơ sở nguồn nguyên liệu tại chỗ nghề mây tre đan, trồng nấm, nuôi ong lấy mật. Cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cần ưu tiên vốn cho người nghèo phát triển sản xuất” – ông Lương nói.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai chính sách giảm nghèo cho đồng bào Co: Còn nhiều trở lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO